Chứng khoán đưa hơn 2 triệu tỷ vào nền kinh tế
Thị trường chứng khoán (TTCK) mới 20 tuổi nhưng đã trải qua đủ biến cố thăng trầm. Tính đến nay, thông qua thị trường, Chính phủ và các doanh nghiệp đã huy động được trên 2 triệu tỷ đồng để đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Thị trường chứng khoán 20 năm đã trải qua những thăng trầm. Ảnh: Như Ý.
Ngày 28/11/1996, Chính phủ ký ban hành Nghị định 75/CP thành lập UBCK. Theo chủ tịch UBCK Vũ Bằng, lúc đó đi ngược với xu thế quốc tế, Việt Nam thành lập cơ quan quản lý trước, sau đó mới xây dựng thị trường. Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết: trong suốt những năm qua việc duy trì thị trường đã có những thời điểm cực kỳ vất vả, có thời điểm đa phần doanh nghiệp không muốn niêm yết vì họ ngại công bố thông tin. Từ mốc sơ khai chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết với vốn hóa thị trường chỉ đạt 968 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP vào năm 2000, đến nay, đã có 691 công ty niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán; 373 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu là 1,79 triệu tỷ đồng, đạt gần 43% GDP và dự nợ thị trường trái phiếu đã đạt 24% GDP. Tính chung, giá trị thị trường chứng khoán đạt 65% GDP.
Nói về thời điểm đó, ông Vũ Bằng cho rằng khó khăn có nhiều khía cạnh nhưng khó khăn lớn nhất là khi thị trường rơi vào giai đoạn khủng hoảng toàn cầu 2007-2008. Tuy nhiên ông Vũ Bằng cũng nhận định: “Khi đã đối mặt và vượt qua những thời điểm gian nguy nhất của cuộc khủng hoảng 2007-2008 thì những biến cố của thị trường sau đó không có gì ghê gớm”.
Ngày 28/7/2000, phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên với hai mã cổ phiếu lên sàn “mở hàng” là cổ phiếu REE (Cty cổ phần Cơ điện lạnh) và cổ phiếu SACOM (công ty Đầu tư và phát triển Sacom). Chủ tịch HĐQT REE Nguyễn Thị Mai Thanh cho rằng nhìn lại 20 năm, thấy TTCK đã thành công; còn doanh nghiệp được rất nhiều. Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Đến giờ các doanh nghiệp cứ hỏi lên sàn niêm yết được gì, tôi bảo cứ lên đi rồi khắc biết. Cổ phần hoá lên sàn có lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp”.
Trao đổi về chuyện thị trường, hai người “đi gọi vốn” là ông Dominic, Chủ tịch HĐQT Cty Dragon Capital và ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Cty chứng khoán Sài Gòn (SSI) đều vui. Ông Hưng nói: “Trải qua thời kỳ gian khó, từ lúc còn loay hoay lo gọi vốn vài trăm triệu USD, đến nay thị trường đã có thể huy động lên tới hàng tỷ USD - con số ít ai ngờ. Còn ông Dominic thì khẳng định: “TTCK Việt Nam đã đi qua một chặng đường thành công; Trên thế giới đất nước nào chưa có TTCK chưa được coi là chuẩn mực.”
Tính đến năm 2016, các doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 380 nghìn tỷ đồng, rất nhiều doanh nghiệp niêm yết thông qua thị trường chứng khoán đã tăng trưởng vượt bậc về quy mô vốn, có những doanh nghiệp đã tăng vốn 18-20 lần, những doanh nghiệp lớn nhất đã tăng vốn bình quân 60%/năm kể từ khi niêm yết đã giúp hình thành nên các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.