Chung cư ‘đại gia điếu cày’ dễ cháy là do… người dân?!

Liên quan đến việc DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên có 15/38 chung cư sai phạm về PCCC và sai phạm về xây dựng ở hàng loạt dự án khách sạn Mường Thanh, PV đã liên hệ với lãnh đạo của công ty này để có những thông tin đa chiều.

Sau nhiều lần liên hệ, ngày 3-8, ông Trương Xuân Danh, Phó Tổng Giám đốc DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, nhận lời gặp, trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên, khi PV đến theo lịch hẹn thì ông Danh chỉ ngắn gọn thừa nhận việc thực hiện công tác PCCC tại các chung cư của doanh nghiệp chưa được chuẩn lắm. “Nhìn thấy con số đó, mọi người chắc sẽ nghĩ mình (doanh nghiệp - PV) có vấn đề, bởi gần nửa các công trình có tên trong danh sách là của doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện phía sau còn có nhiều thứ...” - ông Danh nói.

Ông Danh bỏ lửng phần trả lời và giới thiệu PV gặp cán bộ khác để tìm hiểu. Khi gặp PV mới biết người được giới thiệu là ông Lê Quốc Hưng, Giám đốc Chi nhánh dịch vụ nhà ở Kim Văn Kim Lũ (quản lý 5/15 công trình “danh sách đen” về PCCC). “Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các công trình nhà ở của DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên không đạt yêu cầu an toàn, phòng chống cháy nổ như danh sách của cảnh sát PCCC là do... cư dân vào ở nhanh và quá đông” - ông Hưng giải thích.

Theo ông Hưng, chưa có công trình nào như các công trình của DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, chỉ một tháng sau khi bàn giao thì cư dân vào ở gần kín. “Vì thế, các hạng mục liên quan như PCCC sẽ bị chậm. Bởi vì khi thi công hoàn thiện sẽ tác động đến sinh hoạt của cư dân. Ví dụ khi đục thi công cửa gió, tăng áp buồng thang thì chỉ làm từ 9 giờ đến 16 giờ. Sau giờ này phải dừng để tránh gây ảnh hưởng đến cư dân” - ông Hưng giải thích.

Ông Hưng cũng cho rằng hầu hết những người mua căn hộ ở các dự án của DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên có thu nhập thấp và trung bình. Vì vậy, khi có nhà là họ muốn vào ngay, thậm chí có người đề nghị nhận nhà sớm, đặc biệt là khu Xa La để bớt được tiền thuê nhà. “Tiền nong thì chúng tôi không thiếu nên không phải là không có để thi công. Vấn đề là như tôi đã nói, cư dân vào ở quá đông và quá nhanh” - ông Hưng “đẩy” về phía người dân.

Ông Hưng từng là giám đốc chi nhánh dịch vụ nhà ở Xa La - nơi từng xảy ra nhiều vụ cháy, đặc biệt là vụ cháy tại tòa nhà CT4. Ông Hưng cho biết đây là một trong những chung cư cũ, một số hạng mục PCCC khó thi công, như cầu thang bộ là cầu thang hở, trong khi tiêu chuẩn bây giờ là kín. “Xây xong thì chưa có quy định về cầu thang kín nhưng khi chờ nghiệm thu thì quy định thay đổi nên cơ quan PCCC yêu cầu đổi thành cầu thang kín. Theo yêu cầu này, gần như các tòa nhà tại khu đô thị Xa La phải xây lại nhưng như vậy sẽ rất khó. Tôi được biết bên đó đang trình một số giải pháp tương đương nhưng cần có thời gian” - ông Hưng tiếp tục giải thích.

Vì thế, ông Hưng nói rằng đã chín tháng trôi qua từ vụ cháy nhưng lần này tòa nhà CT4, khu đô thị Xa La vẫn vào danh sách các tòa nhà vi phạm về PCCC.

PV đưa ra một số câu hỏi về việc DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã nhiều lần vi phạm về PCCC và xây dựng thì phải chăng doanh nghiệp bất chấp pháp luật? Ngoài ra, nhiều vụ hỏa hoạn đã xảy ra gây thiệt hại về tài sản, làm nhiều người hoang mang nhưng chuyện khắc phục rất chậm nên nhiều người cho rằng doanh nghiệp xem nhẹ an toàn của khách hàng… Ông Lê Quốc Hưng nói rằng ông không đủ thẩm quyền trả lời các câu hỏi này.

PV liên hệ lại với ông Trương Xuân Danh thì ông đề nghị gửi câu hỏi qua email cá nhân. Tuy nhiên, sau một ngày gửi các câu hỏi, đến chiều tối 4-8, khi PV liên lạc (trước đó đã gọi), ông Danh cho biết mình đang bận và vẫn chưa nhận được email.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN