Chưa nên thông qua Luật Đặc khu: "Bút sa" thì... khó sửa!

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về những băn khoăn của ông đối với dự án Luật Đặc khu

Phóng viên: Thưa ông, điều gì khiến ông quan tâm nhất trong dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà Quốc hội sẽ đưa ra quyết định vào ngày 15-6?

- Đại biểu Quốc hội, nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC: Thời gian cho thuê đất đặc khu đến 99 năm đối với trường hợp đặc biệt, tôi rất băn khoăn vấn đề này.

Xây dựng các đặc khu kinh tế (ĐKKT) mà ở đó có không gian, sự hấp dẫn các nhà đầu tư là rất cần thiết cho phát triển kinh tế; có thể nói đến lúc này mới hình thành ĐKKT là quá muộn. Tuy nhiên, tôi có cảm giác khi xây dựng các đặc khu này, chúng ta mới nhìn mặt tích cực, thành công của thiên hạ chứ chưa xem thất bại của thiên hạ nó như thế nào.

Chưa nên thông qua Luật Đặc khu: "Bút sa" thì... khó sửa! - 1

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trả lời báo chí Ảnh: VĂN DUẨN

Do đó, chúng ta cần có sự thận trọng, không thể mang ra thử nghiệm được, nhất là điều không bình thường khi cùng một lúc thí điểm 3 đặc khu, mà như có đại biểu phân tích là vùng đất "bờ xôi, ruộng mật". Đây chỉ là cách nói nhưng quan trọng nhất là vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng. Cả 3 đặc khu trên đều hướng ra biển Đông như cái bình phong của đất nước. Do đó, tôi đề nghị phải rất thận trọng.

Có đại biểu nói rằng có thể thử nghiệm nhưng với tôi, không thể mang chuyện 99 năm ra để thử nghiệm. "Bút sa gà chết", đã ký 99 năm thì không thể thử nghiệm được. Bài học Formosa vẫn còn đó, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khi đó vượt quá thẩm quyền, ký cho thuê đất 70 năm, rồi bị kỷ luật. Nhưng phải đến khi xảy ra vụ ô nhiễm môi trường, chúng ta mới vào cuộc xử lý nhưng cũng chỉ giải quyết về vấn đề môi trường chứ có thay đổi được hợp đồng 70 năm đâu!

Vậy nếu quy định 70 năm thay cho 99 năm thì sao?

- 99 năm hay 70 năm chỉ là con số tượng trưng. Chúng ta đã có Luật Trưng cầu dân ý, nếu Quốc hội thấy tự tin việc đó là cần thiết thì nên trưng cầu dân ý. Hay chúng ta cũng có thể trưng cầu ngay tại kỳ họp Quốc hội này. Nhưng trưng cầu không phải bằng hình thức "bấm nút", vì "bấm nút" là ẩn danh mà phải công khai. Ví dụ, đại biểu Dương Trung Quốc có đồng ý hay không đồng ý?

Chúng ta luôn nói đây là thời đại công nghiệp 4.0, mục tiêu là công nghệ cao, vậy thì ai cần chú ý tới thời gian thuê đất 99 năm, trừ khi có ý đồ khác. 99 năm không chỉ là con số 50 + 49 mà nó là biểu thị một sự giao phó. Việt Nam đâu đã đến mức khốn khó để phải đưa ra con số 99 năm nhằm "dụ" nhà đầu tư đến với mình. Môi trường đầu tư thuận lợi là quan trọng nhất, khi môi trường kinh doanh tốt họ sẽ tự tìm đến, họ làm ăn tốt họ sẽ ở lại lâu dài và ngược lại không ai có thể giữ họ ở lại được.

Với hiểu biết của mình, ông có thể phân tích về vị trí chiến lược của 3 đặc khu đối với an ninh quốc gia?

- Chỉ cần nhìn vào bản đồ Việt Nam, bạn sẽ thấy chứ không phải nói nhiều: Vân Đồn có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra vịnh Bắc Bộ; Vân Phong có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ miền Trung nhìn ra biển Đông; còn Phú Quốc có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương.

Chưa kể, các bạn có nhìn thấy các tour du lịch 0 đồng nở rộ như thế nào không? Rồi tình trạng người Việt Nam tiếp tay cho người nước ngoài mua đất tại các vị trí quan trọng ở Nha Trang, Đà Nẵng… Chỉ cần Luật Đặc khu được thông qua nhưng thiếu "hàng rào kiểm soát" thì chắc chắn câu chuyện sẽ không đi theo ý muốn chúng ta được.

TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương:

Chưa nên thông qua Luật Đặc khu: "Bút sa" thì... khó sửa! - 2

Mong Quốc hội lắng nghe ý kiến đa chiều

Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội chưa thông qua Luật Đặc khu tại kỳ họp này vì còn nhiều hạn chế và có thể để lại những hiểm họa, thách thức lớn đối với xã hội và kinh tế nước nhà.

Đây là lần đầu tiên có một luật được ban hành chỉ dành cho 3 ĐKKT là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đúng ra phải ban hành luật riêng về đặc khu rồi Quốc hội ra nghị quyết áp dụng cho 3 đặc khu này. Nếu luật được thông qua sẽ để lại nhiều băn khoăn cho cử tri cả nước. Và, có thể xảy ra tình trạng nhiều địa phương khác cũng kiến nghị xin được thành lập đặc khu vì địa thế và tiềm năng không thua gì 3 đặc khu trên. Bên cạnh đó, tuổi thọ doanh nghiệp trước kia khoảng 70 năm nay giảm còn khoảng 20 năm vậy cho thuê đất 99 năm để làm gì? Đâu là lợi ích để duy trì đến 99 năm?

Ở các nước trên thế giới, khi người dân chưa đồng thuận một dự luật nào đó, trước khi Quốc hội thông qua phải mời những người đó đến phát biểu để Quốc hội lắng nghe ý kiến của họ. Theo tôi, Quốc hội cần tu chỉnh dự luật này, trước hết là trong kỳ họp này chưa thông qua. Sau đó sẽ xem xét thêm, nếu cần sẽ tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN BÁ SƠN (Đà Nẵng):

Chưa nên thông qua Luật Đặc khu: "Bút sa" thì... khó sửa! - 3

Lấy gì chặn hệ lụy?

Không ai phủ nhận vai trò của các ĐKKT đối với sự phát triển của đất nước, đó là cơ sở để tạo bước đột phá. Tuy nhiên, trên thế giới, đã có nhiều ĐKKT thành công nhưng cũng không ít nơi thất bại, điều này buộc chúng ta phải hết sức thận trọng. Việc cho thuê đất 99 năm hay 70 năm cũng là một phần trong câu chuyện đó.

Nhiều cử tri đặt câu hỏi với tôi rằng: Với những quy định hiện tại của pháp luật, việc mở toang cửa cho nhà đầu tư thuê đất đến 99 năm thì hệ lụy gì sẽ xảy ra? Lấy gì để ngăn chặn hệ lụy đó? Tôi nghĩ, không riêng tôi mà các đại biểu khác cũng đã nghe nhiều ý kiến băn khoăn từ cử tri. Vì thế, các đại biểu phải thực hiện trọn vẹn vai trò là người đại diện của dân; quyền lợi của nhân dân, đất nước phải đặt lên trên hết khi bấm nút thông qua Dự Luật Đặc khu.

Ông PHẠM VĂN CHI, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa:

Chưa nên thông qua Luật Đặc khu: "Bút sa" thì... khó sửa! - 4

Cho thuê 99 năm cũng giống như… bán đất

Việc xây dựng các ĐKKT để hình thành khu phi thuế quan nhằm phát triển kinh tế là điều cần thiết nhưng không nên quá 70 năm. Theo tôi, cho thuê đất 99 năm cũng giống như bán đất cho nhà đầu tư.

Dư luận lo ngại khi phát triển các đặc khu sẽ hình thành những khu di dân của người Trung Quốc, tôi cho rằng đó không phải là điều đáng lo. Cái cần thiết đối với các nhà soạn thảo là thiết lập cơ chế quản lý chặt chẽ, có sai phạm phải xử lý nghiêm…, do đó phải xem xét cẩn thận trước khi thông qua dự luật này.

Ngoài ra, là đặc khu hành chính - kinh tế thì phải chọn bộ máy lãnh đạo hết sức trung thành với đất nước, hiểu biết về kinh tế, đi đúng đường lối chính trị thì không có gì sợ. Chọn những kẻ tham nhũng, trung thành với đồng tiền thì chỉ có "chết".

K.NAM - V.DUẨN ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn (Người lao động)
Sốt đất đặc khu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN