Chợ vùng biên và sự sôi động của tín dụng đen

Chợ đổi tiền Móng Cái được hình thành từ cách đây hàng chục năm, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn tiềm ẩn nguy cơ của hoạt động theo kiểu “tín dụng ngầm”, ẩn dưới hoạt động trao đổi tiền tệ diễn ra hàng ngày. Để tìm hiểu về hoạt động của nó, chúng tôi đã tiếp cận được với một trong những người được xem là “có số” trong giới “tín dụng ngầm” ở vùng biên…

Hoạt động trong thế giới ngầm

Mở cửa từ sớm nhưng đến tầm 9h sáng thì các chợ vùng biên mới thực sự  tấp nập người buôn kẻ bán. Các cửa hàng ở khu vực chợ Trung tâm thành phố, chợ Móng Cái 2, 3, chợ Vinh Cơ, chợ Tô- ghi, bắt đầu một ngày làm việc bận rộn. “Chợ tiền” cũng theo đó mà nhộn nhịp.

Thông thường các chợ đầu mối thuộc khu vực thành phố, chỉ mở cửa từ 7h sáng tới 13h chiều, phần lớn chủ hàng là người Trung Quốc hàng, ngày qua lại cửa khẩu Bắc Luân sang Móng Cái mở hàng buôn bán. Giúp việc cho các chủ hàng thường là công nhân người Việt. Họ vừa làm nhiệm vụ đóng hàng, vừa kiêm “thông dịch viên”. Hoạt động buôn bán sôi nổi kéo theo nhu cầu, sự phát triển của hoạt động đổi tiền. 

Có người “buôn tiền” sống với nhau bằng lòng tin, uy tín, cũng như sức mạnh mà đám “tay chân” ngoài xã hội mang lại. Người vay càng nắm trong tay nhiều tài sản sẽ càng có uy tín để vay các khoản tiền lớn. Điều này cũng lý giải vì sao giới làm ăn Móng Cái thường dùng nhà, tiền, xe sang, những chuyến du lịch nước ngoài, tài sản nhà đất ở Thủ đô, Sài Gòn làm “bóng sáng” để có thể “làm tiền” nhiều nhất trong giao dịch.

Để thâm nhập được vào đường dây “tín dụng ngầm” với lượng vốn lưu động lên tới cả chục tỉ đồng này lại không hề đơn giản. Bởi họ luôn phòng thủ cẩn thận, vì sợ “zích” của công an, các lực lượng chức năng “thăm hỏi”, cũng như việc “soi” nhau trong cạnh tranh của các bạn nghề.

Nhờ sự giới thiệu của bạn bè, tôi quen biết với T., một phụ nữ 8x đời đầu với khuôn mặt được “gọt giũa” cẩn thận,  là đàn chị “làm tín dụng” có tiếng trong giới dân chơi Móng Cái, với những túi xách hàng hiệu cả trăm triệu đồng, một ông chồng đại gia chuyên “làm biên”, công ty lớn nhỏ, điền sản trải từ Móng Cái sang tới Đông Hưng (Trung Quốc)... T. chia sẻ: Hầu hết những “chủ hàng” ở đây luôn có một lượng vốn lưu động nhất định, ít là vài chục vạn, nhiều là vài trăm vạn nhân dân tệ tương đương vài trăm đến vài tỉ đồng, có người lên tới vài chục tỉ. Tổng lượng vốn lưu động  trong khu vực chợ vào lúc cao điểm có thể lên tới cả trăm tỉ đồng.

“Ở đây, chúng tôi làm ăn dựa vào uy tín, mọi việc giao dịch chủ yếu qua điện thoại, có những cuộc giao dịch lên tới vài tỉ đồng thì cũng chỉ một cuộc điện thoại và tờ giấy vay nợ là xong. Đất Móng Cái này rất bé, người “làm tiền” ở đây đều là dân buôn bán làm ăn, nên nếu ở chợ tiền chúng tôi chỉ trông vào vài đồng lãi “qua cầu” chênh lệch thì sống sao được. Có người chỉ sống dựa vào tiền lãi 3-5 ngàn/triệu/ngày. Các khoản vay lớn chủ yếu là vay nóng, lãi suất thường là 3.000 đồng/triệu/ngày”.

Chợ vùng biên và sự sôi động của tín dụng đen - 1

Chợ đổi tiền Móng Cái ngày 17/8 vẫn tấp nập người.

Theo T., vay tín dụng đen là hoạt động thường xuyên diễn ra, các đối tượng vay vốn chủ yếu là chủ hàng, dân làm ăn nên “uy tín, lòng tin” chính là đặt cọc giá trị nhất cho mọi khoản vay. Thế nhưng khi được hỏi về rủi ro mà nghề “cho vay” mang đến, T. lại tỏ ra ái ngại: “Chỉ mới đây 2 tháng, tôi cũng bị chính bạn thân cho một vố điếng người. Vì vợ chồng nó làm ăn lớn lâu năm nên khi cần gấp 1,7 tỉ đồng để thanh toán hàng bên kia về, tôi có nhận lời vay hộ. Vì chỗ làm ăn lâu năm nên giấy tờ chỉ vỏn vẹn tờ giấy nhận nợ, ai ngờ hàng về, nhưng lại không trôi do đầu ra bị tắc nên sập hết. Giờ vợ chồng nó cũng mất tăm, tôi cũng chả biết tìm đâu mà đòi, đành ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Nguy cơ tiềm ẩn bùng phát tội phạm hình sự

Trên thực tế, thế giới “tín dụng đen” hoạt động kiểu cho vay nặng lãi ở đâu cũng phức tạp. Tuy nhiên, ở vùng biên nó lại có những đặc thù khác. Chợ tiền tạo ra hiệu quả kinh tế, tạo thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán và nhanh chóng hơn nhiều so với thủ tục rườm rà ở ngân hàng. Chợ tiền Móng Cái cũng góp phần làm phong phú hoạt động giao thương nơi cửa khẩu. Tuy nhiên, để chợ tiền hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của chủ buôn tiền, giảm thiểu tối đa sự thất thoát thuế cho Nhà nước, giảm sự bùng phát tội phạm hình sự thì lại là vấn đề không hề đơn giản.

Theo quy định tại Điều 476, Bộ luật Dân sự năm 2005 thì lãi suất trong các quan hệ vay nợ không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Nếu bên cho vay vi phạm quy định này thì tùy tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Song thực tế, việc phát hiện và xử lý hành vi cho vay nặng lãi là rất khó khăn, vì những người cho vay nặng lãi thường sử dụng các thủ đoạn rất tinh vi để đối phó, che giấu hành vi trái pháp luật của mình như: Không thể hiện lãi suất trên văn bản, hợp đồng cho vay, chỉ ghi chung chung là “lãi suất theo thỏa thuận”, hoặc trừ trước tiền lãi vào tiền vay gốc, hoặc việc vay nợ được thể hiện bằng các hình thức mua bán, chuyển nhượng tài sản (như nhà đất, ô tô hoặc các tài sản có giá trị khác,v.v...). Các thủ đoạn này chỉ có thể bị phát hiện và chứng minh bằng các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan chức năng.    

Làm sao để người dân không phải tìm đến tín dụng đen?

Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Hồng Bách, văn phòng luật sư Bross and Partners cho biết: Hoạt động “tín dụng đen” đang diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp, gây ra rất nhiều hậu quả tiêu cực đối với đời sống của người dân, cũng như tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Với các điểm đặc thù về kinh tế, xã hội của các vùng biên giới và cửa khẩu, thì hoạt động “tín dụng đen” thường có tính chất phức tạp cao hơn các địa bàn khác. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có nỗ lực hơn, có những giải pháp quyết liệt và triệt để hơn mới có thể phòng chống có hiệu quả hoạt động “tín dụng đen” tại khu vực này.

Theo chia sẻ của một cán bộ điều tra hình sự Công an Móng Cái: Móng Cái với đặc thù là thành phố biên giới, với thành phần dân cư đa dạng, hoạt động giao thương buôn bán lớn, dẫn đến nhu cầu trao đổi ngoại tệ của dân cư biên giới gia tăng. Việc các đối tượng lợi dụng chợ đổi tiền để cho vay lãi, tín dụng đen đa phần là thoả thuận cá nhân với cá nhân, không có giấy tờ chứng cứ chứng minh nào về giao dịch đó, nên việc kiểm soát là rất khó. Bên cạnh đó, việc gia tăng tội phạm từ hoạt động này cũng là điều đáng báo động. Đã từng xảy ra việc cướp giật trên địa bàn thành phố cách đây một thời gian. Các đối tượng lợi dụng sự sơ hở khi người vừa đi giao dịch từ ngân hàng ra, hoặc vừa đi từ chợ đổi tiền ra để cướp giật, gây nguy hiểm, hoang mang cho người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hiên (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN