Cô giáo “phố núi” có ít kiến thức kinh doanh vẫn gọi được “cá mập” đầu tư tiền tỷ
Sau cơn lốc đầu tư tại tập 6, Shark Tank Việt Nam mùa 2 - Thương vụ bạc tỷ lại tiếp tục lặp lại ở tập 10 khi cả 3 startup tham gia gọi vốn đều được nhận được đầu tư.
Lâm Hoài – một giáo viên và cán bộ đoàn ở Yên Bái, là người đầu tiên gọi vốn trong tập này. Với niềm đam mê ẩm thực, cô giáo trẻ đã sáng lập ra thương hiệu nhà hàng chay Pema. Cô đến chương trình với mong muốn các shark đầu tư 3 tỷ đồng đổi lấy 30% cổ phần.
Theo đó, nhà hàng có các món ăn chay như xôi ngũ sắc, nấm… và màu sắc của thức ăn được lấy hoàn toàn từ các loại lá ở vùng núi Tây Bắc. Điểm nhấn của chuỗi nhà hàng này là thực đơn gồm các vị thuốc, chế biến hoàn toàn từ nguyên liệu vùng cao. Ngoài ra, “đến nhà hàng Pema, khách không chỉ thưởng thức món ăn mà còn có cả không gian, văn hóa ở đó”, Lâm Hoài khẳng định.
Hiện, chuỗi có 3 nhà hàng, nhà hàng ở Yên Bái đã hoạt động được 1 năm, còn 2 nhà hàng khác ở Thái Nguyên và Hàng Bè (Hà Nội) sắp khai trương. Năm 2017, nhà hàng ở Yên Bái thu được 700 triệu đồng doanh thu, 140 triệu lợi nhuận.
Startup Lâm Hoài – người sáng lập chuỗi nhà hàng ăn chay Pema đến kêu gọi đầu tư.
Lâm Hoài cũng cho biết đã đầu tư 4 tỷ đồng để mở 3 nhà hàng trên. Trong đó, cô giáo trẻ này chi gần 800 triệu đồng cho cơ sở tại Yên Bái với diện tích 108 m2 và 100 chỗ ngồi, trung bình mỗi tháng chí có 100 lượt khách.
Đồng thời, startup này cũng thừa nhận bản thân chỉ có niềm đam mê, có ít kinh nghiệm kinh doanh.
Trước lời trình bày của cô giáo trẻ này, các shark cho rằng doanh thu trên một điểm bán như vậy là quá thấp. Theo Shark Hưng, với 100 chỗ ngồi, mỗi ngày phục vụ 2 ca, trung bình Pema phải có khoảng 200 khách/ngày, tương đương 6000 khách/tháng. Tuy nhiên, nhà hàng mới chỉ thu hút hơn 100 khách/tháng, tức chỉ bằng 1/600.
Các nhà đầu tư tỏ ra quan ngại về mô hình này khó tồn tại được trong thời gian tới.
Các nhà đầu tư cho rằng người sáng lập cần xem xét lại hiệu suất hoạt động của mô hình này. Các shark khác cũng tỏ ra nghi ngại về khả năng tồn tại của chuỗi nhà hàng này. Họ nhận định các thị trường mà người sáng lập lựa chọn hẹp, không có tiềm năng phát triển.
Chính vì thế, shark Phú quyết định không đầu tư vào mô hình này vì nhận thấy startup còn chưa hoàn chỉnh mô hình của một cửa hàng, chưa có công thức nhân rộng chuỗi. Cùng quan điểm, shark Linh cũng cho rằng đây là ý tưởng khá hay nhưng còn thiếu tầm nhìn và kế hoạch thương mại hóa nên từ chối lời mời đầu tư.
Shark Dũng cũng nhận định ăn chay là xu hướng hiện nay, dành lời khen cho tài nấu nướng của startup. Tuy nhiên, nhà đầu tư không đầu tư khi cho rằng nhà hàng mới chỉ khai thác được 1% công suất, hoạt động chưa hiệu quả. Shark Hưng cũng quyết định tương tự như vậy.
Sau những lời từ chối rót vốn của 4 nhà đầu tư, shark Thủy đưa ra lời khuyên cho startup nên đóng cửa nhà hàng.
Shark Thủy quyết định đầu tư cho startup này, thương vụ thành công..
Tuy nhiên, cô giáo trẻ cho rằng nhà hàng hiện tại vẫn đủ duy trì và tạo ra lợi nhuận. Hơn nữa, người sáng lập cũng rút ra được kinh nghiệm, có chiến lược phát triển sau một thời gian kinh doanh. Vì thế, startup mong muốn có nhà đầu tư đồng hành và mở rộng mô hình này.
Với niềm đam mê cháy bỏng của nữ startup cùng sự hứng thú với mô hình này, shark Thủy đưa ra lời đề nghị đầu tư 3 tỷ đổi lấy 80% cổ phẩn, trong đó 10% của nhà sáng lập và 10% để hoàn thiện KPI.
Nhà đầu tư này lập luận, để làm mô hình này cần một niềm đam mê vì nó rất đặc thù, nếu chỉ đơn giản là kinh doanh thì sẽ không làm được. Nhưng nếu chỉ là một ý tưởng mà không hiểu về kinh doanh thì cũng không làm được.
“Chúng ta sẽ tiếp tục làm, nhưng làm ở đâu và làm như thế nào thì anh sẽ là người quyết định. Còn linh hồn nhà hàng vẫn là em. Nếu KPI thành công, anh sẽ đầu tư mở rộng thêm”, Shark Thủy khẳng định.
Sau thời gian suy nghĩ, Lâm Hoài quyết định nhận đầu tư của nhà đầu tư này và thương vụ khép lại.
Đây là thương vụ thứ 2 kêu gọi đầu tư thành công trong tập 8 Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ.