Có doanh nghiệp cổ phần hóa kiểu “giả vờ”, công khai nhưng không minh bạch

Sự kiện: Kinh Doanh

Nói đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, TS.Lê Đăng Doanh cho rằng: Đã cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán chứ để tình trạng cổ phần hóa nhưng lại không công bố ai mua cổ phần, hoặc khi công bố lại bán hết cổ phần rồi là đánh lừa chứ không phải công khai, minh bạch.

Dẫn chứng cho phân tích của mình, chuyên gia kinh tế - TS.Lê Đăng doanh cho biết: "Giả sử như câu chuyện cổ phần hóa khách sạn Phú Gia có công bố ai mua cổ phần ở đó không? Không có gì cả, nhưng khi công bố lên lại thông báo rằng bán hết cổ phần. Hay bánh tôm hồ Tây cũng vậy, đông khách từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đêm thế mà ai mua đến bây giờ vẫn bí mật”.

Chính vì thế, theo TS.Doanh cần công khai minh bạch, đối xử một cách sòng phẳng, không nên làm kiểu giả vờ công khai nhưng không minh bạch, “khi công bố lên thì bán hết cổ phẩn rồi như vậy là đánh lừa chứ đâu phải công khai minh bạch” – ông Doanh nói.

Có doanh nghiệp cổ phần hóa kiểu “giả vờ”, công khai nhưng không minh bạch - 1

TS.Lê Đăng Doanh.

Theo TS.Doanh, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước quan trọng là cần phải mời nhà đầu tư chiến lược. Việc thoái vốn của các DN cổ phần hóa chỉ có 8%, còn 92% còn lại vẫn của Nhà nước, như vậy “cổ phần hóa nhưng ông vẫn là ông chủ, còn nhà đầu tư nhỏ lẻ vào đó đâu có nói được gì?”.

TS.Lê Đăng Doanh nhận định, cần phải xem xét DN cổ phần hóa hoạt động như thế nào? Phải làm thay đổi cơ bản mô hình, mời được các nhà đầu tư chiến lược và phải thấy tại sao việc cổ phần hóa lại chậm và bị vướng mắc ở những khâu nào?

TS.Doanh đặt vấn đề như Hãng phim truyện Việt Nam tại sao thương hiệu lại chỉ được đánh giá 0 đồng khiến bao nhiêu nghệ sĩ bức xúc. Thêm vào đó, doanh nghiệp mua lại hãng phim này là một doanh nghiệp bất động sản, vì thế DN mua lại hãng phim để nhìn vào 5.000m2 đất?

TS.Doanh cho rằng nếu doanh nghiệp đó thực hiện không đúng mục đích thì Nhà nước phải có thái độ như thế nào, nếu giờ Nhà nước cho doanh nghiệp thuê để rồi họ xây cao ốc trong 50 năm ăn chênh lệch giá thì trách nhiệm sẽ ra sao?

“Câu chuyện này chủ yếu là vấn đề tái cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, lỗ hổng to đến nỗi con voi cũng chui qua được, cần phải có sự rõ ràng”, TS.Doanh nói.

Trước đó, trong báo cáo về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn 9 tháng đầu năm, cục Tài chính Doanh nghiệp - bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo đó, đầu tiên là do một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.

Việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm (đã có 46 doanh nghiệp các Bộ, ngành, địa phương thống nhất chuyển giao nhưng chưa chuyển giao và 176 doanh nghiệp chưa thống nhất chuyển giao về SCIC).

Thêm vào đó, các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chậm thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, mặc dù thị trường chứng khoán đã hồi phục xong vẫn chưa thực sự thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần DNNN khi thực hiện cổ phần hóa.

Bình luận thêm về câu chuyện cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước, TS.Doanh cho hay, Nghị quyết của Trung ương đã chỉ rõ, doanh nghiệp Nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Như vậy quy định rất rõ, tại sao không dựa vào đó để triển khai thực hiện?

Nhìn vào thực tế hiện nay, TS.Doanh nhận xét: "Doanh nghiệp Nhà nước như đường sắt, Vinataba thì cạnh tranh gì? Bởi đó là doanh nghiệp độc quyền, còn một số DN khác không độc quyền thì chiếm lĩnh thị trường như xăng dầu. Chúng ta thấy có từng ấy công ty xăng dầu quốc doanh nhưng cùng một lúc nâng giá. Nói đến cạnh tranh phải nói đến việc kiểm soát độc quyền”.

TS.Doanh khẳng định, một trong những nhược điểm rất lớn trong lĩnh vực cạnh tranh là “lờ” đi trong kiểm soát độc quyền, còn cơ quan thực hiện là cục Quản lý cạnh tranh lại đưa về bộ Công Thương để báo cáo Bộ trưởng thì đó lại là thiếu sót rất lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Di (Người đưa tin)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN