Cổ đông bức xúc vì lợi nhuận ngân hàng

Nhiều ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2012 một cách thận trọng, trong khi lại muốn tăng vốn thêm khiến các cổ đông bức xúc.

Xác định môi trường kinh doanh còn diễn biến phức tạp, nhiều ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2012 khá thận trọng. Tuy nhiên, các cổ đông lại không đồng ý với sự thận trọng này và đưa ra những chất vấn về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận.

ĐHCĐ thường niên của SouthernBank diễn ra ngày 24/4 vừa qua. Năm nay, ngân hàng này dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.212,5 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, tăng 787,5 tỷ đồng so với năm 2011. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế SouthernBank đưa ra cho năm nay là 650 tỷ đồng, cao gấp đôi so với mức thực hiện năm trước và cổ tức dự kiến ở mức 10%. Tuy nhiên, năm 2011, SouthernBank chỉ thực hiện được gần 50% kế hoạch lợi nhuận đề ra với mức 248,37 tỷ đồng và giảm khoảng một nửa so với năm trước đó. Vì thế, tỷ lệ cổ tức năm 2011 của SouthernBank chỉ ở mức 7%.

Trả lời thắc mắc của một cổ đông tổ chức về tại sao khả năng sinh lời trên đồng vốn của Ngân hàng lại đạt mức thấp trong năm qua, Phó chủ tịch HĐQT SouthernBank, ông Trầm Bê cho rằng, khó khăn năm qua là khó khăn chung, trong đó SouthernBank không tránh khỏi ảnh hưởng. Việc đạt được 50% kế hoạch lợi nhuận đã là sự cố gắng lớn của HĐQT, Ban điều hành và có sự hỗ trợ rất lớn từ Ngân hàng Nhà nước.

Cổ đông bức xúc vì lợi nhuận ngân hàng - 1

DongA Bank cam kết mức cổ tức chi trả cho cổ đông hàng năm sẽ không dưới 15%

Cũng theo ông Bê, cổ đông không thể so sánh mức lợi nhuận giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ. Thực tế thị trường hiện nay, các ngân hàng lớn có rất nhiều lợi thế, nên việc khối này luôn có kết quả kinh doanh khả thi hơn các ngân hàng nhỏ cũng là điều dễ hiểu.

Tình hình thị trường ngày càng khó khăn, song hoạt động của ngành ngân hàng vẫn được giới đầu tư kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao, bởi không ít người vẫn cho rằng, ngân hàng là lĩnh vực hoạt động siêu lợi nhuận. Trong năm qua, trần lãi suất huy động được duy trì ở mức 14%/năm, nhưng khi cho vay ra, các nhà băng được quyền thỏa thuận với khách hàng. Do đó, vấn đề được các cổ đông quan tâm nhiều nhất trong năm nay chính là chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2012.

Trong khi đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế không ít nhà băng đưa ra năm nay chỉ bằng, thậm chí thấp hơn so với kế hoạch năm trước, nhưng vốn điều lệ vẫn dự kiến tăng.

Chỉ tiêu lợi nhuận HDBank dự kiến xây dựng cho năm 2012 ở mức 600 tỷ đồng, nhưng sau khi trình ĐHCĐ trong ngày 27/4 vừa qua, các cổ đông đã góp ý, cần điều chỉnh chỉ tiêu này cho xứng tầm với quy mô, nhất là khi vốn điều lệ Ngân hàng sắp được tăng lên 5.000 tỷ đồng. Do đó, HĐQT HDBank đã điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh với mức lợi nhuận 645 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 12%, cao hơn 1% so với mức trình ĐHCĐ. Trong năm qua, HDBank đạt 566 tỷ đồng lợi nhuận.

Thực tế, trước bối cảnh thị trường hiện nay, khi giá cổ phiếu ngân hàng vẫn ì ạch ở mức thấp, giới đầu tư đã đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng trước đó chỉ còn kỳ vọng vào cổ tức mang lại. Do đó, nếu nhà băng kinh doanh đạt hiệu quả cao thì tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông sẽ tốt hơn.

Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra cho năm nay ở mức 600 tỷ đồng so với mức thực hiện năm trước là hơn 321 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Xuân Loan, Chủ tịch HĐQT NamA Bank cho rằng, áp lực sẽ không ít đối với HĐQT và Ban điều hành. Mặc dù vậy, NamA Bank sẽ cố gắng hoàn thành chỉ tiêu này.

Trong khi đó, HĐQT DongA Bank cam kết mức cổ tức chi trả cho cổ đông hàng năm sẽ không dưới 15% (bằng tiền mặt). Tuy nhiên, so với mức vốn điều lệ gần đạt mức 5.000 tỷ đồng và sẽ tăng lên 6.000 tỷ đồng trong năm nay thì chỉ tiêu lợi nhuận DongA Bank xây dựng cho năm nay ở mức 1.500 tỷ đồng là khá khiêm tốn. Sự thận trọng này được lãnh đạo DongA Bank lý giải rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, kỳ vọng lợi nhuận cao là rất khó.

Lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong quý I/2012 không như kỳ vọng, bởi tăng trưởng tín dụng âm. Nhưng dù vậy, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng hiện chủ yếu vẫn từ hoạt động cho vay. Đơn cử như DaiA Bank đạt 105 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I; HDBank đạt 140 tỷ đồng, hay OCB đạt 100 tỷ đồng; ACB đạt 1.100 tỷ đồng lợi nhuận… Lãnh đạo các nhà băng trên cho biết, mức lợi nhuận này đều không đạt kỳ vọng và chưa hoàn thành chỉ tiêu quý I.

Có thể thấy, mặc dù chịu tiếng là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, nhưng cứ đến mùa ĐHCĐ, các ngân hàng, nhất là những đơn vị quy mô nhỏ, rất đau đầu với những chất vấn về lợi nhuận của cổ đông về kết quả năm qua và dự kiến năm nay. Trong mùa ĐHCĐ này, khoảng cách giữa kỳ vọng của cổ đông và dự kiến kế hoạch năm 2012 của ban lãnh đạo nhiều ngân hàng càng lớn, khi tăng trưởng tín dụng phải khống chế dưới mức cho phép và đầu ra cho nguồn vốn khó khăn do ảnh hưởng từ tình trạng đình trệ sản xuất của các DN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Vinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN