Chứng khoán 1/8: Khó thoát xu hướng giảm
Theo các CTCK, thời điểm hiện tại, rất khó xuất hiện “điểm tựa” vững chắc cho xu hướng phục hồi, vì vậy thị trường khó thoát khỏi xu hướng giảm điểm.
Tiếp tục duy trì trạng thái đi ngang thêm 1 thời gian nữa
(CTCK BIDV - BSC)
Trong suốt 5 phiên giao dịch gần đây, thị trường hầu như chỉ đi ngang trong biên độ rất hẹp. Diễn biến này phản ánh tương quan cung cầu đang khá cân bằng tại vùng giá hiện tại. Như vậy, nếu không xuất hiện thông tin đột biến, trong ngắn hạn, 2 chỉ số có thể tiếp tục duy trì trạng thái đi ngang thêm 1 thời gian nữa.
Xét trên khía cạnh kỹ thuật, 2 chỉ số đang được nâng đỡ bởi đường trung bình dài hạn MA (200). Ngay dưới đường MA (200) là mức đáy cũ 405 điểm với VN-Index và 68 điểm với HNX-Index. Do đó, chúng tôi đánh giá khả năng giảm sâu của thị trường trong ngắn hạn là tương đối thấp. Nếu 2 chỉ số giảm qua đường MA (200) thì cũng nhiều khả năng bật lại khi chạm mức đáy cũ.
Mô hình ngắn hạn và trung hạn vẫn ở trạng thái trung lập
(CTCK Woori CBV)
Hai sàn đều tăng nhẹ ở đầu phiên, nhưng với thanh khoản khá yếu đã không tạo động lực để các chỉ số tiếp diễn trạng thái tăng. Giao dịch lình xình và ảm đạm khiến bên bán tỏ ra mất kiên nhẫn và chấp nhận bán giá thấp ở một số mã trọng điểm như MBB, VND, GAS… làm 2 sàn kết thúc phiên với mức suy giảm nhẹ.
Thông tin về việc giá xăng dầu, gas có thể tăng giá trong thời gian tới, cũng như thông tin hạ lãi suất nếu kiềm chế được lạm phát ở cuối năm đã tạo sự thận trọng trong giao dịch của đại đa số các nhà đầu tư. Cả bên bán lẫn bên mua đều đặt lệnh rời rạc nhau ở nhiều mã, thậm chí có mã không có giao dịch khiến thanh khoản sụt giảm mạnh. Do vậy, có khả năng thị trường vẫn tiếp diễn trạng thái này trong tháng 8, cho đến khi xuất hiện những yếu tố vĩ mô mới tác động rõ đến nền kinh tế.
Về phương diện kỹ thuật, thị trường vẫn không có diễn biến mới trong phiên giao dịch ngày 31/7, do cả 2 yếu tố là giá và khối lượng chỉ biến động nhẹ so với phiên giao dịch trước đó. Mô hình dao động giá hiện tại cả ở trong ngắn hạn và trung hạn vẫn ở trạng thái trung lập chưa thực sự rõ ràng, mốc kháng cự và hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số VN INDEX tương ứng ở 410 và 405 điểm. Việc chờ đợi sự biến động cổ phiếu tới mức cơ sở trên là sự lựa chọn cần thiết, bởi khi đó xác suất cho việc mua vào hoặc bán ra đạt tối ưu.
Khả năng thị trường có thể không trụ được ở vùng cân bằng hiện tại
(CTCK Mirae Asset)
Hai chỉ số quay đầu giảm điểm với giá trị giao dịch ở mức thấp, diễn biến này khiến chúng tôi nhận thấy thị trường có dấu hiệu yếu dần.
Sự cân bằng hiện tại đang dựa vào hành động tiết cung của bên bán trong khi bên mua thì vẫn tiếp tục đứng ngoài.
Chúng tôi tiếp tục cảnh báo, khả năng thị trường có thể không trụ được ở vùng cân bằng này. Do đó NĐT nên chủ động giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp để tránh tình huống xấu có thể xảy ra.
Tiếp tục xu thế đi ngang
(CTCK ACB - ACBS)
Mặc dù đóng cửa giảm nhẹ, VN-Index chủ yếu dao dịch quanh tham chiếu trong suốt phiên 31/7. Sự do dự của nhà đầu tư cũng cũng khiến khối lượng giao dịch duy trì ở mức thấp.
Trong các phiên tới, xu thế đi ngang của VN-Index có thể tiếp tục. Ở chiều xuống, dưới 410,08, VN-Index có thể giảm tiếp về đáy 405,07. Ở chiều tăng, vượt 417,68, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục về đỉnh 432,46.
Tương tự, vượt 493,88, VN30-Index có thể hồi phục về đỉnh nhỏ 507,98. Dưới 496,57, VN30-Index có thể giảm tiếp về đáy 479,15.
Sau khi tăng nhẹ đầu giờ, HNX-Index bị kéo xuống dưới tham chiếu và dao động gần mức này cho đến hết phiên giao dịch 31/7.
Tiêu cực hơn VN-Index, xu hướng của HNX-Index có phần dốc xuống trong mấy phiên gần đây. Khối lượng giao dịch thấp chính là điều đang lo đối với cả hai chỉ số.
Tuy nhiên, HNX-Index hiện đang hình thành mô hình Falling Wedge nhỏ khá tích cực. Nếu vượt đường biên trên, khoảng 69,62, HNX-Index có thể hồi phục về đỉnh trước ở 73,65.
Trong ngắn hạn, kể từ mức đáy hôm 4/7, HNX-Index có thể sắp kết thúc chu kỳ 30 ngày hiện tại. Như vậy, chúng ta có thể kỳ vọng HNX-Index sẽ hình thành sóng tăng của chu kỳ mới trong thời gian ngắn sắp tới.
Nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang
(CTCK KIS Việt Nam - KIS)
Cả 2 sàn đồng loạt giảm điểm nhẹ về cuối phiên trước lực cầu yếu và thiếu sự hỗ trợ của bluechip. Khả năng tăng giá xăng dầu cũng là yếu tố khiến thị trường mất điểm nhẹ.
Nhìn chung, hầu hết các mã chủ chốt đều xác lập xu hướng đi ngang, số lượng cổ phiếu tăng và giảm trên cả 2 sàn khá cân bằng. Điểm nổi bật trong phiên 31/7 đến từ nhóm cổ phiếu khoáng sản khi đồng loạt tăng điểm khá mạnh nhờ hiệu ứng KTB với kết quả lợi nhuận tăng đột biến lên 40,15 tỷ đồng trong quý II, tăng gấp 7 lần lợi nhuận cùng kỳ năm trước, qua đó đã hỗ trợ tích cực tâm lý nhà đầu tư trong phiên hôm nay.
Chúng tôi đang khá lo ngại về thanh khoản trên thị trường hiện nay khi giá trị giao dịch liên tục xác lập xu hướng giảm kể từ ngày 19/7. Nếu thanh khỏan không được cải thiện, xu hướng đi ngang của các chỉ số là khá cao.
Khả năng hồi phục của giá đã giảm đi
(CTCK Kim Eng - KEVS)
Thị trường kết thúc phiên 31/7 với biến động trong ngày rất hẹp, biên độ hầu như thấp nhất kể từ đầu năm 2012. Với mức biến động thấp, đồ thị của cả hai chỉ số không đưa ra các ý nghĩa mới. Trong vài phiên trước, các nhà đầu tư rộ tin rằng lãi suất có thể tiếp tục hạ xuống, nhưng ít nhất tới thời điểm này chưa có thông tin nào như vậy. Thay vào đó, chúng tôi nhận được thông tin cho rằng giá xăng dầu có thể sẽ sớm tăng thêm. Có thể chúng ta sẽ được theo dõi cách phản ứng của thị trường với giá xăng dầu tăng, trước đợt cắt giảm lãi suất (nếu có).
Khối lượng giao dịch cũng ở mức rất thấp, tạo tâm lý hầu như buồn tẻ cho các nhà đầu tư. Có ý kiến rằng, tại mức giao dịch thấp thị trường thường tạo đáy. Chúng tôi nêu lên luận điểm rằng chúng ta rất khó có thể xác định được đâu là đáy của khối lượng. Một mức khối lượng thấp có thể được tiếp nối bởi một mức khối lượng còn thấp hơn. Tựu chung lại thì cố gắng tìm đáy của khối lượng cũng khó khăn tương tự như đáy của giá.
Sau động lực kém của người mua, chúng tôi cho rằng, khả năng hồi phục của giá đã giảm đi và thị trường đang trong một giai đoạn tích lũy mới. Mặc dù điều này có thể làm thất vọng các nhà đầu tư trong vài phiên trước đây vẫn kỳ vọng vào đợt tăng giá, giai đoạn tích lũy này vẫn còn tốt hơn nhiều so với xu hướng giảm mạnh kể từ đầu tháng 5.
Nên tiếp tục duy trì tỷ lệ danh mục đầu tư thấp
(CTCK FPT - FPTS)
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 đã khép lại với đà giảm trở lại trên cả hai sàn HOSE và HNX.
Giao dịch vẫn khá tiêu cực bởi tâm lý thận trọng, do dự đang chi phối hoạt động mua - bán trên thị trường. Thanh khoản rơi vào bế tắc cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào xu thế hồi phục đang giảm dần theo diễn biến lình xình đi ngang của các chỉ số. Nếu không tính đến lực đỡ từ một vài cổ phiếu trụ cột và nhóm cổ phiếu khoáng sản thì khả năng cao thị trường sẽ giảm mạnh trong phiên giao dịch này.
Nhìn chung, trong bối cảnh thông tin hỗ trợ vẫn chưa xuất hiện, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, chúng tôi cho rằng, đà tăng của thị trường sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực bán khá mạnh xuất phát từ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Theo đó, để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục duy trì tỷ lệ danh mục đầu tư thấp trong giai đoạn hiện tại.
Thị trường sẽ tiếp tục giằng co
(CTCK Rồng Việt - VDSC)
Ngày 31/7, thị trường tiếp tục có một phiên giao dịch không rõ xu hướng với sự giằng co liên tục giữa hai bên giao dịch đặc biệt là tại các cổ phiếu bluechips. Yếu tố thanh khoản thấp do tâm lý giao dịch thận trọng của các NĐT vì thế đã gây ra áp lực giảm điểm nhẹ cho các chỉ số trên cả hai sàn giao dịch trong phiên giao dịch buổi chiều. Bên cạnh đó, các thông tin liên quan đến việc tăng giá xăng cũng khiến cho dòng tiền tham gia khá lưỡng lự.
Chúng tôi nhận thấy áp lực bán hiện tại không quá lớn đối trên cả hai sàn giao dịch, các lệnh bán chủ yếu ở mức tham chiếu hoặc thấp hơn giá này một bước giá đối với các mã dẫn dắt. Do đó, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục giằng co thêm một vài phiên nữa và có biến động mạnh hơn trong phiên giao dịch cuối tuần.
Cơ hội phục hồi có xác suất xảy ra rất nhỏ
(CTCK Dầu khí - PSI)
KQKD của các doanh nghiệp niêm yết có mức vốn hóa lớn được công bố với con số tương đôi tích cực có thể sẽ là yếu tố giúp VN-Index giảm ít hơn HNX-Index.
Tuy nhiên, với thanh khoản duy trì mức cạn kiệt như hiện tại thì cơ hội phục hồi mạnh của chỉ số hai sàn có xác suất xảy ra rất nhỏ. Bên cạnh đó, sự phân hóa đang diễn ra mạnh hơn trên sàn khi nhiều pennies bắt đầu có chiều hướng diễn biến xấu đi và có thể có sự giảm giá mạnh mà không phụ thuộc vào diễn biến chỉ số thị trường.
Khó thoát khỏi xu hướng giảm điểm chủ đạo
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Thị trường tiếp tục có phiên giằng co trong biên độ hẹp cùng với tính thanh khoản duy trì ở mức thấp. Phiên 31/7 không có nhiều ý nghĩa về mặt xu thế mà chỉ hàm ý một điểm cân bằng mang tính thời điểm.
Hiện thị trường đang nằm trong giai đoạn khá bão hòa về mặt thông tin, các thông tin tốt xấu đều đã được phản ánh đáng kể vào diễn biến giá cổ phiếu và nhà đầu tư đang chờ đợi các “nhân tố mới”. Tuy nhiên trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng, rất khó có thể xuất hiện những “điểm tựa” đủ vững chắc cho sự phục hồi của thị trường. Cơ sở nền tảng của nền kinh tế hiện nay, theo BVSC, là những bước đi cụ thể trong việc giải quyết vấn đề nợ xấu. Đây sẽ là yếu tố then chốt từ đó giúp đạt được các mục tiêu mang tính hệ quả khác một cách hiệu quả hơn, bao gồm việc kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay trên thực tế - ở đây chúng tôi hàm ý dành cho đại đa số các doanh nghiệp chứ không phải các mức lãi suất ưu đãi theo nhóm - và cải thiện tổng cầu của nền kinh tế, giải phóng hàng tồn kho cho doanh nghiệp.
Trước khi xuất hiện “điểm tựa” mang tính trung-dài hạn đó, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ khó thoát khỏi xu hướng giảm điểm chủ đạo.
Giai đoạn đi ngang ngắn hạn hiện tại có thể kéo dài thêm trong một vài phiên tới và nhà đầu tư nên tranh thủ các phiên hồi phục của thị trường cho các giao dịch trading “bán xuống”. Việc mua vào ở thời điểm này chỉ phù hợp với các giao dịch T+1, T+2 và đặt tại các vùng giá thấp trong phiên.