Chung cư sai phép: Không ai dám cắt ngọn?
Hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội vi phạm quy hoạch, tự ý tăng số tầng, tăng mật độ xây dựng, sai thiết kế mẫu… Những sai phạm này không được xử lý nghiêm gây nhờn luật.
Khảo sát của PV, tại dự án Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Nàng Hương (đường Nguyễn Trãi), chủ đầu tư là Công ty CP xây lắp điện I. Dự án bị nằm trong “danh sách đen” vi phạm xây dựng của cơ quan chức năng. Theo thiết kế, dự án gồm hai tòa nhà cao tầng CT1 (17 tầng), trong đó 01 tầng hầm, 02 tầng dịch vụ và thương mại, 15 tầng căn hộ và tòa nhà cao tầng CT2 (21 tầng), trong đó 02 tầng hầm, 02 tầng dịch vụ và thương mại, 19 tầng căn hộ.
Theo chủ đầu tư, dự án còn có các khu biệt thự, nhà chia lô với các công trình hạ tầng xã hội có nhà sinh hoạt công cộng, nhà trẻ, vườn hoa và sân thể thao… nhưng không thấy những công trình xã hội này. Dự án đã bị cơ quan chức năng phát hiện mật độ xây dựng quá cao, đồng thời vượt quá số tầng so với thiết kế ban đầu… Một số hạng mục công trình xã hội trong dự án không được chủ đầu tư xây dựng như đã thiết kế.
Trao đổi với PV, đại diện Ban quản lý dự án cho biết, chủ đầu tư sai chỗ nào sẽ có kế hoạch khắc phục dần dần chỗ đó. Đối với tòa nhà cao quá tầng so với quy định chủ đầu tư sẽ có kế hoạch tiến hành “cắt”, tháo dỡ số tầng thừa… Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải cho các chủ đầu tư thời gian.
Tương tự Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tại xã Trung Văn ( huyện Từ Liêm) do Công ty cổ phần xây dựng số 3 (Vinaconex 3) làm chủ đầu tư, dự kiến năm 2010 sẽ đưa vào sử dụng, nhưng đến nay đã qua 2 năm dự án vẫn dang dở, nhiều hạng mục chưa kịp xây dựng, chậm tiến độ, bị cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm.
Theo thiết kế, Khu nhà ở để kinh doanh gồm CT1, CT2 có chiều cao từ 8-9 tầng, nhưng trên thực tế khảo sát của PV hai tòa nhà này cao tới 16 – 17 tầng, vượt quá 8 – 9 tầng so với quy định, bị cơ quan chức năng đưa vào “danh sách đen” xử lý. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn phát hiện mật độ xây dựng quá dày đặc, do chủ đầu tư tiết kiệm từng m2 đất để xây dựng biệt thự liền kề để bán.
Hiện công trình vẫn án binh bất động, đường sá, hệ thống đường giao thông còn dang dở, toàn bộ hệ thống biệt thự, nhà liền kề tại dự án bỏ hoang tới 90%. Theo quảng cáo của chủ đầu tư dự án còn bao gồm cả Khu nhà trẻ, trường tiểu học, trường trung học cơ sở rồi đến đất giành cho dự trữ chuyển đổi lao động, việc làm… nhưng PV đi mỏi chân trong dự án này cũng chẳng thấy những công trình xã hội đâu cả mà thay vào đó là nhà ở, biệt thự liền kề bỏ hoang… cả dãy.
Hai tòa nhà tại Dự án nhà ở Trung Văn của Vinaconex 3 xây vượt quá số tầng thiết kế.
Đại diện ban quản lý dự án Vinaconex 3 cho biết, cũng chỉ nghe nói dự án mắc một số lỗi do Thanh tra phát hiện. Tuy nhiên, kế hoạch xử lý ra sao, xử lý đến đâu tất cả đều phải do lãnh đạo công ty họp bàn quyết định.
Tại dự án nhà ở Trung Văn (Từ Liêm) của Công ty Vinaconex 3, Thanh tra Chính phủ phát hiện chủ đầu tư xây dựng sai quy hoạch, vi phạm Luật Nhà ở nhưng UBND huyện Từ Liêm đã cấp sổ đỏ cho 7 hộ đã mua nhà của doanh nghiệp này.
Dự án khu đô thị mới Văn Phú cũng bị thanh tra phát hiện vi phạm xây dựng, nhưng khi PV liên hệ đại diện chủ đầu tư để tìm hiểu câu trả lời, thì chỉ nhận được sự “im lặng”.
Điểm qua nhiều dự án xây dựng nằm trong “danh sách đen” vi phạm xây dựng chờ Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý như: Khu đô thị mới Văn Quán, Văn Phú, khu nhà ở và dịch vụ thương mại Nàng Hương, khu đô thị mới xã Cổ Nhuế, khu nhà ở công cộng tại xã Cổ Nhuế, các dự án xây dựng nhà ở để bán tại xã Trung Văn, Đông Ngạc, Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, khu đô thị mới Việt Hưng, khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp…
Ông Trần Văn Huynh, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, tình trạng vi phạm quy hoạch, vi phạm xây dựng… tất cả là do công tác quản lý Nhà nước quá lỏng lẻo, chính quyền làm ngơ… "Không phải thích xây bao nhiêu tầng là xây, đó là ý muốn của một số cá nhân, mà chúng ta phải xây dựng theo quy hoạch chung của Thủ đô. Nếu chúng ta áp dụng đúng luật, xử lý nghiêm minh, xem chủ đầu tư nào dám vi phạm?"
Nhiều dự án vi phạm mật độ xây dựng
Ông Huynh còn cho rằng, hiện nay, có tình trạng nhiều DN “chạy” rất giỏi để không bị xử lý, hoặc vẫn tiếp tục cho xây dựng, nếu còn tiếp tục như vậy là nảy sinh hiện tượng “nhờn” luật, việc xử lý vi phạm xây dựng sẽ không có hiệu quả!
Ông Lê Viết Ba – Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho biết, đối với những dự án đã vi phạm thành phố Hà Nội kiên quyết bắt chủ đầu tư tự phá dỡ, dẫu có lãng phí tiền tỷ... như vậy, các DN khác mới không dám vi phạm. Đối với những khách hàng đã lỡ đặt mua căn hộ ở tầng vi phạm xây dựng. DN phải ngồi lại với khách hàng để thương lượng để khách hàng chuyển sang mua căn hộ tầng khác không vi phạm xây dựng, hoặc trả lại tiền vốn và lãi mà khách hàng đã đóng góp.
Ông Ba cũng đưa ra giải pháp là nếu chủ đầu tư nào đã vi phạm xây dựng, vi phạm quy hoạch ngoài phạt thật nặng ra, đồng thời bắt chủ đầu tư tự phá bỏ công trình vi phạm, số tầng xây dựng quá thiết kế. Mặc dù có tốn kém đến mấy, nhưng chúng ta phải cương quyết phá bỏ, ai làm sai người đó chịu. Đồng thời, nên công bố quy hoạch rõ ràng, có sự giám sát của cơ quan chức năng, DN nào làm đúng thì cho làm, DN nào làm sai thì “tuýt còi” xử phạt...