Có dấu hiệu nới lỏng tiền tệ, tài khóa

Chính phủ đang dần nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ vào những tháng cuối năm nhằm chống lại tình trạng kinh tế suy giảm, theo nhận xét của bà Phan Thị Thanh Bình, Giám đốc khối thị trường tài chính, ngân hàng ANZ với báo chí ngày 15-8.

Theo bà Bình, về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước gần đây đã có hàng loạt tín hiệu để tiếp sức cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu tối đa 17%, và cho phép giãn nợ, hoãn nợ và tái cấu trúc nợ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8-10% trong nửa cuối năm nay, sau khi chỉ tăng được 1,06% trong 7 tháng đầu năm, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Bà Bình nhắc lại cam kết gần đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, rằng lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm xuống dưới 8% nếu CPI năm nay giảm xuống dưới 7%.

Nửa đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất chính sách chủ chốt tới 5%.

“Cường độ cắt giảm lãi suất như vậy là rất nhanh và mạnh, và nằm ngoài kỳ vọng của rất nhiều người”, bà Bình nhận xét.

Bà Bình nói thêm: “Những động thái đó cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ”.

Bên cạnh đó, bà cho rằng chính sách tài khoá cũng có dấu hiệu mở rộng sau khi Chính phủ tuyên bố ứng trước 30 ngàn tỉ đồng từ Ngân sách Nhà nước năm 2013 để đầu tư cho năm 2012; và bơm ra nền kinh tế khoảng 21 ngàn tỉ đồng/tháng trong kế hoạch tài khoá trong nửa cuối năm nay.

Những động thái như trên, theo bà Bình, nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang “rất khó khăn” với tín dụng tắc nghẽn, nợ xấu gia tăng, doanh nghiệp phá sản, tồn kho tăng cao trong các tháng đầu năm nay.

Với câu hỏi, những tín hiệu trên có thể tác động như thế nào đến lạm phát năm sau, bà Bình trả lời bằng cách nhắc lại cam kết gần đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, rằng để lạm phát không quay lại năm 2013, Chính phủ sẽ xem xét thắt chặt tiền tệ vào quí 4 năm nay.

Tuy nhiên, bà bổ sung thêm là tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam sẽ “vẫn giữ ổn định” vì cầu của thị trường hiện nay rất yếu, dù hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến tăng lên do nới lỏng tiền tệ và tài khoá.

Trong khi đó, trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng không nên kích thích nền kinh tế vào thời điểm này.

“Nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá vào lúc này sẽ lại kích thích lạm phát về sau”, ông nói.

Ông Doanh cho rằng, các nhà điều hành kinh tế cần rút kinh nghiệm trong 5 năm vừa qua, khi Việt Nam cứ sa vào vòng xoáy “chống lạm phát, chống suy giảm” mãi không ra được.

Hơn nữa, theo ông Doanh, việc nới lỏng hai chính sách này sẽ lại tiếp tục nuôi dưỡng lòng tham của không ít nhà đầu tư, doanh nghiệp đã có kế hoạch kinh doanh tràn lan trong thời gian qua.

“Điều quan trọng nhất là phải tái cơ cấu kinh tế để các hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng hiệu quả,” ông cảnh báo. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tư Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN