Có nên cấm tiền ảo, căn hộ khách sạn?
Loại hình căn hộ khách sạn đã xuất hiện bảy năm rồi mà vẫn chưa có quy định pháp luật để bảo vệ nhà đầu tư.
Tiền ảo bitcoin và căn hộ khách sạn là hai vấn đề nóng nhất, được tranh luận nhiều nhất tại hội thảo “Cơ hội đầu tư, kinh doanh 2018” do nhiều đơn vị cùng phối hợp tổ chức diễn ra ngày 5-1.
Đổ tiền tỉ mua vẫn ngoài vòng pháp luật
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng, nhận định năm 2017, rất nhiều người quan tâm đầu tư căn hộ khách sạn. Nhiều người coi loại hình này là một dạng nhà ở nhưng cũng có người cho rằng đây là một mô hình kinh doanh du lịch. Còn quy định của Nhà nước thì cấm sử dụng căn hộ, nhà ở cho các mục đích khác không phải để ở.
“Hiện pháp luật chưa công nhận căn hộ khách sạn là nhà ở, Luật Đất đai cũng chưa công nhận. Trong khi nếu không xác định rõ thì năm 2018 sẽ xảy ra nhiều bàn cãi, gây rủi ro không đáng có cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức” - ông Khởi cảnh báo.
Được gọi là đại gia bất động sản nhưng khi phát biểu ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, nói ông đưa ra những vấn đề về căn hộ khách sạn với tư cách luật sư. Ông Quyết đồng tình rằng căn hộ khách sạn có thể ghép vào dịch vụ kinh doanh du lịch nhưng không đồng ý về quan điểm luật không rõ ràng về mô hình kinh doanh căn hộ khách sạn. Do vậy ông đề nghị áp dụng Bộ luật Dân sự thay vì Luật Đất đai, Luật Nhà ở cho mô hình này. Bởi nếu không có những luật này thì cũng không có chuyện dòng tiền đầu tư đổ vào căn hộ khách sạn.
“Giao dịch căn hộ khách sạn là thỏa thuận dân sự theo hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư. Nếu luật không chấp nhận thì tại sao có trên 60% dòng tiền đổ vào bất động sản là vào bất động sản nghỉ dưỡng?” - ông Quyết đặt vấn đề.
Ông Noah Eric Silverman: “Ở Nhật Bản, bitcoin được sử dụng ở quán cà phê, nhà hàng...”. Ảnh: CHÂN LUẬN. TS Cấn Văn Lực: “Không nên cấm mà nên tìm cách quản lý bitcoin”.
Thừa nhận thực tế loại hình bất động sản trên đang rất phát triển nhưng luật sư (LS) Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), khác quan điểm của ông Quyết. LS Đức cho rằng về nguyên tắc, căn hộ khách sạn chứa đựng cả hai yếu tố khách sạn và nhà ở. Tuy nhiên, nếu bắt căn hộ khách sạn phải đáp ứng đồng thời nhiều điều kiện thì có nghĩa là không thừa nhận loại hình kết hợp hoàn toàn mới này. Thậm chí còn dẫn đến tình trạng bế tắc, như Luật Nhà ở không cho phép sử dụng nhà ở vào mục đích khác không phải là để ở.
Do vậy cần thừa nhận căn hộ khách sạn là một loại hình lai trộn giữa khách sạn và nhà ở, chấp nhận sự linh hoạt kiểu tương tự như Uber, Grab là sự kết hợp giữa công nghệ và vận tải.
Không thể cấm bitcoin dù rất rủi ro
Một trong những vấn đề nóng cũng được đặt ra tại hội thảo là tiền ảo bitcoin có bị cấm dưới hình thức đầu tư hay không. Trả lời câu hỏi này, LS Trương Thanh Đức khẳng định: “Không thể cấm”. Theo LS Đức, bitcoin không phải là công nghệ mà là một sản phẩm của công nghệ Blockchain (chuỗi khối). Đây là một sản phẩm ứng dụng công nghệ nở rộ như nấm sau mưa, với hơn 1.300 loại tiền ảo và còn nảy nở mạnh nữa.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, LS Đức cho rằng bitcoin không phải là ba loại tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá mà là loại tài sản thứ tư, đó là quyền tài sản. Vấn đề là tài sản thì mặc nhiên phải theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Từ đó, LS Đức cho rằng không nên cấm giao dịch đầu tư, kinh doanh bitcoin mặc dù bitcoin “rất ảo và rất rủi ro”. Lý giải rõ hơn, LS Đức nói: “Theo luật hiện hành thì bitcoin không bị cấm giao dịch mua bán, trao đổi, tặng cho... chỉ bị cấm thanh toán, tức là cấm coi bitcoin như tiền”.
LS Đức cũng cho rằng nếu không công nhận bitcoin là hàng hóa thì nó vẫn là một loại tài sản và vẫn được giao dịch, trừ khi Quốc hội ban hành luật cấm. Nếu công nhận nó là hàng hóa thì sẽ cho lên sàn giao dịch chính thức như một sản phẩm tài chính.
Cơ quan chức năng đã quá chậm trong việc xác định loại hình căn hộ khách sạn là gì và xây dựng quy định về quản lý. Loại hình này đã xuất hiện 5-7 năm rồi mà vẫn cứ nghiên cứu, tranh luận không biết bao giờ mới có quy định pháp luật để hỗ trợ đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền sở hữu chính đáng của nhà đầu tư. LS TRƯƠNG THANH ĐỨC |
“Không thể cấm bitcoin vì không thuộc vào bốn điều kiện để có thể ban hành luật cấm theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Đầu tư năm 2014. Pháp luật chỉ ngăn cấm nguy cơ chứ không thể ngăn cấm cơ hội, dù cơ hội đó có là vô cùng rủi ro” - LS Đức nhấn mạnh.
Ông Noah Eric Silverman, sáng lập Công ty Helios và là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, tiền ảo, nhận định: “Năm 2017 bitcoin được nhiều nhà đầu tư coi như một dạng đầu tư tương tự vàng, được coi như tiền tệ. Ở Nhật Bản, bitcoin được sử dụng ở quán cà phê, nhà hàng... Ở những nơi khác, nhiều doanh nghiệp coi bitcoin là công cụ trong hoạt động kinh doanh nhưng 95% là thất bại. Nhưng điều đáng mừng là 5% còn lại đang phát triển và họ sẽ là những doanh nghiệp đột phá”.
Ông Noah Eric Silverman cũng nhận định rằng châu Á là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, mọi người rất hào hứng với tiền ảo và họ dễ dàng chấp nhận sử dụng bitcoin.
Đúc kết về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cho hay trong khảo sát tại 10 nước thì sáu nước có xu hướng quản lý bitcoin theo hệ thống bài bản, còn lại bốn nước còn khá thận trọng như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc... “Chúng ta không nên cấm đoán hoàn toàn bitcoin mà nên quan tâm đến vấn đề quản lý bitcoin như thế nào” - ông Lực khuyến nghị.
Dấu hiệu khá giống bong bóng 2007-2008 Tại hội thảo, TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng nền kinh tế hiện tại đang có dấu hiệu gần giống giai đoạn bong bóng, khủng hoảng năm 2007-2008. Các dấu hiệu này là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao kỷ lục; thị trường chứng khoán đang nóng; bất động sản vẫn rất sôi động... Do vậy cần phòng ngừa nguy cơ bong bóng. Tuy nhiên, TS Thiên cũng cho rằng nền kinh tế vẫn có những yếu tố kiềm chế được bong bóng và khủng hoảng. Bởi đầu tư công không dữ dội như trước, lạm phát kiềm chế tốt hơn. Đặc biệt kinh tế tư nhân năm qua đã có những bước tiến lớn, vốn đầu tư tư nhân đã từng bước thay được cho vốn đầu tư công giải ngân chậm. Dẫn ra ví dụ Tập đoàn Sungroup làm sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh, TS Thiên nói: “Tư nhân làm sân bay trong vòng 18 tháng và tháng 6-2018 sẽ khai trương đường bay. Nếu để Nhà nước làm thì sẽ mất 15-20 năm. Hay ở Phú Quốc (Kiên Giang) và TP.HCM, tư nhân đã có những đóng góp mang tính quyết định”. |