Chồng đại gia Diệu Hiền xin vay ưu đãi mua 3 trực thăng, trăm tàu cũ
Công ty Trí Việt của ông Trần Văn Trí, chồng đại gia Diệu Hiền xin vay ưu đãi ngư dân để nhập tàu cá cũ, nhập 3 máy bay trực thăng...
Trong Tờ trình gửi tới các bộ, ngành, Công ty Trí Việt cho rằng, việc nhập và đóng mới tàu vỏ thép là thực hiện chủ trương lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ về việc đóng mới và cải tạo nâng cấp tàu đánh cá vỏ thép nhằm giúp ngư dân có phương tiện an toàn đánh bắt khai thác thủy hải sản xa bờ trên vùng biển của Việt Nam, nhằm tằng bước nâng cao đời sống cho ngư dân và tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển, công ty Trí Việt đề nghị cho công ty này vay nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Các đại gia Việt ồ ạt xin vay ngàn tỷ để mua tàu... cũ
Theo đó, Công ty Trí Việt đề nghị cho công ty này vay nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ để công ty này nhập và đóng mới 220 tàu vỏ thép đã qua sử dụng dưới 15 năm, công suất máy chính trên 400 CV và 500 CV của một số nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Canada... nhằm phục vụ cho ngư dân đánh bắt xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, thu gom thủy sản tạm trữ và cứu nạn cứu hộ trên vùng biển Việt Nam.
Dự kiến trong năm 2014 công ty Trí Việt sẽ đầu tư nhập và đóng mới 72 tàu. Trong đó nhập 50 tàu vỏ thép đã qua sử dụng, đóng mới 20 tàu vỏ thép công suất máy chính trên 400 CV, đóng mới 2 tàu vỏ thép công suất máy chính trên 500 CV...
Công ty cũng đề nghị hỗ trợ cho công ty vay vốn, xây dựng 2 cầu cảng loại I và khu neo đậu tránh bão tại huyện đảo Phú Quốc - Kiên Giang và cảng Trần Đề tỉnh Sóc Trăng.
Cũng tại Tờ trình, phía Trí Việt cho biết đã làm việc với Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và đã nhận được sự đồng ý, hỗ trợ của VDB đối với công ty để vay vốn phục vụ đánh bắt xa bờ theo chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67.
Trước Công ty Trí Việt xin vay ưu đãi ngàn tỷ để nhập tàu cũ, dư luận cũng chưa hết xôn xao quanh việc mới đây cũng một đại gia khác, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải đang xin cơ chế hỗ trợ, ưu đãi thực hiện thí điểm trong việc đầu tư đội tàu 100 chiếc có công suất lớn từ 500 đến 1.500 mã lực chuyên dụng để đánh bắt, khai thác thủy-hải sản xa bờ. Tổng giá trị đầu tư khoảng 1500 tỷ đồng, trong đó, Công ty Đức Khải xin vay 90% (1.350 tỷ đồng) với lãi suất ưu đãi 1%/năm, còn lại là vốn tự có, khoảng 150 tỷ đồng.
Ngoài ra Công ty Đức Khải cũng xin được ưu đãi thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp 0%.
Song, tuổi đời của những con tàu mà các đại gia Việt dự định "nhập" về hầu hết đều là tàu cũ, tuổi đời trên 10 năm, các nước như Nhật, Hàn Quốc đều "thải hồi" do đánh bắt không còn hiệu quả.
Câu hỏi đặt ra, vì sao các đại gia Việt "ồ ạt" xin được vay ngàn tỷ với nhiều ưu đãi "khủng" để nhập tàu cũ, nát về sản xuất? Liệu những con tàu, trực thăng này khi được nhập về có được sử dụng vào đúng mục đích phục vụ ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ, hay vì mục đích khác?
Trong buổi làm việc với các Bộ, ngành liên quan về tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thuỷ sản, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý, chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển của Chính phủ phải đúng đối tượng thụ hưởng, không cho vay tràn lan chỉ hỗ trợ người có nghề cá hoạt động hiệu quả, có khả năng tài chính và phương án sản xuất cụ thể; ngoài ra, đối tượng này phải được chính quyền địa phương xác nhận, giới thiệu. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành rà soát chặt chẽ không để chính sách ưu đãi của Nhà nước bị "cò" lợi dụng.