Có hay không việc lách huy động vàng?

Trong khi ngân hàng phải đóng cánh cửa huy động vàng thì các doanh nghiệp có thể phát hành tín phiếu đảm bảo bằng vàng?

Sau năm ngày các ngân hàng thương mại phải chấm dứt việc huy động vàng đúng như Thông tư 12, hoạt động mua và bán trên thị trường vàng vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện một số thông tin cần được làm rõ.

Hết huy động, dân bán vàng đổi VND

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, ngày 25-11 vừa qua, tất cả các ngân hàng đã chấm dứt huy động chứng chỉ vàng. Ngay sau đó, một số ngân hàng triển khai việc thu phí giữ hộ vàng, mức thấp nhất khoảng 0,05% và cao nhất khoảng 2%. Tại Ngân hàng ACB, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc, cho biết ngân hàng đang triển khai dịch vụ giữ hộ vàng cho khách hàng có yêu cầu. Mức phí hiện tại là 0,05%/tháng.

Khảo sát tại một số chi nhánh thuộc các ngân hàng như Techcombank, Eximbank cho thấy các đơn vị này cũng đang nhận giữ hộ vàng cho khách hàng, không có lãi suất nhưng cũng không mất phí. Có một số ngân hàng khác không nhận giữ hộ vàng.

Vẫn có nhiều ý kiến thắc mắc liệu việc chấm dứt huy động vàng này có khuyến khích được dân gửi vàng vào ngân hàng hay không. Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng điều này tùy thuộc vào “khẩu vị” của mỗi người trong quyết định gửi vàng lại ngân hàng hay rút ra. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được thông tin đã có một lượng vàng được rút ra để đem bán lấy VND về gửi tiết kiệm.

Tình trạng này, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh SJC, cho hay do giá vàng ngày hôm qua tăng nên nhiều khách hàng đã đem ra bán ngay trong ngày. Lượng khách mua vàng vào giảm đáng kể, nếu không muốn nói là không có. “Thế nhưng cũng không thể loại trừ khả năng khách hàng rút vàng khỏi ngân hàng để đem bán lấy VND” - ông nói.

Có hay không việc lách huy động vàng? - 1

Cũng có người rút vàng ra bán lấy VND nhưng cũng rất nhiều người lựa chọn cách gửi cho ngân hàng giữ hộ.

Nhận định về xu hướng người dân bán vàng ra, ông Nguyễn Thanh Toại (Ngân hàng ACB) lại cho rằng cũng có người rút vàng ra bán lấy VND nhưng cũng rất nhiều người lựa chọn gửi cho ngân hàng giữ hộ.

Doanh nghiệp có thể phát hành tín phiếu vàng?

Không dừng lại ở đó, dư luận mấy ngày qua lại có thông tin rằng mặc dù đã chấm dứt huy động vàng nhưng một số đơn vị vẫn tìm cách lách luật để tiếp tục huy động vàng. Ông Nguyễn Hoàng Minh (Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM) khẳng định diễn biến của thị trường vàng luôn được cập nhật hằng ngày và cho đến nay chưa thấy có tình trạng lách luật ở các ngân hàng.

“Rất có thể một số người hiểu lầm về việc một số lượng khách hàng vẫn đang được hưởng lãi suất vàng. Theo quy định, trước ngày 25-11-2012 thì các ngân hàng phải chấm dứt hoạt động huy động vàng. Tuy nhiên trên thực tế, lấy mốc từ ngày 25-11 lùi về một tháng, trong khoảng thời gian này các ngân hàng vẫn được phép phát hành chứng chỉ huy động vàng. Và thời hạn tính từ thời gian này đến kỳ hạn cuối cùng trả lãi cho khách hàng là vào ngày 30-6-2013. Ví dụ, nếu một khách hàng gửi vàng vào ngân hàng từ ngày 26-10-2012 thì kỳ hạn lãi suất của người này sẽ được kéo dài tối đa đến ngày 30-6 năm sau. Cần lưu ý, đối với những khách hàng trước đây gửi vàng kỳ hạn một năm, hai năm hoặc kỳ hạn dài hơn, vượt qua ngày 30-6-2013 thì vẫn hợp lệ” - ông Minh giải thích.

Mặc dù vậy, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam, cho rằng rất có thể các ngân hàng thương mại đã chấm dứt huy động vàng đúng quy định. Nhưng trước ngày 25-11, nhiều khách hàng lại muốn tận dụng cơ hội hưởng lãi suất vàng nên đã đi đáo hạn để được kéo dài thời hạn đến ngày 30-6-2013.

Lúc 16 giờ 30 ngày 30-11-2012, giá vàng miếng SJC mua vào giá 46,97 triệu đồng/lượng, bán ra giá 47,12 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau khi lao dốc vào đêm trước, hôm qua giá vàng đã tăng vượt lên ngưỡng 47 triệu đồng/lượng.

Như vậy, có hay không việc các đơn vị lách luật? Ông Trần Thanh Hải cho biết đúng là theo Thông tư 12 thì các tổ chức tín dụng phải chấm dứt huy động vàng nhưng các doanh nghiệp vẫn được phát hành trái phiếu, tín phiếu. Nghĩa là doanh nghiệp cũng có thể phát hành tín phiếu đảm bảo bằng vàng. Vậy thì vấn đề tiếp tục được đặt ra là sẽ như thế nào nếu những doanh nghiệp này là sân sau của một số ngân hàng? Rõ ràng việc có doanh nghiệp phát hành tín phiếu vàng là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải vì chỉ là sân sau nên sức hấp dẫn của tín phiếu vàng sẽ bị giảm đi và tại thời điểm này vẫn chưa thể xác định được số lượng của nó.

Một chuyên gia ngành vàng nhận xét vàng là tài sản lớn trong khi nhu cầu về vốn vẫn còn quá lớn đối với rất nhiều doanh nghiệp hiện nay. Thế nên bằng cách này, doanh nghiệp có thể tận dụng việc huy động vàng để đổi lấy VND. Mặc dù cách làm này rất rủi ro nếu giá vàng biến động mạnh, họ vẫn làm. Mặt khác, trong tình hình các cánh cửa vàng dường như đóng lại thì khi phát hiện được có một cơ hội khác mở ra, nhiều người sẽ sẵn sàng gửi để tận dụng hưởng lãi suất. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN