Chứng khoán đang "vượt mặt vàng, BĐS

Hơn bốn tháng của năm 2012 đã trôi qua, trong các kênh đầu tư quen thuộc như vàng, ngoại hối, bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm, không khó để nhận ra kênh chứng khoán đang mang lại lợi nhuận tốt nhất.

Chứng khoán - kênh đầu tư đang ăn nên làm ra

Hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đã tăng lần lượt là 35,49% và 38,36% kể từ đầu năm và là thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới từ đầu năm. Trong khi đó, các kênh khác đều sụt giảm về lợi nhuận (gửi tiết kiệm, ngoại hối), thậm chí giảm giá (bất động sản, vàng).

Danh sách tốp 100 mã chứng khoán tăng giá mạnh nhất từ tháng 1-2012 đến nay có mức tăng từ 100-600% so với hồi đầu năm. Những mã thuộc tốp đầu (tốp 20) đều có mức lợi nhuận từ 2,5 lần (150%) trở lên.

Điều bất ngờ là trong danh sách trên có rất ít mã chứng khoán đại diện cho các doanh nghiệp có danh tiếng, có thương hiệu mạnh hay có kết quả kinh doanh tốt. Hầu hết các mã trong tốp 100 là những doanh nghiệp hầu như không có tiếng tăm, thậm chí có nhiều nhà đầu tư chỉ nhớ được tên mã, chứ không biết nó là của doanh nghiệp nào, kinh doanh ngành nghề gì. Đặc biệt, rất nhiều mã cổ phiếu trong tốp đầu là của các doanh nghiệp có tình hình kinh doanh không có gì ấn tượng, thậm chí thua lỗ nặng nề. Đây cũng không phải là hiện tượng hiếm gặp trong suốt 12 năm tuổi của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vậy tại sao lại có hiện tượng trên?

Yếu tố nào làm chứng khoán tăng giá?

Việc cổ phiếu tốt (đại diện cho một doanh nghiệp tốt) là điều kiện cần cho một cổ phiếu tăng giá nhưng nếu không có điều kiện này, cổ phiếu vẫn có thể tăng giá, bất chấp tốt hay không. Rõ ràng yếu tố tăng/giảm của chứng khoán mới quyết định lợi nhuận chứ không phải là yếu tố tốt hay xấu.

Như vậy để biết giá một chứng khoán tăng hay giảm thì cách tốt nhất là nhìn vào… chính nó. Yếu tố giá tăng hay giảm chính là nhờ những hành động mua/bán của các nhà đầu tư, hay trực quan hơn là giá tăng nhờ dòng tiền chạy vào và giá giảm khi dòng tiền chảy ra. Về nguyên tắc, yếu tố tốt, xấu sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền ra vào, tuy nhiên đôi khi nhiều chứng khoán tăng giá mà không cần lý do, chỉ đơn giản là vì dòng tiền vào những mã đó mạnh hay đơn thuần là chứng khoán đó bị… làm giá.

Chứng khoán đang "vượt mặt vàng, BĐS - 1

Đôi khi nhiều chứng khoán tăng giá mà không cần lý do, chỉ đơn giản là vì dòng tiền vào những mã đó mạnh hay đơn thuần là chứng khoán đó bị ... làm giá. Ảnh: Tuệ Doanh.

Trong năm năm qua (từ năm 2007 khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu) giá vàng tăng, bất động sản nóng trong giai đoạn 2007-2009, sau đó lại đóng băng cho đến nay, thị trường ngoại hối bất ổn, tiền đồng liên tục giảm giá khi tỷ giá đô la Mỹ tăng liên tục từ 15.000-17.000 đồng đến gần 22.000 đồng vào cuối năm 2011. Lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng vọt, thậm chí nếu có “thỏa thuận” không chính thức còn cao hơn cả mức trần. Do có nhiều kênh đầu tư khác mang lại lợi nhuận nên hầu như dòng tiền “chạy trốn” khỏi chứng khoán, đẩy thị trường này rớt suốt năm năm qua.

Từ cuối năm 2011 đến đầu năm nay, tỷ giá lại ổn định, thậm chí tiền đồng còn tăng giá, trong khi các kênh đầu tư khác như bất động sản vẫn đóng băng, lãi suất ngân hàng sụt giảm và vàng lao dốc. Lúc này dòng tiền lại chảy vào chứng khoán và thị trường này mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho nhà đầu tư.

Giải mã những chứng khoán tăng mạnh

Nhìn chung, hầu hết những mã chứng khoán trong tốp 100 là những mã dưới mệnh giá, thanh khoản tương đối tốt, có quá khứ tăng giá mạnh (BMC) sau đó “rơi tự do” hoặc những mã có “dòng họ” (như KSA chung họ khoáng sản với BMC).

Việc giá chứng khoán quá thấp khiến dòng tiền dễ vào hơn, rủi ro giảm giá ít hơn, nhà đầu tư cá nhân ít tiền cũng có thể tham gia thậm chí không cần đòn bẩy tài chính cũng mua nhiều được. Mức độ sinh lời trong ngắn hạn nhanh hơn. Chi phí bỏ ra thấp cộng với thanh khoản tốt rõ ràng hấp dẫn nhà đầu tư hơn.

Ngoài ra, do thị trường rớt quá sâu và quá lâu (VN-Index đạt đỉnh vào ngày 12-3-2007), nên khi thị trường bật lại đã thu hút được dòng tiền “nóng”, ngắn hạn với mục tiêu “đánh nhanh, thắng nhanh, rút lẹ”. Và khi mục tiêu chỉ là ngắn hạn thì việc mua những mã tăng giá nhanh hay “hàng nóng” để kiếm tiền ngay lập tức quan trọng hơn việc ngồi phân tích những yếu tố cơ bản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Dũng Khánh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN