Có nên cấm cho vay USD?

Trước khi cấm vay ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước nên khảo sát thực tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng mới đây đã yêu cầu toàn ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ. Mục đích nhằm hạn chế việc găm giữ ngoại tệ, chống đôla hóa nền kinh tế.

Người kinh doanh lo lắng

Để chống đôla hóa nền kinh tế, hiểu nôm na là giảm bớt ảnh hưởng của đồng USD tới nền kinh tế trong nước, thời gian qua NHNN đã hai lần ngừng cho vay ngoại tệ nhưng sau đó lại mở lại để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là các công ty xuất nhập khẩu. Và ở thời điểm hiện nay, NHNN đang duy trì cho vay ngoại tệ nhằm hỗ trợ cho các DN và các ngân hàng vẫn nhận tiền gửi là USD để khuyến khích nguồn kiều hối gửi về Việt Nam.

Chính vì vậy, nếu dừng cho vay ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến cả các ngân hàng lẫn cộng đồng DN sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc một công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ở quận Bình Tân, TP.HCM, nêu quan điểm: “Tôi cho rằng trước khi cấm vay ngoại tệ, NHNN nên tiến hành khảo sát thực tế các tổ chức tín dụng, cộng đồng DN đủ điều kiện vay ngoại tệ. Qua đó để nắm rõ được nhu cầu vay của các công ty xuất khẩu hiện ở tình trạng ra sao. Trên cơ sở đó mới đưa ra quyết định khi nào cấm vay ngoại tệ cho phù hợp với nhu cầu thực tế, tránh gây sốc cho cộng đồng DN”.

“Chống đôla hóa là điều cần thiết nhưng không nên chống theo kiểu áp đặt cứng nhắc bằng các mệnh lệnh hành chính. Bởi cấm vay ngoại tệ buộc chúng tôi phải chuyển sang vay tiền đồng với chi phí lãi vay cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với việc được vay bằng ngoại tệ. Điều này dẫn tới hệ quả là hàng hóa Việt khó có thể cạnh tranh được so với các đối thủ trong khu vực” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Đại diện một công ty xuất khẩu nông sản cũng cho rằng siết cho vay bằng ngoại tệ cần có lộ trình phù hợp. Bởi hiện lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8%-6%/năm. Trong khi đó mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Điều này có nghĩa lãi suất cho vay bằng USD thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay tiền đồng.

Việc được vay USD với lãi suất thấp góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu ra thế giới, nhất là trong bối cảnh tỉ giá USD biến động khá mạnh trong thời gian gần đây. “Đó là chưa kể việc DN được vay bằng ngoại tệ cũng đóng góp một phần vào doanh thu cho ngân hàng. Do đó, nếu NHNN chấm dứt việc cho vay bằng ngoại tệ thì nguồn thu của nhiều ngân hàng sẽ giảm xuống” - vị đại diện công ty trên phân tích.

Có nên cấm cho vay USD? - 1

Nhiều ý kiến đề nghị việc chấm dứt cho vay ngoại tệ chưa nên thực hiện ngay mà nên  kéo dài một thời gian nữa để hỗ trợ DN xuất khẩu. Ảnh: TL

Tránh gây sốc

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, nêu quan điểm: Chống đôla hóa không có nghĩa là triệt tiêu đôla hóa. Lý do là có rất nhiều chủ thể trong nền kinh tế cần vay ngoại tệ để duy trì hoạt động kinh doanh, để tăng sự cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Nếu khách hàng không được vay ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay vốn bằng VND, trong khi lãi suất VND chắc chắn sẽ cao hơn lãi suất vay USD, dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên.

“Do đó, điều quan trọng phải rà soát lại xem quy trình cấp tín dụng có đúng là chỉ cấp cho các đối tượng đủ điều kiện được vay ngoại tệ hay không. Các nhà điều hành cần phải đưa ra chính sách hợp lý để ngăn chặn những DN thực chất không thuộc đối tượng cần được ưu tiên nhưng vẫn được hưởng chung sự ưu đãi từ chính sách vay ngoại tệ. Nói cách khác, kiểm tra quá trình cấp tín dụng ngoại tệ có đúng đối tượng không, DN sử dụng số tiền vay có đúng mục đích không còn quan trọng hơn là chấm dứt vay ngoại tệ để chống đôla hóa nền kinh tế” - TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh.

Trao đối với báo chí, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ở thời điểm này, việc chấm dứt cho vay ngoại tệ chưa thể thực hiện ngay, nên kéo dài một thời gian nữa để hỗ trợ DN xuất khẩu. “Đề nghị thời gian giảm dần huy động và tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ trong vòng ba năm tới là hợp lý, nhằm thực hiện chủ trương chống đôla hóa và chỉ có một đồng nội tệ có thể giao dịch ở Việt Nam. Khi đó, tất cả nguồn ngoại tệ gửi về Việt Nam muốn gửi tiền tại các ngân hàng thương mại phải đổi từ ngoại tệ sang VND và DN chỉ vay vốn bằng nội tệ. Điều này sẽ có lợi cho chính sách ngoại hối của Việt Nam” - ông Hiếu nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến cáo trong bối cảnh chủ trương chống đôla hóa của NHNN sẽ được thực hiện, cộng đồng DN cần chuẩn bị sẵn kịch bản sẽ không được vay ở một tỉ lệ nào đó cho đến khi chấm dứt hoàn toàn vay ngoại tệ. “DN nên đi tìm những nguồn tài trợ giá rẻ để giảm áp lực chi phí hoạt động. Nguồn này đến từ những công cụ tài chính như phát hành trái phiếu, hay tìm cách sử dụng vốn của các đối tác thương mại” - ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Tốc độ cho vay ngoại tệ giảm dần

NHNN đã theo đuổi mục tiêu chống đôla hóa nền kinh tế, bằng nhiều hình thức như áp dụng lãi suất huy động USD ở mức 0%. Từ đó tốc độ huy động và cho vay ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đã giảm đi rất nhiều. Nếu năm 1992 có tới 41% lượng tiền gửi ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng thì những năm sau con số này giảm còn 20%-32%.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết tính đến cuối tháng 7-2018, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 2,15 triệu tỉ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, huy động ngoại tệ chiếm 10,7%, tương ứng khoảng 230.000 tỉ đồng, giảm khoảng 1,8% so với cuối năm 2017.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN