Chứng khoán: Lỗ khủng khiếp!

Những ngày “mật ngọt” của thị trường chứng khoán (TTCK) với kết quả kinh doanh có vẻ đã thoái trào. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) bắt đầu gây sốc với thị trường bằng con số lỗ khủng khiếp.

Những con số gây sốc

Thị trường ngày 24.7 chứng kiến tình trạng bán tháo ồ ạt của CP PVX với hàng triệu đơn vị. Thực trạng đó không có gì lạ khi PVX công bố kết quả kinh doanh quý II có thể nói là sốc nhất trong số những DN niêm yết đã công bố thời gian gần đây.

Cụ thể, chỉ riêng quý II/2012, PVX lỗ tới 298,3 tỉ đồng và nhờ mức lãi nhẹ trong quý đầu năm, lũy kế 6 tháng lỗ tổng cộng 293 tỉ đồng. Cơ cấu tài chính của PVX phần nào thể hiện khó khăn của các DN BĐS nói chung. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm chỉ bằng 33% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó chi phí tài chính tăng vọt 5,2 lần so với cùng kỳ với gần 194,7 tỉ đồng. Chi phí lãi vay cũng tăng gần 60% với 66,2 tỉ đồng. Đặc biệt chi phí quản lý lên tới 125,1 tỉ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, dòng tiền về trong quý II từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của PVX lũy kế 6 tháng là âm 544,5 tỉ đồng, chứng tỏ hoạt động chính đang gặp khó khăn nghiêm trọng. PVX có dòng tiền kéo lại chủ yếu là từ hoạt động tăng vốn vừa qua với 1.375 tỉ đồng. Tổng thể dòng tiền của PVX vẫn dương, nhưng thực chất đang “sống nhờ” nguồn vốn vay và vốn góp cổ đông.

Một CP nữa cũng bị “đánh gục” bằng tin kết quả kinh doanh thảm hại trong quý II là THV. Cách đây chỉ hai hôm, THV vẫn có một đợt tăng giá đáng kể kéo dài 9 phiên, từ mức 1.700 đồng/CP lên 2.300 đồng/CP, tương đương trên 35%. Tuy nhiên, cuối tuần trước THV đã công bố con số lợi nhuận gộp chỉ có 170 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 49,3 tỉ đồng. Tính chung 6 tháng THV đạt mức lãi 337 triệu đồng.

THV vẫn có lãi, nhưng thị trường đánh giá cao hơn rủi ro liên quan đến nợ của DN này. Chi phí lãi vay quý II là 15,9 tỉ đồng và lũy kế 6 tháng là 33,6 tỉ đồng. Nợ phải trả của THV đến cuối quý II là trên 1.000 tỉ đồng, chiếm gần 78% tổng tài sản.

Chứng khoán: Lỗ khủng khiếp! - 1

Các doanh nghiệp liên tục gây sốc bằng hàng loạt báo cáo tài chính báo lỗ

Tính đến cuối tuần trước, đã có khoảng 30 Cty niêm yết công bố lỗ trong quý II/2012. Con số này chắc chắn chưa dừng lại vì phần tối nhất vẫn chưa lộ diện. Ở thái cực khác, SAM – Cty vừa báo lãi 99 tỉ đồng - cũng bị bán tháo mạnh. Hoạt động kinh doanh của SAM có thể coi là tốt khi giảm được giá vốn, giúp tăng tỉ suất lãi gộp so với cùng kỳ. Hoàn nhập trên 40 tỉ đồng từ các khoản đầu tư ngắn hạn cũng giúp SAM giảm chi phí tài chính. Tuy nhiên, SAM trước đó đã tăng trên 10 phiên với gần 20% và khi tin được công bố cũng là lúc CP bắt đầu giảm giá.

FPT ngày 24.7 cũng công bố lãi gộp quý II là 24,2 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lên tới 781,4 tỉ đồng nhờ doanh thu hoạt động tài chính tới 843,3 tỉ đồng. Đây là động lực chính giúp FPT tăng giá trong phiên này. Cả thời gian đầu tháng 6, giá CP FPT hầu như chỉ đứng yên.

Sẽ còn sốc nữa?

Càng đến hạn cuối công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II, các con số lời - lỗ càng dễ gây sốc. Thị trường bắt đầu dao động rất mạnh do ảnh hưởng vượt ngoài dự đoán của các con số này. Tuy nhiên, cũng như mọi năm, chắc chắn sẽ còn rất nhiều bất ngờ khi những con số lợi nhuận khác được công bố.

Đầu tiên là các DN sẽ phải công bố cả báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất. Rất nhiều Cty niêm yết vừa qua mới chỉ công bố kết quả kinh doanh quý II của Cty mẹ. Ẩn số nằm ở các Cty, các Cty liên kết. Hoạt động của các Cty con có thể làm thay đổi đáng kể con số lợi nhuận hợp nhất của Cty mẹ. PVX chẳng hạn, có tới 13 Cty con và 12 Cty liên kết, đồng thời góp vốn vào hàng loạt Cty khác.

Quá khứ đã cho thấy báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất thường có khác biệt đáng kể đối với những Cty lớn, đa ngành nghề, sở hữu chéo nhiều. Có những Cty đột nhiên lãi thành lỗ hoặc ngược lại, do đó thị trường vẫn đang đánh giá rủi ro này rất cao.

Khả năng thứ hai là các Cty sẽ phải công bố báo cáo soát xét bán niên. Đây cũng là một ẩn số lớn vì cũng rất nhiều trường hợp Cty báo lãi, sau khi soát xét kiểm toán lại thành lỗ. Chênh lệch hậu soát xét kiểm toán năm nào cũng có, thậm chí ước tính chung toàn thị trường có thể lên tới cả ngàn tỉ đồng. Ngay như hồi tháng 5 vừa qua, báo cáo tài chính kiểm toán cũng ghi nhận hàng chục DN chênh lệch lợi nhuận cả trăm tỉ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nguyên (Lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN