Chủ đầu tư “trần tình” về việc chậm cải tạo chung cư cũ

Trao đổi về tiến độ cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội còn chậm chạp, một số chủ đầu tư cho rằng do gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực dự án và đề xuất cần có chế tài xử lý việc này.

Tại Hội thảo: “Cải tạo khu chung cư cũ, cơ chế và chính sách” do Hội Xây dựng và Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội tổ chức sáng 24/11 với nhiều ý kiến của người trong cuộc giãi bày nguyên nhân việc chậm cải tạo chung cư diễn ra nhiều năm nay ở Hà Nội.

Chủ đầu tư “trần tình” về việc chậm cải tạo chung cư cũ - 1

Nhiều chủ đầu tư kêu khó giải phóng mặt bằng dự án cải tạo chung cư cũ. Ảnh minh họa

Ông Trương Hải Long, Tổng Giám đốc Tổng Cty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, công ty là đơn vị thí điểm cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Dự án có quy mô cải tạo 15 nhà tập thể 5 tầng với 2.050 căn hộ, dân số khoảng 9.300 người. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực Dự án gặp nhiều khó khăn, do đó Liên ngành Thành phố và công ty đã đề xuất và được thành phố chấp thuận cho công ty được phân kỳ đầu tư và phê duyệt cơ chế chính sách làm căn cứ lập phương án bồi thường hỗ trợ tạm cư và tái định cư 2 khối nhà chung cư A1, A2 và phần diện tích xung quanh 2 khối nhà này.

Cũng gặp phải vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Phạm Hùng, Chủ tịch Cty CP Xây dựng Sông Hồng cho rằng: “Cơ chế trong giải phóng mặt bằng phải mang tính chế tài chứ không thuyết phục. Chúng tôi làm dự án B2 Giảng Võ phải đền gấp 2,5 lần dân mới chịu. Với mỗi hộ dân đều đòi như vậy chủ đầu tư sẽ không có lãi. Tại dự án Kim Liên, chủ đầu tư phải bỏ tiền túi ra mua nhà của 2 hộ dân quyết không chịu di dời. Không giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng sẽ không cải tạo được chung cư cũ.

Theo ông Hùng, cơ quan chức năng phải có quy hoạch chi tiết từng dự án như: một số vùng được điều chỉnh tăng tầng cao, một số nơi không được tăng tầng cao. 

“Công ty chôn hơn 100 tỷ vào dự án cải tạo 187 Giảng Võ nhưng 5 năm nay chúng tôi vẫn chưa biết được xây bao nhiêu tầng. Cơ quan chức năng nên chia sẻ với doanh nghiệp”, ông Hùng nói.

Còn ông Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc Cty UDIC cho hay, để thực hiện tốt việc xã hội hoá thu hút vốn đầu tư cải tạo chung cư cũ, nhà nước cần hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi (giống gói 30.000 tỷ đồng). Đồng thời cần có bộ máy chuyên trách quản lý việc cải tạo chung cũ cũ. Bộ phận này có trách nhiệm tuyên truyền cho người dân hiểu về sự cần thiết phải cải tạo chung cư và các khó khăn nhà đầu tư.

Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết : “Đáng ra hội thảo hôm nay nên mời thêm người dân đang sống trong chung cu cũ đến xem họ nói gì. Doanh nghiệp nói quá nhiều nhưng phải xem doanh nghiệp làm đã đúng chưa, đã được dân tin tưởng chưa?... Doanh nghiệp nào cũng muốn có lãi và người dân đều muốn hưởng lợi. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước sẽ cân nhắc để hài hoà lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân”.

Theo Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 1.155 nhà chung cư cao từ 4 -6 tầng và 10 khu nhà thấp tầng (1-3 tầng). Ngoài ra, còn có các khu tập thể đơn lẻ chưa bàn giao cho thành phố. Các nhà chung cư cũ đã phần xây dựng từ những năm 1980 trở về trước và đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện sống theo tiêu chuẩn hiện hành. Trong quá trình sử dụng, các hộ đã tự cơi nới nên dân số và diện tích các khu chung cư đã tăng hơn 1,5 lần so với thiết kế ban đầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN