Chưa ai mất chức, đi tù vì quản lý doanh nghiệp kém

Sự kiện: Kinh Doanh

Nêu thực tế các doanh nghiệp chỉ bảo toàn vốn về giá trị tài sản trên sổ sách, đại biểu Quốc hội kiến nghị cần làm sao để “vốn lúc này là một chiếc ô tô thì 10 hay 20 năm sau, vốn đó phải đủ giá trị mua một chiếc xe có tính năng tương đương”.

Hôm nay 28-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa (CPH) DN Nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Đại biểu (ĐB) Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nhận định nhiều bộ ngành không muốn rời xa DN vốn được coi là sân sau của mình. Điều này có thể là biểu hiện của lợi ích nhóm hoặc là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhóm lợi ích, không khách quan trong xây dựng chính sách, "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Theo nữ ĐB tỉnh Bắc Giang, chính điều trên làm giảm hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, tạo ra sự ỷ lại, không chịu vươn lên của DN Nhà nước. Đồng thời, làm méo mó môi trường cạnh tranh, gây ra tham nhũng, lãng phí như nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua.

Về việc bảo toàn vốn DN Nhà nước, ĐB Lịch nêu đánh giá: "Đến nay, các DN chỉ bảo toàn vốn về giá trị tài sản trên sổ sách, không tính toán đến yếu tố trượt giá, hao mòn tài sản vô hình cần bù đắp. Vì vậy, sau thời gian hàng chục năm hoạt động thì vốn của DN bị thu hẹp theo cách giá trị con số ghi trên tài sản không thay đổi nhưng giá trị thực tế của tài sản hiện vật của vốn đó giảm nhiều lần, có đơn vị gần như mất hết".

Theo bà, cần xem xét lại chính sách khấu hao, bảo toàn vốn, để làm sao "vốn lúc này là một chiếc ô tô thì 10 hay 20 năm sau, vốn đó phải đủ giá trị mua một chiếc xe có tính năng tương đương".

Chưa ai mất chức, đi tù vì quản lý doanh nghiệp kém - 1

ĐB Hoàng Văn Cường chỉ rõ báo cáo tài chính của DN Nhà nước bị biến hoá giữa lỗ và lãi - Ảnh: Quochoi

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu thực trạng vì động cơ cá nhân mà những người quản lý DN Nhà nước đã đầu tư những hoạt động không hiệu quả nhằm thu lợi ích cá nhân, như: đầu tư máy móc, thiết bị không phù hợp.

"Đó là những hoạt động cố tình dùng những thủ đoạn để hợp pháp hóa việc rút tiền từ DN Nhà nước" - ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB Cường, không có DN nào báo cáo đầy đủ lúc nào lỗ, lúc nào lãi. Thậm chí có DN, khi cần thăng chức, tăng quỹ lương hoặc xin vốn thì lập tức có báo cáo lãi, nhưng khi báo cáo cơ quan tài chính thì lại báo cáo lỗ. "Người ta nói báo cáo tài chính của các DN giống như ông thần có phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi"- ông nhận xét.

ĐB Cường còn thẳng thẳn nêu thêm: "Dù DN lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay đi tù về chuyện quản lý yếu kém. Những vấn đề về thất thoát vốn, lỗ của DN Nhà nước thì ai cũng biết nhưng bộ máy thanh tra, kiểm tra, kiểm soát DN lại không phát hiện ra".

Ông cũng đặt câu hỏi là dù đã có tổ chức định giá độc lập, có tổ chức đấu giá độc lập nhằm làm minh bạch hóa việc mua bán tài sản nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng mua đắt, bán rẻ? "Khi những tổ chức làm trách nhiệm định giá, đấu giá khi lập các dự án sai, định giá sai, thẩm định giá sai, xảy ra tình trạng như trên thì chưa có tổ chức nào bị xử lý? Tệ hại hơn, khi DN thua lỗ phải bán đấu giá tài sản, máy móc thiết bị thì đây lại là cơ hội làm ăn béo bở cho một số người, như hình ảnh kền kền ăn xác chết"- ông Cường bức xúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN