Có hay không mua 'đất vàng' giá thấp rồi bán cao ngất ngưởng
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Bá Sơn phản ánh ý kiến cử tri đặt vấn đề có hay không sự thao túng của nhóm lợi ích trong việc cổ phần hóa (CPH), nhất là chuyện những lô đất vàng được định giá thấp nhưng sau đó được bán với giá cao ngất ngưởng.
Đề cập đến sự chậm trễ trong việc CPH doanh nghiệp nhà nước, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt vấn đề liệu có tình trạng cố tình làm chậm tiến độ? Theo ông Sơn, tổng giá trị vốn thuộc sở hữu nhà nước ở các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện khoảng 5,4 triệu tỷ đồng, kèm theo là "người nhà nước" tham gia quản lý khối tài sản này cũng không nhỏ.
“Đi cùng với nó là chế độ, quyền lợi, chính sách đối với họ. Phải chăng đây chính là lý do cản trở chủ trương cổ phần hóa DNNN, một chủ trương lớn giải phóng nguồn vốn dành cho dầu tư phát triển trong tương lai”, ông Sơn đặt câu hỏi.
Vị đại biểu này cũng phản ánh ý kiến của cử tri Đà Nẵng cho rằng, có hay không sự thao túng của nhóm lợi ích trong CPH?
Ông Sơn cũng nói rằng, việc một số người có chức có quyền trong DNNN và người thân của họ lợi dụng việc nắm bắt thông tin thao túng quá trình CPH, chuyện những lô đất vàng được định giá với giá trị thấp nhưng sau đó được bán ra với giá cao ngất ngưởng mà không thể tìm ra được bất cứ lý do nào dẫn đến sự tác động làm cho đột biến tăng giá như vậy.
“Đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề trên, giúp người dân yên tâm”, ông Sơn kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng)
Ngư dân lao đao vì tàu cá vỏ thép
Đề cập đến việc tàu đánh cá vỏ thép bị hư hỏng, ông Sơn bức xúc nói rằng: "Mới chỉ đóng có 37 con tàu thôi nhưng đã có 18 tàu hư hỏng nặng sau một vài chuyến biển. Nhiều chiếc buộc phải nằm bờ không thể ra khơi hoạt động.
Ngư dân đóng tàu để rakhơi, thực hiện sản xuất, tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ấy vậy mà có đại diện một công ty giải thích rằng tàu hỏng là do nước biển mặn. Tôi không thể tưởng tượng nổi câu trả lời này”, ông Sơn bức xúc.
Điều khiến ông Sơn băn khoăn, bức xúc hơn nữa là trong khi những sai phạm mười mươi đã rõ, thì các doanh nhân liên quan trong vụ này vẫn tranh cãi, thậm chí tìm cách chối bỏ trách nhiệm của mình. “Tình cảnh của những ngư dân hiện nay càng trở nên khó khăn, nợ ngân hàng đến hạn phải trả nhưng không thể trả, lãi chồng lên lãi, trong khi con đường đòi lại công bằng của ngư dân còn không ít khó khăn thì nợ xấu có nguy cơ tiếp tục gia tăng”, ông Sơn bày tỏ.
Theo ông Sơn, sự việc này khiến cho chủ trương phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo đang có nguy cơ không đạt được mục tiêu đề ra.
“Cuộc sống của ngư dân ngày càng trở nên bất ổn. Bà con ngư dân khu vực duyên hải trong cả nước đang chờ sự ra tay quyết liệt của Chính phủ giải quyết dứt điểm câu chuyện này, không để “cái sảy nảy cái ung””, ông Sơn nói.