Cho vay mua hàng trả góp: Lãi suất “cắt cổ”!
Thị trường mua sắm hàng tiêu dùng đang có nhiều diễn biến đa dạng và phức tạp, mang tính chất cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Đối với đa số các ngân hàng (NH) thương mại, doanh nghiệp là đối tượng khách hàng ưu tiên bởi số lượng vay lớn, nhưng khi có quá nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh lao đao như hiện nay thì người tiêu dùng lại trở thành khách hàng mục tiêu của các NH. Những bất hợp lý trong thị trường mua sắm hàng tiêu dùng trả góp là một ví dụ.
Anh N.T.V mua một mô-tô của hãng Honda trả góp giá gần 34,5 triệu đồng vào tháng 7-2011 và phải trả trước 20% giá hóa đơn là 7,1 triệu đồng. Số nợ còn lại 27,4 triệu đồng được trả góp qua tổ chức tín dụng cho vay là NHTMCP Phát triển Mê Kông với mức lãi suất phẳng 44,2%/năm trong suốt 3 năm (lãi phẳng không giảm theo số dư nợ). Mỗi tháng anh phải trả trên 1,5 triệu đồng, tính ra toàn bộ số tiền phải trả cho chiếc xe lên đến trên 62 triệu đồng.
Đến nay, anh đề nghị NH giảm lãi suất vì lãi suất cho vay mới theo quy định của NHNN đã giảm xuống trung bình là 18%/năm, thì được trả lời hợp đồng đã ký 3 năm, không có quy định điều chỉnh lãi.
Salon ô-tô C. thì tung ra chiến lược “mua xe trả ngay không đồng”. Nhiều khách hàng tưởng thật ghé vào, hóa ra là chỉ trả không đồng cho phí bảo trì 2 năm. Còn tiền mua xe thì vẫn phải trả đủ hoặc trả góp 70% tổng giá trị xe và thế chấp tài sản qua NH với lãi suất gần 14%/năm. Mặc dù thời hạn áp dụng chương trình khuyến mãi đã hết nhưng pa-nô quảng cáo vẫn treo trước cửa để dụ khách.
Trong thời điểm hiện tại, nếu khách hàng mua xe máy trả góp hay mua hàng tiêu dùng như đồ điện tử, điện lạnh trả góp thông qua các tổ chức tín dụng khác cũng phải chịu mức lãi suất cao ngất ngưỡng, gần 30%/năm. Lý do các tổ chức tín dụng đưa ra cho việc áp dụng lãi suất cao vì đây là hình thức vay tín chấp. Thủ tục được đưa ra khá đơn giản, nhưng đối tượng được các tổ chức tín dụng chấp nhận thường rất an toàn, là cán bộ, công chức hay người có thu nhập ổn định.
Cửa hàng bán xe trả góp tại Đà Nẵng ngày càng nhiều.
Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Đà Nẵng cho biết, lãi suất cho vay mua hàng tiêu dùng trả góp thường là thỏa thuận theo nhu cầu hai bên. Đối với các NHTM Nhà nước, thông thường tiền lãi giảm dần theo số dư nợ, còn đối với NHTM tư nhân thì người vay phải chịu lãi phẳng. Đây là sự bất hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ông Minh cho biết, NHNN sẽ có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng cho vay mua hàng trả góp giảm lãi suất xuống còn 15%/năm.
Tuy nhiên, người tiêu dùng trông chờ các giải pháp điều tiết thị trường tài chính tiền tệ lành mạnh từ Nhà nước, không chỉ với đối tượng vay mới mà còn đối với các hợp đồng dài hạn cũ.
Khi có kẽ hở trong hành lang pháp lý thì các tổ chức tín dụng sẵn sàng lợi dụng “chặt chém” người tiêu dùng, không thể hiện thiện chí khôi phục nền kinh tế, kích thích tiêu dùng. Mong rằng NHNN sớm can thiệp và có biện pháp kịp thời chấn chỉnh các tổ chức tín dụng cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường của nền kinh tế vốn đã và đang có quá nhiều khó khăn, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.