Chứng khoán đạt đỉnh 1.200 điểm, dòng tiền khối ngoại đảo chiều

Sau khi đem lại lợi nhuận ấn tượng 52% trong năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) tiếp tục phi mã tăng một mạch từ đầu năm tới nay với dấu ấn VN- Index liên tục chinh phục các đỉnh cao vượt ngưỡng 1.000 - 1.200 điểm. “Chứng khoán tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây đến mức mở mắt ra mua là thắng như những năm 2007. Thị trường cứ như lên đồng...” - lời một nhà đầu tư sành sỏi.

Lên đồng…

Theo Bloomberg, năm 2018 mới trôi qua được hơn ba tháng nhưng chỉ số chứng khoán Việt Nam VN-Index đã tăng tới 22%. Kể từ tháng 1, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào hơn 440 triệu USD giá trị cổ phiếu trong nước. Năm ngoái con số này đạt mức kỷ lục 1 tỷ USD.

Thống kê thị trường tháng 3, Công ty Chứng khoán SSI vừa chỉ ra: VN-Index nỗ lực thử thách các ngưỡng cản mạnh là đỉnh cũ 1.130 và 1.170 điểm và hướng tới mốc 1.200 điểm. Thanh khoản hai sàn đạt mức bình quân một phiên gần 8.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, sức ép từ bên bán là rất lớn mỗi khi điểm số nhích tăng.

TTCK Việt Nam đã “soán ngôi” tăng trưởng mạnh nhất châu Á hai năm liên tiếp, đồng thời lọt Top 3 TTCK tăng mạnh nhất thế giới. Còn trong 3 kênh đầu tư (gồm chứng khoán - bất động sản - tiết kiệm) thì đây là kênh sinh lời lớn nhất với lợi nhuận lên tới 52%; trong khi bất động sản 10-15% và gửi tiết kiệm “hẻo” nhất 7-8%/năm.

“Cuối năm 2016, tôi chỉ bỏ vài chục triệu vào một tài khoản nhỏ đánh chơi và giấu bà xã để lập quỹ ăn nhậu, thế mà vừa rồi tài khoản cũng lên tới hơn 300 triệu đồng”. Anh Ngọc Anh, một nhà đầu tư sàn phía Nam kể. Chị Thu Trà, một nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mở tài khoản tại một công ty lớn của Hà Nội thì chia sẻ đã lâu lắm không quay lại chứng khoán nhưng do cậu em họ làm môi giới thuyết phục quá nên sau Tết vừa rồi chị đã bỏ đôi trăm triệu vào tài khoản đánh chơi. “Việc mua bán vào ra con nào đã có cậu em lo nhắn, tôi chỉ đặt lệnh. Thế mà giờ cũng lãi được vài chục triệu rồi”, chị Trà cho biết.

Chứng khoán đạt đỉnh 1.200 điểm, dòng tiền khối ngoại đảo chiều - 1

Chứng khoán vẫn đang trong những ngày nhuốm sắc xanh. Ảnh: Sỹ Lực.

Trò chuyện về “cơn say” chứng khoán Việt, một đại gia chứng khoán nói: “Thị trường cứ như lên đồng. Ngay cả lúc chứng khoán Mỹ và thế giới giảm thì TTCK Việt Nam cứ một mình một chợ tăng. Cứ thế này mà sụp thì thảm lắm”. Vị này nói. Theo ông, TTCK Việt Nam tốt là điều không phủ nhận, đặc biệt tăng nhờ ăn đủ “tiền tươi” từ các quỹ ngoại chảy vào và tiền thật của nhà đầu tư nội “bung” ra.

Theo Bloomberg có nhiều lý do khiến nhà đầu tư ngoại yêu thích Việt Nam. Đơn cử: Quý I, nền kinh tế đã tăng trưởng tới 7,4%, cao nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Các nhà đầu tư nước ngoài rất hứng thú với việc sở hữu cổ phần lớn ở các công ty bia rượu, dầu khí và tài chính lớn của Việt Nam. Tính toán cho thấy: Chính phủ đã thu về khoảng 4,8 tỷ USD thông qua thương vụ thoái vốn khỏi Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SBC). Và 2018, Chính phủ lại có kế hoạch thoái vốn với quy mô lớn gấp 6,5 lần năm 2017. 

Vốn ngoại: đảo chiều?

Tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), chỉ trong quý I/2018, VSD đã cấp mã số giao dịch cho 1.878 nhà đầu tư nước ngoài trong đó có 1.741 cá nhân và 137 tổ chức. Tính đến hết ngày 31/3, tổng số tài khoản giao dịch trong nước là 1.987.552 tài khoản với 1.987.883 cá nhân và 8.669 tổ chức. Riêng số lượng tài khoản giao dịch nước ngoài là 24.412 tài khoản với 21.430 cá nhân và 2.982 tổ chức.

Chứng khoán Việt tăng, chủ doanh nghiệp của các mã niêm yết được gì? Một nhà đầu tư sành sỏi bật mí với PV Tiền Phong: Trên thực tế, chủ các mã cổ phiếu niêm yết không thể bán phần họ đang nắm giữ (dù cổ phiếu tăng đến đâu) để “găm” tiền mặt hoặc đem đi tiêu được. Nhưng cái được phía sau đó là họ gia tăng giá trị cổ phiếu cầm cố (vay ngân hàng) và đưa về cho họ các khoản vay đáng kể nếu muốn tiếp tục phát triển kinh doanh sản xuất. “Đây mới là điều các doanh nghiệp nhắm đến bởi đó là cơ hội để họ tăng dòng tiền đầu tư và tranh thủ tích lũy nếu cần”.

Vốn ngoại ồ ạt đổ vào Việt Nam kích thích TTCK tăng trưởng mạnh- nên lạc quan hay cảnh báo rủi ro? Theo Công ty Chứng khoán HSC, thị trường năm 2018 vẫn được đánh giá khả quan, nhưng cần thận trọng bởi những biến động xấu có thể ập đến bất kỳ lúc nào trong ngắn hạn. HSC nhận định: Mặt bằng định giá trên thị trường hiện khá đắt trong khi tiền từ các quỹ đầu tư theo xu hướng (thường rút ra khá nhanh nếu thị trường xu hướng đảo chiều) đang chiếm một tỷ trọng cao trong dòng vốn ngoại chảy vào thị trường Việt Nam trong 12 tháng qua.

Bình luận về TTCK những ngày qua, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc khối phân tích SSI cho biết, hiện thị trường giao dịch cầm chừng và tỏ ra rất thận trọng trước các diễn biến trên thị trường thế giới trong bối cảnh giá cổ phiếu trong nước đã được “đẩy” lên vùng giá nhạy cảm. “Dòng tiền đầu tư của khối ngoại bắt đầu đảo chiều. Tháng 3 là tháng bán ròng đầu tiên của khối ngoại với giá trị -782 tỷ đồng sau 4 tháng mua ròng liên tiếp. Hiện 3 quỹ ETFs lớn nhất tập trung vào thị trường Việt Nam đã liên tục thu hồi chứng chỉ quỹ với tổng giá trị ròng là -938 tỷ đồng trong tháng 3, sau khi đầu tư gần 5.000 tỷ đồng vào Việt Nam trong 4 tháng trước đó”, ông Linh cho biết.

Trong cuộc chinh phục đỉnh lịch sử của VN-Index, các cổ phiếu lớn đóng vai trò chủ chốt. Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng trở lại thời hoàng kim tăng từ vài chục tới cả hơn 100%, còn có những cổ phiếu đình đám khác như VIC, MSN, FPT, VJC… cũng trong nhóm trụ cột gia nhập mã vốn hóa lớn nhất thị trường. Hiện tượng đặc biệt thời gian qua chính là mã BVH của Tập đoàn Bảo Việt. Theo đó, mã này đã tăng gấp đôi trong vòng nửa năm qua và chính thức chinh phục thị giá 100.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 3/4, đưa Tập đoàn này lên ngưỡng đạt giá trị vốn hóa trên 3 tỷ USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền phong)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN