Chưa một doanh nghiệp BĐS nào được vay gói 50.000 tỉ đồng
Hơn 4 tháng sau khi gói tín dụng 50.000 tỉ đồng theo mô hình liên kết 4 nhà do Ngân hàng TMCP Xây dựng và Tập đoàn Thiên Thanh khởi xướng, đến nay chưa một doanh nghiệp bất động sản nào vay được vốn
Tại buổi ký kết hợp tác giữa Ngân hàng (NH) TMCP Xây dựng (VNCB) và NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cuối tuần qua, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho rằng ngay từ đầu, gói 50.000 tỉ đồng chưa được hiểu đúng.
“Đây chỉ là tên gọi, còn thực chất là mô hình liên kết 4 nhà với sự tham gia của nhiều NH thương mại. Nếu Tập đoàn Thiên Thanh không tham gia, các NH khác vẫn triển khai bình thường. Trước đây, NH cho vay thông thường, nay cho vay theo kiểu liên kết các đơn vị để tăng hiệu quả” - ông Thanh nói.
Doanh nghiệp thất vọng
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Lê Thành (TP HCM), cho biết do muốn thăm dò nguồn vốn cho dự án Lê Thành Tân Tạo mà doanh nghiệp (DN) đang thực hiện nên ông đã tìm đến gói 50.000 tỉ đồng của VNCB.
Đại diện NH cho biết DN chỉ được vay thời gian dưới 12 tháng theo cách thức phải thế chấp tài sản bảo đảm cho NH và người đứng tên trên hồ sơ vay vốn không phải Lê Thành mà là… Tập đoàn Thiên Thanh! Sau đó, tùy tiến độ dự án, Tập đoàn Thiên Thanh sẽ cung cấp vật liệu xây dựng.
“Lê Thành thế chấp bằng tài sản bảo đảm của công ty nhưng mục đích lại nhằm bảo đảm cho khoản vay của Tập đoàn Thiên Thanh, rồi mỗi lần cần vật liệu xây dựng, Lê Thành mới được Tập đoàn Thiên Thanh bán lại…
Vậy là mỗi tháng, DN chúng tôi phải trả lãi cho khoản vay đứng tên người khác, rồi khi bán vật liệu xây dựng xong, Thiên Thanh lại tiếp tục được hưởng chênh lệch. Chưa kể vay đầu tư dự án mà thời gian chỉ 12 tháng thì làm sao thực hiện được. Nghe xong điều kiện đặt ra, chúng tôi buộc phải bỏ ý định vay vốn” - ông Nghĩa cho biết.
Theo lãnh đạo Công ty Lê Thành, nếu mục đích thật sự của gói 50.000 tỉ đồng là nhằm hỗ trợ DN, thị trường bất động sản (BĐS) theo mô hình liên kết 4 nhà để đưa vốn đúng mục đích và kiểm soát dòng vốn là quá tốt. Nhưng nếu chỉ là một hình thức quảng cáo và không có lợi cho DN thì sẽ khó khả thi.
Giữa tháng 5-2014, Ngân hàng Xây dựng và Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức công bố chuỗi liên kết tài trợ xây nhà ở trả chậm bằng gói tín dụng 50.000 tỉ đồng tại TP HCM Ảnh: LINH ANH
Khi được hỏi về gói 50.000 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám Đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nói: “Sau 2 tháng chờ đợi thông tin, kết quả việc hỏi vay gói tín dụng này không thành công, tôi đành bán lại dự án cho một DN khác do không còn vốn để xây tiếp”.
Trước đó, ngay khi chương trình cho vay 50.000 tỉ đồng được công bố, ông Đực kỳ vọng dự án Thái An (quận Gò Vấp, TP HCM) của DN sẽ “sống lại” sau hơn 6 tháng “trùm mền” vì không có vốn triển khai. Sau khi ký kết xong với VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh và các đơn vị (ngày 17-4-2014 tại Hà Nội), ông nhiều lần liên hệ với VNCB hỏi về khoản vay nhưng không nhận được câu trả lời.
Chưa kể, mọi thông tin về lãi suất cho vay, tiến độ giải ngân, đơn vị nào cung ứng vật liệu xây dựng… đều mơ hồ. “Gói 50.000 tỉ đồng trở thành ẩn số và không như kỳ vọng ban đầu của DN” - ông Đực nói.
Chỉ là mô hình cho vay có tên gọi mới!
Khoảng cuối tháng 3-2014, Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB gây chú ý bằng việc công bố chương trình tín dụng 50.000 tỉ đồng cho vay thương mại và sản xuất theo mô hình liên kết 4 nhà (chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung ứng vật liệu xây dựng và NH) để tháo gỡ khó khăn cho thị trường vật liệu xây dựng, BĐS.
Tại buổi họp báo tổ chức ngày 25-3, lãnh đạo NH Nhà nước cho biết cùng với 8 NH khác, trong đó VNCB làm đầu mối, sẽ tham gia ký kết gói tín dụng 50.000 tỉ đồng nhằm giúp DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn, đưa vốn đúng địa chỉ.
Về lãi suất cho vay sẽ như lãi suất thông thường, không thấp hơn và mọi điều khoản như các khoản tín dụng thông thường khác bởi đây không phải gói tín dụng do ngân sách nhà nước bỏ ra hoặc được ưu đãi lãi suất như gói 30.000 tỉ đồng.
Đến ngày 17-4, hội nghị khách hàng để giới thiệu mô hình tín dụng này tiếp tục được VNCB tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, các NH thương mại và DN có tham gia đã ký kết hợp tác. Tuy nhiên, như lời ông Nguyễn Văn Đực, hơn 2 tháng sau lễ ký kết, gói tín dụng vẫn “bặt vô âm tín”.
Một lãnh đạo NH thương mại cổ phần có tên trong danh sách ký kết hợp tác thừa nhận sau khi ký kết xong, đến nay các thông tin về việc những NH tham gia có lợi ích gì về lãi suất, tăng trưởng tín dụng, đối tượng được vay gói này ra sao… đều chưa rõ và mang tính chất quảng bá nhiều hơn.
Đề cập vấn đề này, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho rằng “gói tín dụng 50.000 tỉ đồng” thực chất chỉ là cách gọi mới, còn các khoản tín dụng cho DN BĐS và thị trường lâu nay vẫn có và NH sẵn sàng giải ngân khi khách hàng đáp ứng được điều kiện vay.
Nhưng trong gói này, Tập đoàn Thiên Thanh đứng ra là nhà tổ chức với vai trò tạo lập sàn cung ứng vật liệu xây dựng bán cho các DN BĐS. “Nay nếu Thiên Thanh không tham gia được, các NH vẫn cho vay theo mô hình này bình thường. Hiệu quả là từ mô hình liên kết 4 nhà hiện có rất nhiều NH thương mại tham gia bởi DN quan hệ với nhiều NH chứ không chỉ có VNCB” - ông Thanh nói.
Chưa ai được vay Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Lê Hoàng Châu cho biết chưa có DN nào trong hiệp hội vay được vốn từ gói tín dụng 50.000 tỉ đồng. Thậm chí, có DN hỏi vay nhưng tất cả đều phải “qua cửa” của Tập đoàn Thiên Thanh nên rất rủi ro cho DN nếu vật liệu xây dựng đội giá bán… “Mô hình chuỗi liên kết 4 nhà để sử dụng đồng vốn hiệu quả, đúng mục đích và hỗ trợ DN BĐS vượt qua khó khăn là rất đáng hoan nghênh. Nhưng nếu hiệu quả này giúp lợi nhuận của nhà tổ chức tăng lên thay vì hiệu quả chuyển sang việc giảm giá thành sản phẩm thì tôi không ủng hộ” - ông Châu nói. |