Cổ phiếu bốn đại gia thép lao dốc không phanh
Nợ vay tăng, áp lực cạnh tranh lớn, cổ đông nội bộ thoái vốn, giá cổ phiếu liên tục giảm... đang là "thảm cảnh" của nhiều "đại gia" tôn thép đầu ngành như: Tôn Hoa Sen, thép Pomina, thép Việt Ý, Nam Kim.
Nợ vay tăng, áp lực cạnh tranh lớn khiến nhiều “đại gia” thép khó khăn, giá cổ phiếu lao dốc.
Ngành thép hiện gặp không ít khó khăn khi thị trường thế giới biến động bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như xu hướng bảo hộ của nhiều nền kinh tế. Việt Nam là đầu nguồn hàng bị Mỹ nghi vấn hàng Trung Quốc “đội lốt”, nên đã quyết định đánh thuế tất cả thép xuất xứ Việt Nam vào nước này. Điều đó đã gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp thép Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ như Hoa Sen và Nam Kim. Kể từ giữa tháng 4, giá cổ phiếu HSG đã giảm mạnh từ trên 19.000 đồng/cổ phiếu về còn 10.350 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 83% dù Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ đã ra tay “cứu giá”.
Việc cổ phiếu HSG lao dốc còn do doanh nghiệp này đang gánh khoản nợ khổn lồ. Báo cáo tài chính quý III/2018 của Tập đoàn Hoa Sen (từ 1/4-30/6) cho thấy, tổng tiền đi vay tính đến 30/6 HSG là 26.787 tỷ đồng. Sau khi trả các khoản nợ gốc đã thanh toán, đến thời điểm cuối quý này tổng dư nợ của doanh nghiệp hơn 15.880 tỷ đồng. Trong đó, 12.420 tỷ đồng nợ ngắn hạn và gần 3.460 tỷ đồng nợ dài hạn.
"Những năm trở lại đây sản lượng thép đã đáp ứng được nhu cầu trong nước, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy thép sang Việt Nam bằng mọi biện pháp, từ hạ giá đến các chính sách hỗ trợ xuất khẩu. Có thời điểm, giá thép Trung Quốc chỉ bằng 20%-30% giá thép Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp nên chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để tăng tính cạnh tranh cho thép trong nước song song với việc tìm hiểu kỹ các luật lệ quốc tế để có ứng xử phù hợp nhất”. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa |
Xét chi tiết cơ cấu các khoản vay, chủ nợ lớn nhất tính tới thời điểm này cả vay ngắn hạn và dài hạn của Hoa Sen là Vietinbank với hơn 13,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra còn các ngân hàng khác như: BIDV, Maritimebank, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM, ANZ, HSBC, Sinopac...
Tính đến thời điểm này, nợ của Hoa Sen gấp hơn 4 lần mức vốn góp chủ sở hữu gần 3.850 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong bảng cân đối kế toán, nợ ngắn hạn nêu trên của doanh nghiệp đã tiến sát đến con số tài sản ngắn hạn 13.545 tỷ đồng. Điều này cũng có nghĩa việc sử dụng đòn bẩy tài chính (thường được các doanh nghiệp có vốn mỏng áp dụng) đang đẩy HSG đến gần ranh giới mất cân đối tài chính.
Một doanh nghiệp thép có giá cổ phiếu lao dốc khác là Công ty CP Thép Nam Kim (NKG). Kể từ sau tin vợ Chủ tịch HĐQT Nam Kim bán toàn bộ 9,1% vốn, giá cổ phiếu NKG đã lao dốc mạnh dù trước đó Chủ tịch HĐQT công ty Hồ Minh Quang đã mua lại cổ đông lớn là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đầu tư P&Q. Cụ thể, giá cổ phiếu NKG từ mức “đỉnh” 31.300 đồng/cổ phiếu, đến cuối phiên giao dịch 22/8 chỉ còn 13.250 đồng/cổ phiếu, giảm 136%. Tính đến 30/6, lợi nhuận kế toán trước thuế của thép Nam Kim cũng giảm mạnh, từ 392,6 tỷ đồng cùng kỳ còn 274,9 tỷ đồng, riêng quý II từ 201,7 tỷ đồng còn 116,9 tỷ đồng. Công ty cho biết, kết quả kinh doanh giảm mạnh là do chi phí nguyên liệu đầu vào gia tăng làm tăng chi phí vốn. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng tăng mạnh do tỷ giá ngoại tệ dâng cao. Đến 30/6, công ty vay nợ ngắn hạn 4.052 tỷ đồng, trong đó 1.336 tỷ đồng vay bằng USD.
Giá cổ phiếu POM của Công ty CP Thép Pomina cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh kể từ đầu năm tới nay, nhất là sau khủng hoảng liên quan đến vụ việc lượng lớn cocain được phát hiện trong container thép phế liệu nhập từ Singapore của doanh nghiệp này ngày 24/7 vừa qua. Mặc dù Pomina 2 đã ra thông báo khẳng định không nhập hàng cấm, nhưng đến nay vụ việc chưa có kết luận cuối cùng.
Để tăng cường vốn, POM vừa phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành 55,89 triệu cổ phiếu mới trả cổ tức cho cổ đông. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của công ty này tăng lên trên 2.433 tỷ đồng. Trong mấy tháng qua, cổ đông nội bộ và lãnh đạo công ty này cũng liên tục mua vào cổ phiếu POM nhưng giá POM vẫn sụt giảm từ trên 19.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm về còn 14.400 đồng trong phiên ngày 22/8, giảm gần 32% dù lợi nhuận quý II/2018 của công ty này tăng mạnh từ 24,5 tỷ đồng cùng kỳ 2017 lên hơn 86 tỷ đồng kỳ này.
Giá cổ phiếu VIS của Công ty CP Thép Việt Ý cũng giảm không phanh. Từ trên 34.000 đồng đầu tháng 5, đến nay giá cổ phiếu VIS chỉ còn 28.000 đồng giảm 21,5%. Điều này là do kết quả kinh doanh bết bát của công ty khi ghi nhận lỗ kỷ lục từ khi lên sàn là 66 tỷ đồng 6 tháng qua, trong đó riêng quý II lỗ 68 tỷ đồng do chi phí giá vốn bỏ ra lớn hơn doanh thu. Công ty cho rằng, đà giảm tiếp nối đầu năm nay và tiếp tục kéo dài do cầu thép trong nước vẫn yếu, giá thép đầu ra liên tục giảm giá trong khi giá nguyên liệu đầu vào không thay đổi.