Chuẩn bị bán đấu giá Sài Gòn One Tower
Sau khi thu giữ cao ốc phức hợp Saigon One Tower do chủ đầu tư nợ hơn 7.000 tỷ đồng không trả được, VAMC cho biết sẽ tổ chức bán đấu giá.
Tháng 9 sẽ tổ chức bán đấu giá
Qua tìm hiểu được biết, đây cũng là món nợ xấu đầu tiên được xử lý theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo đó, danh mục tài sản đảm bảo mà VAMC sẽ thu giữ bao gồm cả quyền sở hữu và quyền khai thác kinh doanh toàn bộ công trình xây dựng tầng hầm; khu trung tâm thương mại; khu văn phòng cho thuê và các công trình phụ…
Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) Nguyễn Tiến Đông cho biết, hiện dự án đang được giao cho Ngân hàng TMCP Hàng hải (MaritimeBank) quản lý. Trong tháng 9 tới, VAMC sẽ làm các thủ tục bán đấu giá công khai dự án Saigon One Tower. Quá trình đấu giá VAMC sẽ mời Bộ Công an, Viện KSND Tối cao tham gia vào hội đồng đấu giá.
Dự án Saigon One Tower bị bỏ hoang hàng chục năm gây lãng phí lớn
Dự án Saigon One Tower nằm ở “khu đất vàng” giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, quận 1, trước đây do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 256 triệu USD. Khởi công từ năm 2007 và dự kiến hoàn thành sau 2 năm, nhưng Saigon One Tower bị đình trệ rồi bỏ hoang nhiều năm. Đến nay, công trình đang bị xuống cấp, hệ thống thang máy, thang cuốn hỏng hóc, nhiều khối bê tông chuyển màu đen sì.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, nguyên nhân chính là do cổ đông chưa thu xếp được vốn, hơn nữa công tác đền bù phần diện tích còn lại gặp nhiều khó khăn. Tháng 10/2014, Thanh tra TP.HCM ra quyết định thanh tra toàn diện về việc triển khai dự án này. UBND TP cùng các sở, ngành đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu cam kết đẩy nhanh tiến độ. Nếu quá hạn sẽ có biện pháp chế tài theo đúng quy định.
Quyền lợi của nhà đầu tư vẫn được đảm bảo
Chia sẻ thêm xung quanh việc thu giữ cao ốc phức hợp Saigon One Tower, lãnh đạo một ngân hàng cho hay, theo Khoản 2, Điều 7, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu quy định, trong hợp đồng thế chấp phải thể hiện thỏa thuận về nội dung thu giữ. Luật Dân sự cũng quy định rõ, việc thu giữ tài sản phải được bên thế chấp đồng ý. Do đó, VAMC muốn thu giữ phải thỏa mãn những điều kiện: Thứ nhất, trong hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng và bên thế chấp phải thể hiện được quyền thu giữ tài sản để xử lý nợ. Thứ hai, phải được sự đồng ý của bên thế chấp mới được tiến hành thu giữ, bởi “việc thu giữ tài sản như thế này sẽ ảnh hưởng đến khách hàng đã mua nhà”.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, giá bán căn hộ Saigon One Tower từ 100-150 triệu đồng/m2, như vậy tổng giá trị mỗi căn hộ lên đến hàng chục tỷ đồng. Hiện, dự án này đã bán nhiều căn hộ cho khách hàng. Để tìm hiểu thêm thông tin, PV Báo Giao thông đã nhiều lần liên lạc với Công ty CP Saigon One Tower (Sài Gòn One Tower), tuy nhiên lãnh đạo công ty không bắt máy.
Về quyền lợi của các khách hàng đã mua căn hộ ở cao ốc, Chủ tịch VAMC Nguyễn Tiến Đông khẳng định, sau khi chủ đầu tư mới tiếp nhận, các khách hàng vẫn được bảo lưu quyền lợi.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc thu giữ dự án trùm mền chính là nhằm thực hiện trình tự xử lý nợ xấu theo nghị quyết của Quốc hội. Thực tế, đã chứng minh việc đấu giá công khai, minh bạch sẽ đem lại nguồn thu cho ngân sách cao hơn nhiều so với việc bán theo hình thức chỉ định. Bằng chứng là khu đất vàng (số 23 Lê Duẩn, quận 1) từ chỗ 575 tỷ đồng, sau 13 vòng đấu giá thì giá trị miếng đất này đã tăng lên 1.260 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với giá ban đầu. Đồng thời, đấu thầu cũng tạo môi trường kinh doanh minh bạch hơn.
Chủ đầu tư Saigon One Tower là ai? Khi được triển khai xây dựng, Saigon One Tower được xem là dự án cao thứ 3 tại TP HCM (sau Bitexco Financial Tower 68 tầng; The One 55 tầng). Dự án được xây trên khu đất vàng 6.672,2m2 ngay quận 1. Công trình cao 41 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 127.126m2 (tính cả hầm khoảng 152.000m2). Theo tìm hiểu, khu đất tại số 34 đường Tôn Đức Thắng, quận 1 trước đây của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn và được doanh nghiệp này thỏa thuận, hợp tác với Công ty CP M&C cùng các đối tác khác thành lập Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C. Cổ đông tham gia vào dự án này bao gồm: Công ty CP M&C (49%), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist (30%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%), Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (5%). |