Chuyện lạ: Mua ngân hàng 0 đồng vẫn đắt
Năm 2012, thị trường mua bán, sáp nhập ngân hàng (M&A) chỉ ghi dấu hai thương vụ thành công (Doji rót vốn vào TienPhong Bank và Habubank sáp nhập vào SHB), nhưng những thành công và thất bại trên thị trường này được xem là bài học quý cho các ngân hàng sắp tái cơ cấu.
Nhận diện những thương vụ chưa thành
Đầu năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố, sẽ có 5 - 8 ngân hàng M&A trong quý I/2012. Thời điểm đó, NHNN cũng khẳng định, có nhiều ngân hàng thương mại đang tích cực tìm hiểu lẫn nhau. Thế nhưng, năm 2012 sắp kết thúc, mà vẫn chưa có thêm thương vụ nào được công bố, ngoại trừ những thông tin lùm xùm quanh việc Công ty cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) hợp nhất với Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank).
Theo ông Đào Hùng Tiến, thành viên HĐQT Western Bank, ngày 14/8, nhóm cổ đông cũ của Western Bank đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Western Bank cho nhóm cổ đông mới PVFC. Đồng thời, nhóm cổ đông mới PVFC đã thanh toán trước 2.365 tỷ đồng và cam kết sẽ thanh toán 500 tỷ đồng còn lại sau khi nhóm cổ đông cũ hoàn thành việc đăng ký tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, đến nay, khoản nợ 500 tỷ đồng vẫn chưa được thanh toán.
Trả lời phóng viên, PVFC phủ nhận việc mua cổ phần Western Bank. Tuy nhiên, nguồn tin này cũng xác nhận, có việc các cổ đông mới mua cổ phần của Western Bank, nhưng chưa thanh toán nốt 500 tỷ đồng. Và công ty này cũng không phủ nhận việc nhóm cổ đông mới mua cổ phần của Western Bank là một phần của kế hoạch hợp nhất giữa Western Bank với PVFC.
Lý giải vụ lùm xùm này, có ý kiến cho rằng, sở dĩ nhóm cổ đông mới chưa trả nốt số tiền cho Western Bank vì đang đợi NHNN phê duyệt đề án tái cơ cấu. Song nhóm ý kiến khác lại dự đoán, nhóm cổ đông mới lừng khừng không muốn trả thêm tiền vì cho rằng, cái giá bỏ ra là hơi đắt cho một ngân hàng hầu như chỉ còn “vỏ”.
Ngoài thương vụ PVFC và Western Bank, năm 2012, một số ngân hàng yếu cũng được nhiều đối tác quan tâm, song đến nay, vẫn chưa có thêm thương vụ nào thành công. Hai ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cấu trúc đợt I là Navibank và Trust Bank đều tuyên bố sẽ tự tái cơ cấu bằng cách gọi vốn từ cổ đông chiến lược, ngân hàng lớn hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, trong hoàn cảnh kinh tế như hiện nay, tìm đâu những nhà đầu tư đủ tiềm lực để rót vốn?
Chưa kể, để vực dậy các ngân hàng này, khoản đầu tư phải lên tới hàng ngàn tỷ đồng - cái giá không hề rẻ với một số ngân hàng yếu hiện nay. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần bình luận: “Nếu năm ngoái và đầu năm nay, một số ngân hàng yếu kém chịu hạ mình, thì tình hình sẽ không đến nỗi tệ. Ngặt nỗi, nhiều ngân hàng dù lỗ khủng, bị nợ xấu ăn mòn cả vốn điều lệ vẫn làm cao, nên hệ quả là, từ năm ngoái đến nay, nợ xấu và số lỗ phát sinh rất lớn, thậm chí bằng cả phần vốn điều lệ của ngân hàng đó. Với các ngân hàng này, mua 0 đồng vẫn đắt, bởi ai dám mua khi phải gánh thêm 5.000 - 6.000 tỷ đồng tiền lỗ?”.
Truất quyền cổ đông của các ngân hàng mất vốn
Lãnh đạo một ngân hàng có ý định mua lại một ngân hàng bé cho hay: “Chúng tôi đã đàm phán với một ngân hàng yếu, dự định sẽ sáp nhập ngân hàng đó trong năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch không thành, vì các cổ đông lớn của ngân hàng đó đưa ra giá quá cao”.
Theo vị tổng giám đốc trên, việc một số ngân hàng đã gần mất vốn điều lệ, song các cổ đông chính vẫn nắm “quyền sinh, quyền sát” là không hợp lý. Đúng hơn, với những trường hợp này, những cổ đông chính thực chất không còn quyền cổ đông nữa. Do đó, Nhà nước nên đứng ra truất quyền cổ đông của họ và ép buộc phải sáp nhập với ngân hàng khác. Chỉ có cách này mới nhanh chóng thúc đẩy được quá trình tái cơ cấu ngân hàng.
Đồng quan điểm, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Charter khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia nói: “Vốn chủ sở hữu ngân hàng phải được sử dụng để bù đắp tổn thất của các ngân hàng trước khi được Nhà nước hỗ trợ, bởi mục đích chính của vốn chủ sở hữu là bù đắp những tổn thất của nó. Sẽ có rủi ro đạo đức nếu các chủ ngân hàng không có áp lực mất vốn chủ sở hữu, họ cũng sẽ không có động lực để nỗ lực hơn trong tương lai”.
Tương tự, ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC (Việt Nam) cho rằng, với những ngân hàng yếu, không mang ý nghĩa chiến lược với nền kinh tế, không còn vốn chủ sở hữu, thì nên xem xét sáp nhập hoặc đóng cửa, rút giấy phép.
Báo cáo của Chính phủ gần đây chỉ rõ, sự không thống nhất của cổ đông chính là rào cản làm chậm quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Bài học tái cơ cấu của TienPhong Bank và SHB cũng cho thấy, yếu tố tiên quyết để quá trình tái cơ cấu diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, trước hết là phải có sự đồng thuận, quyết tâm cao của cổ đông chính hai ngân hàng.
Một điều kiện nữa có ý nghĩa tiên quyết trong thành công hay thất bại của tái cơ cấu ngân hàng là dòng tiền. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TienPhong Bank khẳng định, dù là tự tái cơ cấu hay M&A, điều kiện tiên quyết để thành công phải là có một dòng tiền thực bơm vào để bù đắp những tổn thất của ngân hàng đó. Tuy nhiên, tiềm lực của các nhà đầu tư trong nước hiện nay khá khó khăn, do đó, NHNN nên xem xét nới room cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ý kiến - Nhận định Khó xác định giá trị gia tăng của thương vụ” Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCpital Ông Sumi Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam |