Chuyển giá tại Sabeco: "Có lỗ hổng trong quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt"

Sự kiện: Kinh Doanh

KTNN đã kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco. Điều này chứng tỏ đang có lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành.

Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, trường Đại học Fulbright Việt Nam đã thẳng thắn nêu lên thực tế trên tại hội thảo “Chuyển giá – Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay” sáng 19/7.

Chuyển giá tại Sabeco: "Có lỗ hổng trong quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt" - 1

Một trong những lý do đấu tranh chống chuyển giá gặp khó khăn theo giới chuyên gia là do tâm lý nhún nhường với doanh nghiệp lớn.

Giải thích ngắn gọn về chuyển giá, ông Tuấn cho rằng, khái niệm này có thể hiểu là việc hàng hoá, dịch vụ, tài sản giao dịch giữa các thành viên cùng một tập đoàn hoặc các công ty có mối liên kết không theo tiêu chuẩn giá cả thị trường.

Dễ hiểu hơn, ông lấy ví dụ về trường hợp một công ty chuyển giá bằng cách giảm doanh thu bán hàng, từ đó làm giảm lợi nhuận chịu thuế. Theo đó, công ty (ở nước có thuế suất thu nhập cao) sẽ bán hàng với giá thấp cho công ty mẹ hoặc thông qua một công ty liên kết với công ty mẹ có trụ sở ở nước ngoài, nơi có thuế thu nhập thấp. Giá bán sẽ được tính toán sao cho công ty ở nước sở tại nơi có thuế suất cao không còn lợi nhuận chịu thuế, thập chí lỗ. 

Sau khi mua hàng từ công ty nước sở tại, hàng hóa lại được công ty ở nước có thuế suất thấp bán lại, phân phối đi thị trường thế giới. 

Một ví dụ khác theo ông là việc các công ty mua nguyên liệu đầu vào với giá cao. Các công ty thường tìm cách đưa vào nguyên liệu đầu vào các yếu tố như tính chất độc quyền, vô hình để làm khó cơ quan chức năng trong việc so sánh giá. Từ đó, doanh nghiệp có thể giảm được lợi nhuận chịu thuế. 

Đấu tranh chống các tình trạng chuyển giá theo ông Tuấn là ngày càng phức tạp, đặc biệt là đấu tranh với các doanh nghiệp lớn. Nguyên nhân một phần bởi tâm lý nhún nhường các đơn vị lớn.

Theo ông, sự quan tâm của Chính phủ với các tập đoàn lớn là cần thiết nhưng sự ưu ái, dễ dãi quá mức khiến cho công tác thanh kiểm tra gặp khó khăn và thách thức vô hình.

Ông đề xuất, không nên thu hút vốn FDI bằng mọi giá, không nhân nhượng quá mức với các tập đoàn lớn. 

Đồng tình, ông Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính nêu thêm ý kiến, cần thu hẹp diện ưu đãi thuế. Đây là vấn đề theo ông có 2 mặt, một là có thể giúp thu hút đầu tư nhưng ngược lại, ưu đãi quá nhiều, quá “lắt nhắt” sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp chuyển giá.

“Ta ưu đãi thuế nhưng những gì ta thu lại có đủ bù không” vị chuyên gia của Học viện Tài chính nêu vấn đề.

Ông cũng đề xuất cần có Luật kiểm soát chuyển giá để tạo hành lang pháp lý cho cơ quan chức năng. Đặc biệt, vị này cho rằng, thẩm quyền của cơ quan thuế còn hạn chế trong khi để kiểm soát chuyển giá cần điều tra dữ liệu. Cơ quan thuế hiện không được quy định chức năng này. Bởi vậy, ông tỏ ra đồng tình với kiến nghị cần bổ sung chức năng điều tra thuế trong Luật Quản lý thuế.

TS Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết không chỉ các doanh nghiệp FDI mà các doanh nghiệp nội địa cũng có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá. Tiêu biểu là Sabeco. Cụ thể, doanh nghiệp này vừa thực hiện sản xuất, vừa thực hiện phân phối sản phẩm bia. Sabeco sản xuất và bán bia cho công ty con của mình là các công ty thương mại Sabeco với giá thấp. Sau đó bia được bán lại cho công ty khu vực, đến đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3,... sau đó mới đến người tiêu dùng.

Ông Phớc nhấn mạnh, KTNN đã kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco. Điều này chứng tỏ đang có lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN