Chứng khoán Việt - khi 'bão' quét qua...

Hai ngày qua, phản ứng trước thị trường chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua cơn hoảng loạn với đỉnh điểm “bốc hơi” tới 19 tỷ USD. Cảm giác như bị một cơn bão lớn quét qua, không chỉ tổ chức, công ty chứng khoán, nhà đầu tư lo ngại mà ngay các cơ quan quản lý đều nhấp nhổm lo.

Phân tích của giới chuyên gia cho thấy, đây cũng là sự điều chỉnh hợp lý khi thị trường chỉ có tăng mà không giảm trong thời gian quá dài. 

Bán tháo “bay” cả chục tỷ USD 

Nếu như trong phiên ngày 5/2, TTCK bốc hơi 7 tỷ USD được cho rằng do tâm lý “tê liệt” của giới đầu tư trước sự lao dốc không phanh của chứng khoán thế giới, thì tại phiên 6/2 sự hoảng loạn còn khiến “bão” thổi qua tâm lý nhà đầu tư với  cấp độ lớn hơn.

Chứng khoán Việt - khi 'bão' quét qua... - 1

Hai ngày qua, TTCK Việt Nam đã trải qua cơn hoảng loạn với đỉnh điểm “bốc hơi” cả chục tỷ USD. Ảnh minh họa: Dân Trí.

Vào giờ mở cửa, VN-Index tiếp đà rơi tự do giảm gần 45 điểm, về sát mốc 1.000 điểm với 78 mã nằm sàn. HNX-Index mất 6,86 điểm, tương ứng hơn 5.5% và lùi về 112 điểm. Đến 9h40, chỉ số VN-Index chính thức vuột khỏi mốc 1.000 điểm lùi về dưới 985 điểm. Vào lúc 10h, khai khoáng, bất động sản, chứng khoán, ngân hàng tiếp tục là những ngành giảm mạnh nhất. Giới đầu tư đổ xô vào bán cổ phiếu, dư mua thấp, dư bán ngập tràn bằng mọi giá khiến thị trường “nhuốm đỏ sàn”.

“TTCK giảm đã làm nhà đầu tư thiệt hại đáng kể và nhiều người tỏ ra lo ngại khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính. Tôi cho là không đáng lo ngại và trong một chừng mực nào đó đợt giảm giá cũng có tác động tích cực. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư thận trọng tỉnh táo hơn khi tham gia thị trường”. 

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI

Rất may, sang chiều, đà rơi được chặn. Vào lúc gần 14h, sắc xanh bật lên trên bảng điện tử. Nhóm ngân hàng hồi phục, khiến hàng loạt cổ phiếu khác tức thì hủy lệnh bán giá sàn. Khối ngoại mua ròng qua thỏa thuận, đẩy giá trị giao dịch sàn Hose lên tới 10.150 tỷ đồng. Đây chính là động lực giúp VN-Index đóng cửa đà giảm mạnh. Còn HNX-Index giảm 2.78%.

Cuối ngày 6/2, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước chia sẻ cùng phóng viên Tiền Phong: Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa phải họp gấp với Chính phủ. Ông này cho hay, những diễn biến trong ngày đặc biệt là phiên chiều 6/2 cho thấy, thị trường đã lấy lại được tâm lý ổn định. “Còn sự điều chỉnh hiện tại là lẽ đương nhiên, vì thị trường đã tăng nóng một thời gian dài. Tuy nhiên, giao dịch tốt, khối ngoại mua ròng tới hơn 4.800 tỷ cho thấy sức cầu của thị trường vẫn rất ổn”, vị này nói.

Trước đó, trả lời PV Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI - một nhà đầu tư “lão luyện” cũng cho rằng, sự điều chỉnh trực tiếp có nguyên nhân đến từ tác động của thị trường thế giới; còn nguyên nhân sâu xa hơn chính là TTCK trong nước đã tăng quá nóng và bị tận dụng quá mức. “Đây là sự điều chỉnh cần thiết để lành mạnh lại thị trường,” ông Hưng khẳng định.

Chứng khoán Việt - khi 'bão' quét qua... - 2

Một người đàn ông sau khi nhìn bảng điện tử bên ngoài Công ty chứng khoán ở Tokyo ngày 6/2. Ảnh: nguồn Bloomberg.

Cùng lúc, trên diễn đàn chứng khoán F319, sau khi hoảng loạn tháo chạy bán giá sàn không được, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã lấy lại bình tâm. Chiều 6/2, một nhà đầu tư bình luận: “Đến giờ này bão chưa tan, nhưng giông lốc, sóng thần... chắc không xảy ra”. Một nhà đầu tư khác lại cẩn thận hơn “Năm nay là năm liên hoàn bão, anh em cứ đóng chặt cửa ở nhà ăn Tết. Ra ngoài đường lại lãnh đạn thì khổ…” .

Kịch bản 2007 có lặp lại?

Bình luận về diễn biến thị trường hai ngày qua, ông Nguyễn Hồng Điệp  đến từ chứng khoán SHS cũng cho rằng: Thị trường gần Tết năm nay khả năng sẽ có nhiều khác biệt. “Nếu đúng như kỳ vọng thì sau nhịp điều chỉnh này, thị trường sẽ ổn định trở lại trong những phiên giáp Tết Nguyên đán và sau Tết sẽ sớm vượt mức đỉnh lịch sử năm 2007”, ông Điệp nói. 

Còn ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) thì cho rằng, có 3 nguyên nhân khiến chứng khoán Việt rớt mạnh đó là: Ảnh hưởng từ chứng khoán thế giới (chứng khoán Mỹ rớt mạnh); Giá vàng lại tăng để trở thành kênh đầu tư hấp dẫn (tăng 3.2% kể từ đầu năm 2018), Fed tăng lãi suất, giá trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng. Và cuối cùng là thị trường giảm mạnh bởi đã có một quá trình tích lũy khá lâu.

Chứng khoán Việt - khi 'bão' quét qua... - 3

Những phiên đấu giá cổ phần và sự thăng hoa của VN- Index đã kéo cả dòng tiền đổ vào TTCK tăng kỷ lục từ 2017 đến nay.

TTCK có quay trở lại thời kỳ “bong bóng” 2007 không? Đó cũng là câu hỏi “đau đầu” nhất cả với cơ quan quản lý và giới đầu tư trong những ngày này. Dù hầu hết giới chuyên môn đều trấn an thị trường rằng dù điểm số VN- Index lên bằng thời cách đây 10 năm nhưng quy mô vốn hóa thị trường đã lớn hơn gấp hàng chục lần. Cùng với đó, chất lượng các doanh nghiệp niêm yết cũng lột xác, thay da đổi thịt hơn, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, chứng khoán đã tăng nóng trong một thời gian quá dài. 

“Với mức giảm nhanh chóng chỉ sau 2 ngày, thị trường đang tạm quay về mức đầu năm 2018. Và mức sụt giảm gần 10% này là điều chỉnh phù hợp để dừng lại cân nhắc chuyện giao dịch hay không giao dịch”, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ đầu tư lưu ý. Theo vị này, hiện trong nước có những yếu tố tác động đến chứng khoán như tâm lý nhà đầu tư, rút tiền dịp trước Tết Nguyên đán, đóng tiền cho các đợt IPO hay siết chặt margin thời gian tới. Tuy nhiên, những yếu tố này cũng đã “âm ỉ” và “lai rai” từ trước và chỉ góp phần nhỏ, còn vấn đề tác động mạnh nhất có lẽ cũng là do thị trường đã tăng quá mạnh trong năm vừa qua.

Những ngày đầu năm 2018, TTCK Việt Nam thăng hoa đáng kinh ngạc. VN- Index không chỉ dễ dàng chinh phục mốc 1.000 điểm mà dòng tiền đổ vào thị trường cũng tăng kỷ lục với 46.700 tỷ đồng vốn ngoại đã đổ “ròng”. Chứng khoán quay lại thời kỳ hoàng kim đến mức cứ mỗi phiên, tài khoản nhà đầu tư lại gia tăng tới vài phần trăm lợi nhuận. Có lãnh đạo công ty chứng khoán còn lên tiếng ví von: “Ai đánh chứng khoán mới là người bình thường, còn không đánh là người không bình thường”. Một nhà đầu tư phía Nam chuyên đầu tư cổ phiếu tài chính mới đây kể: “Đầu 2017, tôi chỉ để có 30 triệu trong tài khoản, vậy mà nhờ lựa các mã tốt tăng đến giờ số tiền này đã lên tới 300 triệu đồng. Nếu so với đầu tư bất động sản, nó lãi gấp chục lần. Còn so với gửi ngân hàng gấp tới cả trăm lần”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền phong)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN