Choáng với 'rừng phí' dịch vụ ngân hàng

Mở thẻ ATM ngân hàng (NH), khách hàng (KH) đã phải đồng ý “chi” khoảng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của NH. Gần đây, hàng loạt phí dịch vụ này tăng khiến nhiều người lo lắng, bức xúc.

Tăng phí kiểu tận thu

Vừa mới áp dụng biểu phí dịch vụ mới về SMS Banking từ đầu tháng, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo sẽ tiếp tục tăng phí dịch vụ đối với KH sử dụng dịch vụ Mobile Bankplus bắt đầu trong tháng 4 tới đây. Theo biểu phí dịch vụ mới, Vietcombank tăng phí SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng (đã gồm thuế VAT). Chủ tài khoản Vietcombank chuyển tiền trong cùng hệ thống NH qua ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking, trước đây được miễn phí thì nay sẽ tốn 2.200 đồng/giao dịch cho khoản tiền dưới 50 triệu đồng và 5.500 đồng/giao dịch nếu chuyển từ 50 triệu đồng trở lên. Trường hợp KH chuyển khoản cho người hưởng tại NH khác dưới 10 triệu đồng sẽ có mức phí 7.000 đồng/giao dịch, từ 10 triệu đồng trở lên có phí 0,02% số tiền chuyển (tối thiểu 10.000 đồng/giao dịch và tối đa 1 triệu đồng/giao dịch).

Một số nhà băng cũng âm thầm điều chỉnh theo hướng tăng phí dịch vụ. NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) áp dụng phí chuyển khoản nhanh qua tài khoản hoặc thẻ khác hệ thống, khác tỉnh, thành phố là 0,05% số tiền; NH TMCP Đông Á áp dụng phí chuyển khoản qua Internet Banking khác hệ thống, khác tỉnh là 22.000 đồng/giao dịch hay NH TMCP Quốc tế (VIB) nếu trước đây miễn phí khá nhiều giao dịch, nay cũng bắt đầu thu phí…

Choáng với 'rừng phí' dịch vụ ngân hàng - 1

Với người có điều kiện, việc trừ một vài chục ngàn đồng trong tài khoản có thể là việc nhỏ, nhưng với công nhân thì đó là cả vấn đề. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tìm được việc làm ở một công ty may tại Q.7, TPHCM, chị Nguyễn Thị Mai phải ra NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mở tài khoản để công ty trả lương, thưởng. “Để mở thẻ ATM, tôi phải nộp 110.000 đồng đối với phí phát hành thẻ lần đầu, cộng thêm số dư tối thiểu cần có trong thẻ là 50.000 đồng. Ngoài số dư cố định tối thiểu phải có, tôi còn phải chịu thêm phí quản lý tài khoản thường niên 66.000 đồng/năm. Cộng gộp tất cả loại phí này thì mỗi năm, tôi sẽ mất 316.000 đồng. Đó là chưa kể dịch vụ báo thay đổi số dư tài khoản 9.900 đồng/tháng, phí quản lý tài khoản 10.980 đồng/tháng… Lương chưa nhận được đồng nào nhưng mình đã phải bỏ ra gần 200.000 đồng để mở và duy trì thẻ NH. Chưa hết, phí rút tiền tại cây ATM NH khác 3.300 đồng/lần, khi chuyển tiền cùng hệ thống qua cây ATM, phí chuyển 11.000 đồng/lần. Nếu chẳng may làm mất thẻ hay thẻ bị hư lại phải chi thêm 110.000 đồng để cấp mới thẻ, phí cấp lại PIN là 33.000 đồng/lần…” - chị Mai kể.

Bà Trần Thúy Trinh - kế toán trưởng Cty xuất khẩu nông sản Hữu Nghị (Q.3) bức xúc: “Đau nhất là phí chuyển tiền. Nhiều khi cần tiền gấp để mua hàng, bạn hàng vừa chuyển tiền vào mà mình rút ngay thì phải chịu phí rất cao, có nơi quy định 0,028%. Do đó, mỗi lần rút 1-2 tỷ đồng, chúng tôi phải tốn phí 300.000-500.000 đồng”.

Ông Lý Thành Sinh - Giám đốc Cty CP May thêu Minh Long Hưng (Q.9) than thở: “KH của chúng tôi ở khắp các tỉnh, thành, chủ yếu ở vùng nông thôn. Thế nên không thể nào chỉ sử dụng một tài khoản mà phải có nhiều tài khoản ở nhiều địa phương để thuận tiện cho KH chuyển tiền khi đặt mua hàng. Thêm nữa, những khoản vay thế chấp, vay tín chấp từ NH mỗi tháng cũng cả một mớ tiền phí… Thu phí quá cao kể cả nội mạng như vậy chẳng khác nào tận thu”.

Theo ông Sinh, phí NH tăng khiến giá thành sản phẩm “đội giá”. Bức xúc nhưng chủ doanh nghiệp cũng đành bất lực vì hàng hóa bán chủ yếu ở chợ truyền thống, vùng sâu vùng xa nên vẫn phải “cắn răng” chịu phí vì không còn cách nào khác.

Choáng với 'rừng phí' dịch vụ ngân hàng - 2

Liệu tăng phí, chất lượng dịch vụ có nâng lên?. Ảnh: U.P.

Hạn chế dùng tiền mặt, không nên tăng phí ATM

Trước những phản ứng của KH, đại diện NH Vietcombank cho rằng, chính sách điều chỉnh phí dịch vụ được NH này áp dụng cùng với việc cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới, chất lượng cao và tiện ích hơn. Các loại phí được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, phù hợp với nhu cầu giao dịch của KH. Đồng thời, Vietcombank đã gia tăng tiện ích để KH chủ động quản lý việc sử dụng thẻ và các dịch vụ khác ngay trên các kênh điện tử mà không phải đến quầy.

Lý giải việc tăng phí các dịch vụ NH thời gian gần đây, các chuyên gia tài chính cho rằng đều này là khó tránh khỏi. Bởi bản chất của việc cung ứng dịch vụ luôn tốn chi phí, cho nên kiểu gì NH cũng phải thu phí thông qua cách này hoặc cách khác theo xu hướng tăng. “Yêu cầu của người dân về tiện ích dịch vụ NH ngày càng cao. Theo đó việc đầu tư bảo mật của NH cũng ngày càng lớn. Do đó, chúng tôi tăng phí cũng là muốn san sẻ gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu của mình” – lãnh đạo một NH thương mại tại TPHCM nói.

Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi việc NH tăng phí dịch vụ, liệu có mâu thuẫn với chủ trương khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 đẩy mạnh thanh toán đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội qua NH, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

TS Doãn Hữu Tuệ, chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ, chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, trong đó mục tiêu đến cuối năm 2020, 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Tuy nhiên, thay vì khuyến khích người dùng sử dụng thẻ ATM thì các NH lại tăng phí, khiến người tiêu dùng e dè khi dùng thẻ.

“Thẻ ATM mở ra ngày càng nhiều nhưng người dân chủ yếu rút tiền là chính, còn dùng thẻ để thanh toán chỉ chiếm 15%. Nay, các NH lại tiếp tục tăng phí dịch vụ thì sẽ có thêm không ít người quay lưng với việc dùng thẻ. Với người có điều kiện, việc trừ vài chục ngàn đồng trong tài khoản có thể không là gì, nhưng với người công nhân, lao động thì đó là cả vấn đề. Nếu coi ATM là công cụ chính của Chính phủ nhằm hạn chế việc dùng tiền mặt, tạo thuận lợi trong quản lý, minh bạch dòng tiền, trong giai đoạn này các NH không nên tăng phí ATM” - ông Tuệ phân tích.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh TPHCM: Tăng phí quá cao sẽ mất khách

Tăng phí là quyền tự chủ của NH, nhưng trong yêu cầu cạnh tranh, nếu tăng quá cao thì NH sẽ mất khách. NHNN không can thiệp vào nhưng có quy định khung phí chung. Khung này được quy định theo loại hình sản phẩm, ví dụ như về thẻ ATM, phí mở thẻ ban đầu, phí duy trì thẻ… Tùy từng NH sẽ căn cứ vào loại hình kinh doanh của mình để đưa ra biểu phí phù hợp và mang tính cạnh tranh rất cao. Nếu không thì khách hàng sẽ lựa chọn những NH có biểu phí thấp để hạ giá thành sản phẩm. Trong trường hợp nếu NH tăng phí kiểu “tận thu”, vượt quá khung thì NHNN sẽ tiến hành thanh tra, xử lý theo quy định.

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia Tài chính- ngân hàng: Nhiều khoản phí bất hợp lý

NH Việt Nam đang thu phí quá cao. Ở Mỹ, Mobile Banking và Internet Banking không tính phí. Trong khi tại Việt Nam, NH đang thu cả phí truy cập thông tin trên tài sản, thậm chí chuyển tiền trong nội bộ một NH cũng mất phí. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế. NH có nhiều cách để bù đắp các khoản phí dịch vụ cho KH. Chẳng hạn hiện nay tiền gửi không kỳ hạn KH tại các NH có lãi suất dao động trong khoảng 0,2%-0,5%/năm. Với số tiền gửi không kỳ hạn này, NH đem cho vay với lãi suất thấp nhất cũng được 4,1%/năm (kỳ hạn một tháng). Với nguồn thu ổn định này, NH dư sức bù đắp cho các khoản miễn phí từ phí dịch vụ với KH. Ngoài ra, nếu NH tiết kiệm các chi phí hoạt động thì mức phí áp dụng cho KH sử dụng dịch vụ sẽ thấp, thậm chí không cần tăng mà ngược lại còn giảm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN