Cổ phần hóa DNNN chậm: Tốt vay, dày nợ xấu
“Thúc” cổ phần hóa để doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tự thoát cơ chế bao cấp xin - cho, từ bỏ tâm lý trông chờ ỷ lại và vươn lên mạnh mẽ… là mục tiêu Chính phủ luôn hướng tới. Tuy nhiên, trên thực tế, tiến độ cổ phần hóa DNNN năm nay vẫn khá ì ạch, thậm chí, vay nợ ngân hàng của nhiều “ông lớn” có biểu hiện dày lên…
Nửa năm “ì ạch”
Theo kế hoạch, năm 2015 cả nước cần hoàn thành cổ phần hóa 289 DNNN. Cập nhật của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN của Chính phủ, tính đến 6 tháng đầu năm 2015, mới chỉ có 61/289 DN hoàn thành cổ phần hóa, đạt 21% kế hoạch. Ngoài ra, Ban chỉ đạo cho biết, Chính phủ còn bổ sung thêm 125 DN cần cổ phần hóa trong năm nay, nâng tổng số DN phải hoàn thành cổ phần hóa lên 414 đơn vị. Trước nhiệm vụ nặng nề này, các chuyên gia đều khẳng định: không thể hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa năm 2015.
Tại buổi họp báo chuyên đề tháng 7/2015, đại diện Bộ Tài chính ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay: Số vốn ngoài ngành các DNNN đã thoái theo yêu cầu của Chính phủ tính đến quý I/2015 được 8.213 tỷ đồng và số thu về là 8.599 tỷ đồng. Số còn phải thoái trong những tháng cuối năm 2015 theo tính toán của bộ này lên tới 19.517 tỷ đồng, trong đó các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, bất động sản trên 12.000 tỷ đồng; hơn 7.000 tỷ đồng rơi vào các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, tài chính.
“Tổng giá trị các DNNN được cổ phần hóa trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỷ USD. Nếu Chính phủ chỉ dự kiến bán ra thị trường 15% tổng số cổ phần thì thị trường sẽ cần 3,75 tỷ USD để mua số cổ phần này. Như vậy nguồn tiền trong nước sẽ chắc chắn không đủ để mua cổ phần nói trên, và Việt Nam sẽ cần dòng tiền mới của nước ngoài để mua số cổ phần này”. Ông Nguyễn Kiên, Trưởng Nhóm công tác thị trường vốn tại Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ 2015 |
Lý giải tốc độ “rùa bò” cổ phần hóa năm 2015, các chuyên gia đều cho rằng, nguyên nhân chủ yếu bởi thị trường chứng khoán không đủ tiềm lực tài chính. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có quá nhiều biến động khan hiếm nguồn tiền đầu tư, đi kèm theo đó là vốn ngoại chảy vào kém dồi dào hơn. Thống kê từ ngày 1/1/2015 - 19/5/2015, dòng tiền mới của nước ngoài chảy vào Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội chỉ là 5 triệu USD, còn ở Sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh là 113, 3 triệu USD.
Cổ phần hóa chậm theo các chuyên gia còn đến từ tâm lý ỷ lại và kém nhiệt tình của không ít DNNN. Trong 8 tháng đầu năm, cổ phần hóa các DN thuộc Bộ Xây dựng không đạt kế hoạch đề ra do tình hình thị trường chứng khoán ảm đạm, nhiều khoản đầu tư kém hiệu quả, không có nhà đầu tư quan tâm nên rất khó khăn trong tìm kiếm người mua. Bên cạnh, kết quả rà soát chỉ ra vẫn còn một số tổng công ty còn chậm triển khai công tác thoái vốn như tổng công ty: Bạch Đằng, Fico, Hud…
Nhiều hoạt động của DNNN xuất phát từ vốn vay. Ảnh: Hồng Vĩnh.
DNNN - Vẫn tốt vay, dày nợ
Tháng 1/2015, báo cáo của Bộ Tài chính trình Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2013 của các DNNN cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả là 1.514.915 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012. Báo cáo cũng cho thấy, các DNNN đang hoạt động bằng vốn vay, trong đó, tổng nợ vay tính đến ngày 31/12/2013 của các tập đoàn, tổng công ty từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng là 489.260 tỷ đồng.
“DNNN ở Việt Nam đang có quy mô quá lớn, trong khi ở các nước phát triển trên thế giới, chỉ chiếm khoảng 15%. Và vì quy mô lớn như vậy, lại được các chủ thể tạo ra những ưu thế, đặc quyền, đặc lợi cho một bộ phận DNNN đã khiến thị trường biến dạng” - ông Phạm Đức Trung, Phó Trưởng ban cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) nhận xét.
Một thống kê mới đây vừa chỉ ra, riêng trong năm 2014, đã có 20 văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chấp thuận hoặc đồng ý cho phép ngân hàng thương mại được cấp tín dụng vượt giới hạn cho các dự án của DNNN. Mục đích phê duyệt cho vay vượt mức được nhắc đến như: Bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động, sản xuất, kinh doanh phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội (của các đơn vị thuộc PVN, phát triển sản xuất kinh doanh của 11 công ty thuộc Vinacomin); Xây dựng và cải tạo, mở rộng mạng lưới điện nhỏ và bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh một số đơn vị thuộc EVN; Mua máy bay của Vietnam Airlines; Kinh doanh xăng dầu và đảm bảo nguyên liệu thô của Nhà máy lọc dầu Dung Quất…
Tại lễ ký kết rót vốn cả ngàn tỷ cho một tập đoàn, lãnh đạo một nhà băng lớn thừa nhận với PV Tiền Phong: “Cho DNNN vay sẽ không sợ mất vốn bởi họ có dòng tiền tốt, nếu gặp khó khăn, thậm chí nếu DN phải giải thể thì vẫn có sự bảo lãnh của Nhà nước nhất là với những khoản vay chỉ định”. Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nợ xấu tập trung khá lớn ở lĩnh vực bất động sản và phần nhiều nợ xấu đều có tài sản bảo đảm. Một nghiên cứu về nợ xấu mới đây cũng chỉ ra, nợ xấu của DNNN có thể lên tới 200.000 tỷ đồng, hoặc cũng có khả năng, các DNNN chiếm tới 53% tổng số nợ xấu hiện tại.
Một nghiên cứu về nợ xấu mới đây cũng chỉ ra, nợ xấu của DNNN có thể lên tới 200.000 tỷ đồng, hoặc cũng có khả năng, các DNNN chiếm tới 53% tổng số nợ xấu hiện tại. |