Chống rửa tiền: Không thể "né" khai báo cá nhân

Trong lúc các nhà băng ngoại than phiền chuyện nhiễu nhương khi buộc khách hàng phải kê khai thông tin cá nhân, thì lãnh đạo các ngân hàng nội lại nhìn nhận, quy định này là hợp lý.

Theo thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước về quy định về phòng chống rửa tiền, các giao dịch qua ngân hàng có giá trị lớn thì các cá nhân, tổ chức sẽ phải để lại thông tin cá nhân.

Với các cá nhân, thông tin cần báo cáo gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư hoặc số hộ chiếu, quốc tịch, địa chỉ cư trú. Nếu là doanh nghiệp, khách hàng cần để lại thông tin về tên tổ chức, địa chỉ, quốc gia, mã số thuế (hoặc giấy phép hoạt động, giấy đăng ký kinh doanh).

Chống rửa tiền: Không thể "né" khai báo cá nhân - 1

Dù phiền hà nhưng buộc kê khai thông tin chi tiết trong các giao dịch lớn là hợp lý

Ngoài ra, với những giao dịch mua bán kim loại quý, đá quý (trừ vàng) và công cụ chuyển nhượng có giá trị 300 triệu đồng phải khai báo hải quan. 

Trong đó, kim loại quý (trừ vàng) bao gồm bạc, bạch kim; đồ mỹ nghệ, đồ trang sức bằng bạc, bạch kim; các loại hợp kim có bạc, bạch kim; đá quý gồm kim cương, ruby, saphia...

Đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng, mức giá trị phải khai báo hải quan được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong đó, giao dịch "có giá trị lớn" theo Quyết định 20 của Thủ tướng là từ 300 triệu đồng.

Sau 4 tháng có hiệu lực, đã có không ít ngân hàng “kêu ca” về sự phiền hà khi đưa điều kiện này áp dụng trong thực tế.

Ông Sumit Dutta – Tổng giám đốc Ngân  hàng HSBC tại Việt Nam phản ánh, việc yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân như trình chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại cá nhân ... gặp rất nhiều phản hồi không tích cực từ phía khách hàng. Nhiều trường hợp khách hàng đã thẳng thừng từ chối cung cấp thông tin. Chính vì thế, các ngân hàng ngoại và thậm chí là ngay bản thân Ngân hàng HSBC cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai quy định này trong thực tế.

“Chúng tôi muốn được tự xác định các đối tượng thuộc phạm vi phải cập nhật thông tin định kỳ 6 tháng một lần”- ông Sumit Dutta đề xuất.

Trong lúc các nhà băng ngoại than phiền chuyện nhiễu nhương khi buộc khách hàng phải kê khai thông tin cá nhân, thì lãnh đạo các ngân hàng nội lại nhìn nhận, quy định này là hợp lý.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn tại Hà Nội chia sẻ với Infonet, đúng là thời gian đầu khi quy định này có hiệu lực cũng có không ít khách hàng ngạc nhiên khi nhân viên yêu cầu họ kê khai thông tin cá nhân chi tiết. Vậy nhưng, đó chỉ là những bỡ ngỡ ban đầu. Tới nay thì khách hàng đã dần quen với quy định và họ đều “vui vẻ chấp nhận”.

Vị này cũng cho rằng, bắt buộc khách giao dịch phải kê khai thông tin được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu, tiên quyết đầu tiên để các ngân hàng “chặn” hành vi rửa tiền thông qua những giao dịch lớn.

“Tôi cho rằng trong thực tế triển khai việc này không hề khó, có điều các ngân hàng đã tuyên truyền tốt tới khách hàng để họ hiểu rằng đây không phải là chuyện soi mói đời tư cá nhân và là quy định để chống rửa tiền, và đã được lượng hóa bằng luật”- ông nói.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực- chuyên gia tài chính ngân hàng, không chỉ khi giao dịch lớn nhà băng mới yêu cầu khách hàng kê khai thông tin chi tiết, mà ngay cả với những dịch vụ thông thường, như mở tài khoản... cũng đã được hệ thống ngân hàng áp dụng từ lâu.

Ông cũng cho hay, thực tế quy định các cá nhân, tổ chức phải để lại thông tin cá nhân khi mua bán vàng có giá trị giao dịch lớn đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ năm 2009. Trước đây  mức khung quy định “mềm” dao động cho những giao dịch trị giá từ 200-500 triệu đồng mới phải khai báo, thì nay bị buộc “cứng” ở mức 300 triệu đồng.

“Với quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin, bản thân các ngân hàng đều biết cách làm sao để bảo vệ tối ưu nhất thông tin khách hàng của mình”- TS. Lực nói.

Trích Điều 5 Thông tư 35 của NHNN:

Nội dung báo cáo giao dịch có giá trị lớn:

a) Thông tin về khách hàng:

- Đối với khách hàng là cá nhân: họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, quốc tịch (khách hàng có nhiều quốc tịch thì phải ghi đầy đủ các quốc tịch và các địa chỉ đăng ký cư trú tại các quốc gia mang quốc tịch), địa chỉ cư trú tại Việt Nam;

- Đối với khách hàng là tổ chức: tên tổ chức, địa chỉ, quốc gia, mã số thuế; trường hợp tổ chức không có mã số thuế thì bắt buộc phải có số giấy phép hoạt động hoặc quyết định thành lập hoặc giấy đăng ký kinh doanh.

b) Thông tin về giao dịch:

- Đối với giao dịch có giá trị lớn bằng tiền mặt (đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ): ngày thực hiện giao dịch, số tài khoản (nếu có), loại giao dịch, mã số giao dịch (số tham chiếu duy nhất cho mỗi giao dịch), số tiền giao dịch, loại tiền giao dịch, số tiền được quy đổi sang đồng Việt Nam (theo tỷ giá loại giao dịch tương ứng tại thời điểm phát sinh giao dịch), lý do, mục đích giao dịch, tên, địa điểm nơi phát sinh giao dịch;

- Đối với giao dịch mua, bán vàng có giá trị lớn: ngày thực hiện giao dịch, loại giao dịch, mã số giao dịch (số tham chiếu duy nhất cho mỗi giao dịch), khối lượng (đơn vị: kilogram; liệt kê theo từng loại hàng hóa), giá trị từng giao dịch, tổng giá trị giao dịch trong ngày quy đổi sang đồng Việt Nam, lý do, mục đích giao dịch, tên, địa điểm nơi phát sinh giao dịch;

c) Thông tin khác được quy định cụ thể trong các mẫu biểu ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Đối tượng báo cáo phải rà soát, sàng lọc các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn để kịp thời phát hiện giao dịch đáng ngờ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN