Chứng khoán 2017: Không còn “ăn may”

Các chuyên gia cho rằng năm 2017, thị trường chứng khoán chỉ dành cho những nhà đầu tư trí tuệ.

Tại hội thảo “Thị trường chứng khoán, cơ hội không dành cho tất cả” do Công ty Chứng khoán Maybay KimEng vừa tổ chức, các chuyên gia cho rằng năm 2017, tình hình kinh tế trong nước sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do tác động của đồng USD hay quyết sách của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump bởi Việt Nam còn nhiều cơ hội khác cho xuất nhập khẩu và thu hút vốn đầu tư. Dù vậy, để thị trường chứng khoán mạnh lên, Chính phủ cần có nhiều quyết sách hơn nữa để thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Không lo thiếu vốn

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch nhận xét năm 2016, kinh tế Việt Nam cũng như thế giới trải qua nhiều biến động nhưng thị trường chứng khoán trong nước vẫn ổn định và Chính phủ luôn bám sát thị trường, không để xảy ra rủi ro.

“Một miếng đất mà trong nước mua giá khác, nước ngoài mua giá khác... thì làm sao gọi là kinh tế thị trường. Tôi đã kiến nghị nhiều lần về việc phải tạo khung pháp lý cho việc mua bán nhà đất, nhất là đất do nhà nước quản lý. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã rút kinh nghiệm từ việc thị trường bất động sản đóng băng trong những năm trước nên đã có cách ngăn chặn hiệu quả. Tôi tin với xu thế hiện nay thì thị trường bất động sản vẫn tương đối ổn định, không có bong bóng xảy ra trong năm 2017 nên các nhà đầu tư không phải lo ngại. Bất động sản là anh chị của thị trường chứng khoán, vì vậy tôi cho rằng năm sau, chứng khoán vẫn ổn định” - ông Lịch nhấn mạnh.

Chứng khoán 2017: Không còn “ăn may” - 1

Dự báo thị trường chứng khoán tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư trong năm 2017. Ảnh: TẤN THẠNH

Về thu hút vốn đầu tư, TS Trần Du Lịch nhận định tình hình cổ phần hóa như hiện nay cho thấy Chính phủ đang hành động, kiến tạo, đẩy mạnh vốn nhà nước ra cho tư nhân quản lý. Khi đó, chắc chắn nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia, rót vốn mạnh vào Việt Nam.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dragon Capital, cho rằng việc USD tăng giá là không đáng lo bởi tăng nhiều sẽ không thuận lợi cho giao thương. Điều này tổng thống Mỹ chắc chắn cũng không muốn. “Nếu quỹ Dragon Capital chịu bán ra cũng sẽ có nhiều dòng vốn lớn từ nước ngoài rót vào để mua cổ phần của các công ty lớn. Như vậy, sẽ mang về lượng vốn không hề nhỏ” - ông Tuấn nói.

Cần thoái vốn nhà nước mạnh hơn

TS Trần Du Lịch cho biết việc USD tăng giá so với VNĐ có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu nhưng thực tế, Việt Nam hiện xuất khẩu khoảng 160-170 tỉ USD, không thấm gì so với 30.000 tỉ USD nhập khẩu của cả thế giới nên không quá lo ngại. “Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đừng mong cơ hội cầu may, nằm im chờ thị trường lên bán, chờ xuống mua. Kinh doanh chứng khoán trong năm 2017 phải bằng trí tuệ” - ông Lịch nhận định.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, đánh giá năm 2017, cơ hội chỉ dành cho những nhà đầu tư nắm bắt rõ thị trường và khai thác đúng cách. Theo bà, hiện nay dù thị trường chứng khoán đã phát triển nhiều nhưng vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bởi không có nhiều doanh nghiệp đủ lớn để các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia. Bộ Tài chính đặt mục tiêu giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán đến năm 2020 chiếm 70% GDP và giao dịch đạt mức trên 100 triệu USD/ngày. Để đạt mục tiêu này, chính sách của nhà nước trong việc cổ phần hóa, thoái vốn, đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn đại chúng là rất quan trọng… Trong đó, phải đặc biệt quan tâm vấn đề minh bạch.

Nâng hạng thị trường

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết 2016 là năm đình chỉ nhiều kiểm toán viên nhất từ trước đến nay. Hiện Ủy ban Chứng khoán nhà nước có bộ phận đưa ra một số giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi nâng hạng, thị trường sẽ thu hút được nguồn vốn nước ngoài nhiều hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Đình (Người lao động)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN