Chứng khoán bán tháo để ăn Tết hay... 'hoảng loạn'?

Sự điều chỉnh của thị trường Mỹ tối qua và thị trường châu Á sáng nay tiếp tục tác động mạnh đến nhà đầu tư Việt Nam. Chỉ số VN-Index vẫn giảm hơn 5% và nằm dưới mốc tâm lý 1.000 điểm. HNX-Index giảm 6,26% và đang ở mức 112 điểm. Tâm lý "tháo chạy" vẫn đang tràn ngập khi bảng điện tử ngập tràn sắc đỏ, bên bán chất đống trong khi dư mua trống trơn trong phiên sáng 6/2.

Giờ mở cửa ngày 6/2, VN-Index rơi tự do. Chỉ số VN-Index hiện giảm gần 45 điểm, về sát mốc 1.000 điểm khi sàn này có 78 mã nằm sàn. HNX-Index cũng không khác khi mất 6,86 điểm, tương ứng hơn 5,5% và lùi về 112 điểm.

Đến 9h40, chỉ số VN-Index đã chính thức mất mốc 1.000 điểm để lùi về dưới 985 điểm. Tính đến thời điểm này, VN-Index đang giảm (6,1%) mạnh nhất trong lịch sử giao dịch chứng khoán Việt. Toàn sàn lúc này có 124 mã giảm sàn, 258 mã giảm và chỉ 40 cổ phiếu tăng điểm.

Vào lúc 10h, sự điều chỉnh diễn ra ở tất cả các nhóm ngành trên thị trường. Khai khoáng, bất động sản, chứng khoán, ngân hàng đang là những ngành giảm mạnh nhất.  Bên bán tiếp tục áp đảo khi có 41 mã tăng điểm và 416 mã giảm điểm. Trong đó, có đến 187 mã nằm sàn.  Chỉ số VN-Index giảm hơn 63 điểm và phá vỡ mốc tâm lý 1,000 điểm. HNX-Index cũng giảm mạnh không kém khi mất 7,76 điểm, tương ứng 6,5% và lùi về mức 111,21 điểm.

Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên đầu tuần. Dow Jones có lúc sụt gần 1.600 điểm trong phiên giao dịch (sau đó đã xóa bớt đà lao dốc), đồng thời đánh dấu phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử. "Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của giới đầu tư ở thị trường Việt Nam"- toàn bộ bản tin cập nhật thị trường của các công ty chứng khoán khẳng định.

Chứng khoán bán tháo để ăn Tết hay... 'hoảng loạn'? - 1

Hình minh họa

Những nhóm cổ phiếu nào giảm mạnh

Nhóm khai khoáng là nhóm giảm mạnh nhất thị trường. Nổi bật nhất là PVD, PVS, PVC… Với sự đi xuống của giá dầu và các tín hiệu bán với các đường MA quan trọng thì xu hướng tăng trưởng của ngành này có nguy cơ bị đảo ngược.

Ngành ngân hàng cũng nằm trong nhóm các ngành giảm mạnh nhất thị trường. Giá các cổ phiếu như VCB, CTG, SHB… đều phá vỡ đường middle của Bollinger Bands trong phiên giao dịch sáng nay. Vì vậy, quá trình điều chỉnh, rung lắc dự kiến sẽ còn tiếp tục.

Nhóm chứng khoán cũng không thoát khỏi điều chỉnh mạnh. Mẫu hình Falling Window đều đồng loạt xuất hiện trên đồ thị giá của SSI, HCM, VND, SHS… Điều này chứng tỏ tâm lý của nhà đầu tư đang rất bi quan trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, có một điểm cần chú ý là khối ngoại không còn mua ròng mạnh như các đợt điều chỉnh trước đây. Thường thì khi thị trường điều chỉnh mạnh như trên thì khối ngoại sẽ không bỏ lỡ cơ hội gom hàng. Tuy nhiên, theo số liệu tạm tính thì khối này đang bán ròng khoảng 63 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng 38 tỷ đồng trên HNX.

Rõ ràng việc gom hàng mạnh chưa xảy ra. Nếu tình trạng này vẫn duy trì đến cuối phiên thì rủi ro sẽ tăng lên vì lực cầu mạnh của khối ngoại luôn là một trong những yếu tố giúp ổn định thị trường trong những thời điểm nhạy cảm.

Yếu tố tâm lý và vay mượn dẫn đến... hoảng loạn

Theo nhận định của đại diện các công ty chứng khoán SSI, BIDVS, MBS,  trong dài hạn thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt. Còn hiện nay, giai đoạn cận kề Tết được xem là thời điểm khó khăn của thị trường do hai yếu tố chính tác động.

Phó Tổng giám đốc một công ty chứng khoán phân tích: Hiện tỷ lệ cho vay margin ở tất cả các công ty chứng khoán đang ở mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, với quy mô thị trường đang tăng cao như hiện nay thì nguồn vốn cho vay vẫn không theo kịp và vô hình trung trở thành bước cản đà tăng của thị trường.

Chứng khoán bán tháo để ăn Tết hay... 'hoảng loạn'? - 2

Một trong những lý do dẫn đến bán tháo mạnh có thể còn đến từ sức nóng mảng  vay mượn của thị trường thời gian qua 

Và khi điều chỉnh diễn ra, mặc dù tỷ lệ cho vay margin của các công ty chứng khoán hiện đâu đó khoảng 30% nhưng sức nóng margin sẽ có ảnh hưởng lên thị trường chung. Khi đó, kể cả các cổ phiếu dù không có trong danh mục không cho vay margin vẫn buộc phải bán ra. Điều này cũng đã phản ánh qua nhịp điều chỉnh đang diễn ra, ông Điệp cho biết.

Cùng đó là  tâm lý nhà đầu tư cận Tết muốn nghỉ ngơi sau một năm đạt được thành quả nên chốt danh mục.

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư lại thực hiện bán ra để chờ mua lại trong những ngày cận Tết với kỳ vọng giá rẻ hơn. Vì vậy họ có hành động sớm hơn. Nếu như mọi năm sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán diễn ra rất cận Tết (khoảng 3-5 ngày) thì năm nay lại trước hai tuần.

“Chúng ta đang bước vào giai đoạn điều chỉnh theo thông lệ trước Tết và sẽ kéo dài vài ngày chứ không thể kéo dài lâu hơn. Thị trường gần Tết năm nay có khả năng sẽ có nhiều khác biệt”, vị này nói và dự báo: nếu như nhịp điều chỉnh này đúng như kỳ vọng, thị trường sẽ ổn định trở lại trong những phiên giáp Tết. Và sau Tết, thị trường sẽ thăng hoa mạnh mẽ, VN-Index sẽ sớm vượt mức đỉnh cao lịch sử năm 2007.

Trước diễn biến này, đại diện công ty chứng khoán đã lưu ý; Nhà đầu tư nên hết sức bình tĩnh, tránh bán ra bằng mọi giá . Tuy nhiên, hiện làn sóng bán tháo tiếp tục lan rộng từ thị trường chứng khoán Mỹ sang thị trường châu Á,. Thị trường chứng khoán châu Á lao dốc vào đầu phiên ngày thứ Ba (06/02), nối tiếp làn sóng bán tháo trên Phố Wall, trong đó Dow Jones sụt hơn 1.100 điểm và S&P 500 ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất trong 6 năm. Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1.083,1 điểm (tương ứng 4,78%) khi tất cả các lĩnh vực đều lao dốc. Cổ phiếu của các công ty sản xuất xe hơi, tài chính và công nghệ đều suy giảm trong phiên giao dịch buổi sáng, trong đó cổ phiếu Toyota sụt 3,55%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền phong)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN