Chứng khoán lao dốc, “tay to” nội ngoại đều lao đao
Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán từ tháng 4 đã “đánh bay” thành quả của nhiều quỹ đầu tư lớn ở Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
Chỉ số VN-Index đạt đỉnh vào ngày 9/4 năm 2018 tại mốc 1204 điểm, tăng hơn 20% so với đầu năm ở mức 1000 điểm và trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới trong quý I.
Nhưng ngay sau đó, thị trường đã lao dốc mạnh liên tục, và hiện tại chỉ còn quanh mức 900 điểm, tức đã giảm hơn 25% và mất hoàn toàn thành quả đạt được từ đầu năm. Và VN-Index cũng trở thành chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất Thế giới trong quý II năm 2018.
Các quỹ đầu tư lớn trên thị trường chứng khoán, còn được gọi là “tay to” hay “cá mập” đã không thể né tránh được diễn biến tiêu cực này. Sự trồi sụt cực mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đã khiến tài sản của các quỹ đầu tư “nhảy múa” theo chỉ số.
Diễn biến giá trị NAV và NAV/CCQ của quỹ Passion Investment
Giá trị tài sản ròng (NAV) và tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) của nhiều quỹ đầu tư đã thăng hoa cùng thời điểm thị trường đạt đỉnh, và sau đó sụt giảm mạnh. Đến thời điểm hiện tại, lợi nhuận của nhiều quỹ đầu tư trong 6 tháng đầu năm không chỉ bị đánh mất hoàn toàn mà còn tăng trưởng âm so với thời điểm đầu năm 2018. Đặc điểm chung của các quỹ đầu tư này là đều tập trung nhiều vốn đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên thị trường, chủ yếu là các mã dòng chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng trong rổ VN30.
Chính những cổ phiếu này là động lực chính đẩy chỉ số VN-Index đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2018, và cũng không bất ngờ khi thị trường lao dốc, các mã này là nhân tố giảm mạnh nhất. Đơn cử như VNM giảm xuống 166.000 đồng từ mức đỉnh 212.000 vnd, MSN chỉ còn 74.000 đồng so với mức đỉnh 114.000 đồng, GAS còn 75.000 đồng so với 132.000 đồng khi ở đỉnh, hay các mã ngân hàng VCB, CTG, BID đều giảm từ 40-50% so với mức đỉnh…
Với tỷ trọng vốn cao trong danh mục, các quỹ đầu tư đã phải chịu tổn thất không hề nhỏ từ những cổ phiếu này.
Đối với quỹ đầu tư nội
Một trong những quỹ đầu tư có kết quả kém khả quan nhất là Hesita. So với đầu năm 2018, NAV của công ty này đã giảm 25,54% giá trị, hiện tại chỉ còn 28.668 đồng. Còn so với mức NAV đạt đỉnh vào ngày 9/4 tại 54.047 đồng, quỹ này đã mất tới 47% lợi nhuận. Có thể thấy kết quả đầu tư của quỹ này có diễn biến rất sát với thời điểm và mức tăng giảm của chỉ số VN-Index. Đáng chú ý, Hesita đã đầu tư một phần lớn vốn của mình vào cổ phiếu VPB trong quý I, tuy nhiên giá của VPB đã liên tục sụt giảm khiến quỹ này chịu nhiều tổn thất.
Một quỹ đầu tư khác có liên quan tới Hesita là Passion Investment (PIF) cũng có kết quả không mấy khả quan hơn. NAV của quỹ này cũng đã giảm 15,15% so với đầu năm 2018. PIF cũng đạt mức đỉnh NAV vào 9/4 với giá trị 41.939 đồng và sau đó sụt giảm còn 24.941 đồng vào ngày 13/7.
Gía trị NAV của hai quỹ đầu tư quản lý bởi Công ty quản lý quỹ Thiên Việt là TVGF1 và TVGF2 cũng đã giảm lần lượt 11,1% và 8,3% xuống còn 8.842 đồng và 12.555 đồng.
Còn NAV của quỹ Techcom Capital TCEF tính đến 13/7 cũng đã giảm 10,34% còn 13.341 đồng/CCQ. NAV của quỹ VCBF-BCF cũng giảm gần 7%.
NAV của một số quỹ và công ty đầu tư lớn
Một số quỹ ngoại lớn cũng chịu chung cảnh thua lỗ so với đầu năm
Một tên tuổi đình đám trên thị trường chứng khoán Việt Nam là VanEck Vectors Vietnam ETF đã mất hơn 12% giá trị NAV so với đầu năm 2018 tính đến thời điểm hiện tại.
Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), được quản lý bởi Dragon Capital kết thúc ăm 2017 với giá trị NAV đạt 7,06 USD, nhưng tới hiện tại thì chỉ còn 6,11 USD, tương ứng mức giảm 13,45%. Quy mô tài sản ròng của VEIL đạt 1.341,62 triệu USD, giảm 10 % so với mức 1.553,27 triệu USD.
NAV của quỹ PYN Elite Fund (Phần Lan) cũng đã giảm gần 12,3% giá trị so với thời điểm đầu năm 2018.
Diễn biến giá trị NAV và NAV/CCQ của VNM ETF trong 1 năm trở lại đây
Hiện tại, tại thời điểm giữa tháng 7, chỉ số VN-Index đang dao động quanh mức 900 điểm, mức thấp nhất từ đầu năm 2018 được ghi nhận vào ngày 11/7 tại mức 893,16 điểm. Nhiều cổ phiếu đã trở về vùng giá thấp và hấp dẫn. Cùng với đó, thời điểm mùa báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm đang tới sẽ giúp các cổ phiếu có cơ hội ổn định và tăng trở lại, các quỹ từ đó cũng hi vọng một kết quả đầu tư khả quan hơn trong quý III và 6 tháng cuối năm 2018.