Chuẩn bị ngàn tỷ chờ sóng chứng khoán
Thị trường chứng khoán (TTCK) đang là một lựa chọn của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, liệu TTCK có đủ sức vượt lên để đánh thức nền kinh tế không vẫn còn là một câu hỏi.
Mở hàng suôn sẻ
Sau tiếng cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm Quý Tỵ và lời kêu gọi ngành chứng khoán và các thành viên thị trường cùng nhau vượt qua khó khăn của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cùng sự chứng kiến của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, TTCK đã nhanh chóng bắt nhịp chuỗi tăng điểm trước đó.
Đây là một phiên mở hàng khá thành công khi tổng cộng có tới 60 mã tăng trần, áp đảo số giảm sàn (11 mã). Số cổ phiếu tăng giá lên tới gần 200 mã (chiếm 60%), trong đó nhóm khoáng sản, chứng khoán và cổ phiếu penny tăng ồ ạt.
Điều đáng nói là khối lượng giao dịch trên hai sàn tăng vọt với 71 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trên sàn Hà Nội, tương đương hơn 600 tỷ đồng; sàn TP.HCM với gần 70 triệu cổ phiếu, tương đương gần 1.000 tỷ đồng.
Sáng 19/2, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đang biến động xung quanh mức tham chiếu nhưng giao dịch tiếp tục sôi động với tổng cộng cả 1.000 tỷ đồng đã được chuyển nhượng sau hơn một giờ mở cửa.
Trước đó, giới đầu tư đã có nhiều tuần lễ hạnh phúc với thị trường khi cả hai chỉ số này liên tiếp đi lên với nhiều mã cổ phiếu tăng hàng chục cho tới cả vài trăm phần trăm trong một thời gian rất ngắn. Khối ngoại dồn dập đổ tiền vào TTCK sau những thông tin nới room của cơ quan chức năng. Riêng trong tháng 1/2013, mua ròng của khối này lên tới gần 3.000 tỷ đồng, tương đương gần 140 triệu USD.
Đa số các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng tin tưởng vào một kết quả tốt đẹp của TTCK trong năm 2013.
Một số CTCK tỏ ra quan ngại về khả năng bứt phá của thị trường, nhất là trước các ngưỡng cản quan trọng như 500 điểm đối với VN-Index và 70 điểm của HNX-Index. Tuy nhiên, những phiên giao dịch lớn, thanh khoản tốt cho thấy tâm lý của các NĐT vẫn đang được duy trì tốt và là tín hiệu cho một xu hướng tăng dài hạn.
Một chuyên gia thậm chí còn nhìn nhận sự phục hồi của TTCK sẽ giúp đánh thức nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Qua TTCK, doanh nghiệp sẽ dễ huy động vốn hơn so với kênh ngân hàng; thị trường BĐS có thể được phá băng; nợ xấu có thể được giải quyết nhanh chóng hơn…
Chứng khoán đánh thức nền kinh tế?
Trong vài năm qua, không ít các doanh nghiệp đã phải lao đao do đầu tư dàn trải bằng vốn vay ngân hàng. Không ít doanh nghiệp phải phá sản gục ngã như Thủy sản Bianfishco, Phương Nam, Thép Trường Sơn… hay đứng trên bờ vực nguy hiểm như Tập đoàn Thái Hòa, Sông Đà Thăng Long, Đầu tư tổng hợp Hà Nội Hanic…
Với lãi suất vay lên tới 10-25%, khả năng có lời của nhiều dự án là rất thấp. Trong khi đó, tín dụng ngân hàng cho dù đang được xem xét tháo gỡ nhưng tiền bơm vào nền kinh tế vẫn rất chậm chạm, có phần tiếp tục suy giảm.
Số liệu của NHNN tới gần cuối tháng 1/2013 cho thấy, tăng trưởng tín dụng vẫn giảm khoảng 1%, trong khi đó số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tiếp tục tăng gần 7% so với cuối năm 2012.
Các tín hiệu nói trên cho thấy nền kinh tế chưa có nhiều cơ hội bứt phá đi lên, khả năng đình đốn vẫn còn đó. Với diễn biến có phần tiêu cực này, những đề án giải quyết nợ xấu hay tái cấu trúc nền kinh tế xem ra còn rất khó khăn và việc thúc đẩy TTCK có lẽ là một lựa chọn không tồi.
Gần đây, các cơ quan chức năng đang tính đến một loạt các giải pháp để thúc đẩy TTCK phát triển như tháo gỡ tín dụng cho chứng khoán, mở rộng cửa hơn cho khối NĐT ngoại, ưu đãi thuế, xây dựng thị trường phái sinh, nâng cao chất lượng niêm yết…
Nhìn chung, đây là các giải pháp cần thiết và cần được làm càng sớm càng tốt, giúp TTCK phát triển, qua đó tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp niêm yết, góp phần giúp các thị trường khác như BĐS phục hồi.
Theo nhiều lý thuyết, định hướng hỗ trợ các thị trường phát triển là cần thiết. Nó giúp nền kinh tế không bị rơi vào tình trạng thái quá ở bất cứ chiều nào do vận động theo cơ chế bàn tay vô hình.
Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, nếu kỳ vọng sự phục hồi của một thị trường để vực dậy nền kinh tế cao quá có thể dẫn tới những hậu quả khó lường khác.
Gần đây, không ít các mã cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ vốn một thời bị bán tống bán tháo lại đang vào mùa “tăng trần”. Một số doanh nghiệp BĐS và liên quan BĐS báo lỗ vài trăm tỷ đồng trong quý IV/2012 hay tồn kho hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn kéo dài những phiên tăng trần dù 2-3 lần trong 5-7 tuần trước Tết.
Có một điều dễ nhận thấy trong đợt uptrend gần đây là, TTCK trong nước vẫn nặng tính bầy đàn, tâm lý - yếu tố khiến nhiều quả bong bóng đã hình thành. Trong suy nghĩ của nhiều người, trong xu hướng uptrend (của thị trường) thì không có gì phải nghĩ ngợi, đu theo giá đỉnh của nhiều “hàng nóng” cũng không phải là vấn đề lớn.
Dòng vốn ngoại và định hướng hỗ trợ thị trường có lẽ góp phần không nhỏ giúp các nhà tạo lập kéo đẩy các cổ phiếu lởm. Niềm tin về thị trường nhiều lần đã cạn kiệt và nhiều người sợ điều này lại xảy ra.