Chủ tịch VCCI: Cán bộ mỗi nơi hiểu luật một kiểu gây khó cho doanh nghiệp

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) , tình trạng 'trên nóng dưới lạnh', trên bảo dưới không nghe một phần do ý thức, năng lực cán bộ nhưng nguy hiểm hơn quy định pháp luật giải thích kiểu gì cũng được, mỗi nơi giải thích một kiểu, mỗi công chức giải thích một kiểu, khó khăn cho người làm kinh doanh.

Tại hội thảo “Làm gì để môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, ổn định”, do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Thời báo kinh doanh tổ chức sáng 3/6, vấn đề rủi ro pháp lý cũng như tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp được nhiều chuyên gia đề cập.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, hiện nay có rất nhiều kiến nghị Chính phủ cần phải ban hành thêm nhiều luật, can thiệp vào nền kinh tế từ việc định hướng thị trường, sản xuất cái gì bán cho ai... Tuy nhiên, đề xuất này hoàn toàn đang đi ngược lại với nền kinh tế thị trường. 

Dù Chính phủ đã có nhiều cải cách mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều bất cập, cản trở doanh nghiệp phát triển. Ông Hiếu đặt câu hỏi: Vậy, cái gì cần làm tiếp cho doanh nghiệp? Hiện nay, Chính phủ đang cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí và chi phí để tuân thủ quy định pháp luật. Rõ ràng Chính phủ đang tập trung giải quyết vấn đề này khá đúng hướng. Tuy nhiên có 3 điều đang bỏ ngỏ và ít đề cập đến.

Chủ tịch VCCI: Cán bộ mỗi nơi hiểu luật một kiểu gây khó cho doanh nghiệp - 1

Cần giảm bớt can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động DN như thanh tra, kiểm tra. (Ảnh minh họa internet)

Một là rủi ro pháp lý, hiện nay, môi trường rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cao ở chỗ giấy phép kinh doanh cấp phổ biến có thời hạn 5 năm, sau 5 năm phải cấp lại. Quy định này gây rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp bởi, nếu DN không xin được cấp phép thì những đầu tư trong 5 năm trước sẽ ra sao?. Hay, những quy định trong Nghị định về kinh doanh khí gas, trước kia Hiệp hội kinh doanh khí ga ở Hà Giang có 40 doanh nghiệp, sau khi quy định nâng chuẩn mực về nâng khí gas, doanh nghiệp phải đầu tư 1-1,5 tỷ để đáp ứng quy định pháp luật, do vậy 11 doanh nghiệp không đủ vốn để đầu tư nên đến nay chỉ còn 29 doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, lại hạ chuẩn mực về  khí gas. Điều này đã tạo ra rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.

Vấn đề thứ 2 là an toàn và bảo vệ quyền tài sản. Đó là vấn đề quyền bảo vệ quyền tài sản sở hữu trí tuệ, hiện nay Việt Nam đứng thứ 88/128. Trong khu vực Việt Nam đứng ở thứ 14/20 trước Nepal, Pakistan, Bangladesh. Điều này tác động trực tiếp đến đầu tư trong nước và nước ngoài ở Việt Nam.

Vấn đề cuối cùng là thực thi pháp luật. Cần phải có cuộc cải cách toàn diện nâng cao chất lượng quy định; bãi bỏ quy định kém chất lượng, cản trở cạnh tranh, sáng tạo, gây rủi ro, mất an toàn cho doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần phải sửa đổi các điều kiện phi lí như mũ bảo hiểm, nhìn ra ASEAN họ làm như thế nào thì chúng ta cần làm như vậy. Sửa đổi hệ pháp luật kinh doanh phải làm mạnh mẽ hơn. Thực tế, tình trạng 'trên nóng dưới lạnh', trên bảo dưới không nghe một phần do ý thức, năng lực cán bộ nhưng nguy hiểm hơn quy định pháp luật giải thích kiểu gì cũng được, mỗi nơi giải thích một kiểu, mỗi công chức giải thích một kiểu, khó khăn cho người làm kinh doanh.

Trong khi đó, ông Lộc cho rằng, khi vận dụng pháp luật có nguyên tắc, nếu quy định pháp luật giải thích theo nhiều cách khác nhau thì phải giải thích làm sao có lợi cho người dân và DN.

Ngoài ra, theo ông Lộc, trong thời gian qua, trong chi phí kinh doanh, chúng ta không chỉ nói tới chi phí thấp mà còn nói tới rủi ro thấp. Khi nói tới việc trên nóng dưới lạnh “thờ ơ vô cảm” thì không chỉ cấp địa phương. 'Tôi cho rằng cần phải nói tới cấp bộ ngành trung ương. Thủ tướng quyết liệt nhưng xuống tới cấp bộ, ngành địa phương thì nó nguội đi rồi. Điều này cho thấy, việc nói trên nóng dưới lạnh không chỉ nói tới cấp địa phương mà ngay cấp trung ương cũng có hiện tượng này', ông Lộc chia sẻ.

Vì vậy, ông Lộc cho rằng, chúng ta cần nhất quán và việc thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ cần phải thực hiện mọi cấp. 'Tôi xin nói thêm rằng, không phải chỉ có việc nhất quán chính sách mà còn nói tới sự "chung thuỷ" của chính quyền đối với DN', ông Lộc nói và cho rằng khi kêu gọi DN đầu tư dự án, nhiều nơi cơ quan không thực sự chung thuỷ với DN khi thay đổi chủ trương, do lợi ích nhóm làm ảnh hưởng tới lợi ích DN... đẩy các DN vào tình trạng khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN