Chung cư Hà Nội: Giảm giá 30% vẫn có lãi

Tiếp sau làn sóng phá giá căn hộ của một số chủ đầu tư tại TP.HCM, thì ở Hà Nội đã có những dấu hiệu giảm giá. Tuy nhiên, đa số là dân đầu cơ và nhà đầu tư thứ cấp. Đa số chủ đầu tư vẫn chưa im lăng, tuy nhiên đã có những người quyết định giảm giá sớm.

Giảm theo thị trường chung

Những ngày đầu tháng 9/2012, Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu lại một lần nữa đưa ra quyết định đáng chú ý trên thị trường Hà Nội đó là tiếp tục giảm giá 3 triệu đồng/m2 căn hộ thuộc dự án VP3 Linh Đàm so với giá công bố và đã giao dịch trước đó. Như vậy, giá căn hộ từ mức 25-26 triệu đồng/m2 hiện xuống còn 22-23 triệu đồng/m2.

Một căn hộ được giảm nhiều nhất là 300 triệu đồng, tương đương mức giảm 12%. Đây là chủ đầu tư duy nhất trên thị trường Thủ đô kiên trì động thái này kể từ năm ngoái đến nay.

Đáng chú ý là chính dự án này, tháng 12/2011 đã được chủ đầu tư điều chỉnh giảm giá một mạch 20%, từ mức 31-32 triệu đồng/m2 ban đầu, xuống còn 25-26 triệu đồng/m2.

Tổng hai lần giảm giá từ năm ngoái đến nay, giá sơ cấp (giá chủ đầu tư đưa ra) của dự án này đã giảm từ 9-10 triệu đồng/m2. Tính ra một căn hộ diện tích lớn nhất khoảng 100m2 đã được giảm từ 900 triệu-1 tỷ đồng.

Như lần giảm trước, những người đã đóng tiền sẽ được khấu trừ ngay trên khoản tiền tiến độ tiếp theo hoặc được trả lại tiền. Các khách hàng đăng ký mua mới sẽ được vào giá mới.

Qua hai lần điều chỉnh giảm giá, chủ đầu tư đã chủ động chịu "mất" số tiền trên 300 tỷ đồng - tương ứng trên 30% của tổng mức đầu tư ban đầu là 1.000 tỷ đồng của dự án.

Trao đổi với phóng viên hôm 6/9, ông Nguyễn Hồng Sơn - một lãnh đạo của Xí nghiệp Tư nhân số 1 Lai Châu lý giải, nguyên nhân đưa đến quyết định này xuất phát từ thời điểm thị trường rất khó khăn, người có nhu cầu thực không đủ tiền mua nhà, người đã mua rồi cũng gặp khó trong thanh toán. Mặt khác, căn hộ cũng là một sản phẩm hàng hóa vì thế cần có sự điều chỉnh linh hoạt theo từng thời điểm diễn biến thị trường.

Khó có làn sóng phá giá ở Hà Nội

Chung cư Hà Nội: Giảm giá 30% vẫn có lãi - 1

Dù giảm tới 30%, chủ đầu tư cho biết vẫn duy trì được một mức lãi.

Trào lưu phá giá căn hộ từ các chủ đầu tư, các đơn vị thứ cấp đã diễn ra từ cuối năm ngoái đến nay, đặc biệt phổ biến tại thị trường căn hộ phía Nam. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các đơn vị gặp sức ép quá lớn về tài chính. Trong bối cảnh thị trường "bất động", đầu ra của sản phẩm không có, bắt buộc họ phải cắt lỗ, công bố bán ra với giá rẻ để thu hồi vốn, hoàn thiện công trình.

Cũng hòa với phong trào của thị trường phía Nam về thời điểm, song việc chủ đầu tư phá giá căn hộ tại Hà Nội lại mang sắc thái khác hẳn.

Về số lượng, cho đến giờ ngoài hai dự án VP3 Linh Đàm và CT6 Bemes Cầu Bươu được chính thức giảm giá, thì hầu hết các chủ đầu tư dự án đang triển khai tại Hà Nội đều rất im hơi lặng tiếng, né tránh vấn đề này.

Việc giảm giá của chủ đầu tư chủ yếu là đi đường vòng thông qua các chiêu khuyến mại, hỗ trợ tài chính... cho khách mua mới. Trong khi các khách hàng mua cũ do không đủ khả năng tài chính đã ồ ạt cắt lỗ từ 10-30% các sản phẩm mà thực tế chủ đầu tư không hề hạ giá.

Về tính chất, việc phá giá căn hộ VP3 Linh Đàm hiện rất khó để khẳng định do chủ đầu tư thiếu vốn, gặp sức ép về tài chính hay do vấn đề bức bí về đầu ra của thị trường.

Bởi lẽ tại thời điểm giảm giá, dự án đã cơ bản bán được 70% số căn hộ. Theo một số đơn vị bán hàng, hơn một trăm căn hộ chưa có chủ phần lớn là những căn hướng Tây, trong khi những căn hướng Đông Nam cho đến giờ khách hàng muốn sở hữu vẫn phải mua chênh.

Với 2/3 số căn hộ đã bán, dự án lại đang gấp rút hoàn thiện bàn giao nhà, theo lẽ thường chủ đầu tư hoàn toàn có thể ung dung, túc tắc thu tiền theo tiến độ và bán nốt các căn còn lại. Nhưng đằng này, họ lại chịu bỏ ra hơn 100 tỷ đồng để hạ giá cho tất cả khách hàng mua cũ.

Chưa hết bất ngờ, giới phân phối, kinh doanh bất động sản tại Hà Nội bình luận, động thái nói trên thể hiện khả năng tài chính dồi dào của chủ đầu tư mà không phải đơn vị nào cũng thực hiện được. Rõ ràng, trường hợp phá giá này vẫn là duy nhất và hãn hữu trên thị trường Hà Nội từ năm ngoái đến nay.

Quản lý một sàn bất động sản có quy mô tại Hà Nội cho rằng, dù thế nào, động thái phá giá này cũng là một cú hích với thị trường, làm gia tăng áp lực và sức ép giảm giá cho các chủ đầu tư khác. Nhưng diễn biến thực tế về làn sóng phá giá của các chủ đầu tư tại thị trường được trông đợi nhất này ra sao vẫn còn là câu hỏi mở mà chỉ thời gian mới có thể trả lời. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Dũng (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN