Chứng khoán thê thảm đầu năm: Yếu tố nào đang chi phối?

Thị trường chứng khoán (TTCK) mở màn năm mới bằng chuỗi phiên giảm điểm với thanh khoản khá sụt trồi. Chu kỳ tăng điểm đầu năm không lặp lại khi những yếu tố bên ngoài là nguyên nhân chính khiến cho thị trường biến động mạnh trong thời gian qua.

Sau 2 tuần giao dịch đầu tiên của năm 2016, chỉ số VN-Index mới ghi nhận một phiên tăng điểm mạnh nhất vào ngày thứ Ba (12/1) với mức tăng hơn 6 điểm, HNX-Index tăng 0,55 điểm. Đây được đánh giá là phiên giao dịch tích cực nhất trước khi đảo chiều giảm điểm trở lại. Tính ra VN-Index đã mở đầu năm giao dịch mới bằng một chuỗi ngày giảm điểm.

Chứng khoán thê thảm đầu năm: Yếu tố nào đang chi phối? - 1

TTCK dù muốn hay không cũng phải chờ ăn theo tin tốt của cả trong và ngoài nước. Ảnh: Như Ý.

Theo nhận định chung của các CTCK,  đây là một sự kiện khác lạ so với cùng thời điểm của những năm trước. “Nhà đầu tư thường kỳ vọng TTCK sẽ được đánh lên trong tháng đầu năm dương lịch cũng là thời điểm trước kỳ nghỉ tết Âm lịch. Chu kỳ này đã lặp lại trong vòng hơn 5 năm qua tính đến năm 2015”, một phân tích viên nhận định.

Đặc biệt trong đợt giảm điểm này, thị trường đã phản ứng tiêu cực và tạo  phiên điều chỉnh khá mạnh vào giữa tuần trước trước làn sóng bán tháo diễn ra trên thị trường Phố Wall. Đặc biệt là cú sốc từ việc TTCK Trung Quốc giảm tiếp 7% và tự động ngừng giao dịch lần thứ 2 trong tuần. 

Tại thời điểm này, ngoài số lượng lớn mã giảm sàn còn xuất hiện dấu hiệu bản giải chấp ở những mã có tính đầu cơ cao. Đã vậy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ hành động bán ròng làm chủ đạo. Tính từ đầu năm đến ngày 12-1, khối ngoại đã bán ròng gần 186 tỷ đồng trên sàn HOSE. Xem ra đây sẽ là sự khởi đầu không mấy suôn sẻ vì khối ngoại thường là động lực lớn của thị trường và ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư nội.

Vì sao diễn biến trên TTCK lại đi ngược lại với những yếu tố vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam trong năm bất chấp nhiều thông tin vỹ mô tích cực được công bố. Mổ xẻ kỹ điều này, Công ty chứng khoán HSC đã chỉ ra: thị trường trong nước hiện phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường thế giới và khu vực. 

Cụ thể hơn, phụ thuộc vào diễn biến đồng Nhân dân tệ (NDT). “Sự phá giá của đồng NDT không phải diễn ra lập tức và chính phủ nước này có thể quyết định duy trì bình ổn một thời gian trước khi có những điều chỉnh tiếp theo. Trên thực tế không thể biết được chính xác điều này và do đó rất khó để đưa ra dự báo ngắn hạn đối với diễn biến của đồng tiền này”- HSC cho biết.

Yếu tố nào đang chi phối

Theo số liệu của HSBC Việt Nam, nền kinh tế đã đạt được thành quả tốt trong năm 2015 với GDP tăng 6,7% - mức tăng mạnh nhất trong vòng tám năm qua, trong khi lạm phát tăng chậm lại chỉ còn 0,6%. Đây là một trong nhiều thông tin tích cực mà thị trường đón nhận trong đầu năm 2016. GDP quý IV-2015 đã tăng 7,1% đưa mức tăng trưởng cả năm đạt 6,7%, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2007, vượt qua mục tiêu do Chính phủ đề ra là 6,2%.

Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận nhiều thay đổi từ phía cơ quan quản lý như rút ngắn thời gian thanh toán T+2, cho phép giao dịch trong ngày, cho phép mua bán cùng ngày và nhiều sản phẩm chứng khoán phái sinh khác. 

Hơn nữa Quý I-2016 cũng là thời điểm doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh và phần lớn được dự báo bức tranh khả quan hơn năm 2014. Dù có rất nhiều yếu tố nội tại tích cực hỗ trợ, song phản ứng của TTCK vẫn khá dè dặt.

Điểm chung của hầu hết nhận định về nguyên nhân dẫn đến đợt lao dốc mạnh của TTCK Việt Nam tuần qua cũng như những rủi ro tiềm ẩn là sự đe dọa đến ổn định của chứng khoán toàn cầu và diễn biến bất ổn trên thị trường tiền tệ, chứng khoán Trung Quốc.

 Hiện tại, cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm của NHNN được cho là sự thay đổi hợp lý phù hợp với điều kiện hiện nay nhằm linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Đến nay tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng vẫn ổn định và cách xa trần quy định của NHNN. Đây có thể đã trở thành yếu tố tích cực trên TTCK, song các diễn biến của đồng NDT khiến nhà đầu tư tỏ rõ thái độ thận trọng.

Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đặt vấn đề: liệu phiên lao dốc đầu năm ở thị trường Trung Quốc là do ảnh hưởng của quy định giao dịch mới hay là vì hoạt động sản xuất tiếp tục cho thấy những kết quả kém tích cực. 

“Nếu sản xuất chững lại khiến đồng NDT bị mất giá, thì điều này sẽ gây áp lực đối với tiền đồng Việt Nam và thử thách cơ chế quản lý ngoại hối mới của Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng bất lợi đối với TTCK trong ngắn hạn”, công ty này nhận xét.

Hiện, lượng vốn ngoại đổ vào Việt Nam để đầu tư vào kênh chứng khoán được xác định có thể chịu ảnh hưởng đáng kể khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thực hiện các đợt tăng lãi suất. Dù vậy không hẳn nhà đầu tư đã mất cơ hội với thị trường, bởi lộ trình tham gia các hiệp định thương mại tự do tiếp tục diễn tiến tốt sẽ tạo động lực tái cơ cấu nền kinh tế và hỗ trợ cho các nhóm ngành được hưởng lợi.

2 tuần đầu năm của TTCK Việt Nam, những mã bị bán mạnh nhất và giảm điểm có VCB, MBB, ACB, CTG, BID thuộc nhóm ngân hàng cùng các mã vốn hóa lớn VNM, FPT, BVH. Đồng thời cổ phiếu có tính đầu cao như FLC, DLG, OCG cũng chịu cảnh đi xuống. Giao dịch thỏa thuận diễn ra khá trầm lắng chỉ xuất hiện ở MSN, VNM, SHB.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Lam (Tiền Phong)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN