Cho người nước ngoài mua nhà: Bộ XD quá dễ dãi?
"Khi ra chính sách về vấn đề cho phép người nước ngoài mua bán nhà cần lưu ý đến 2 yếu tố quan trọng là an ninh quốc gia và bản sắc văn hóa dân tộc", Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lưu ý trước đề xuất “nới” điều kiện cho người nước ngoài mua bất động sản (BĐS) của Bộ Xây dựng.
Người nước ngoài được cấp visa từ 3 tháng trở lên được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam, cho phép được sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng, sở hữu nhà không quá 70 năm và không được gia hạn thêm… là nhiều đề xuất mới của Bộ Xây dựng nhằm “nới” điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.
Lo ngại liệu những chính sách “mở” có quá dễ dãi, trao đổi với PV Infonet, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ quan điểm: chúng ta xây dựng nhà là để bán nên cần có nhiều nguồn tiêu thụ, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang tồn kho lớn như hiện nay.
Ông Liêm cho rằng, các nước khu vực cũng đang có nhiều chính sách rất mở trong vấn đề bán nhà cho người nước ngoài nên chúng ta không nên quá chặt chẽ vấn đề này. Khi áp dụng vào thực tế nếu thấy vấn đề nào không tốt thì sửa dần, chứ không nên quá khắt khe, quá chặt chẽ.
Theo ông Liêm nên có quy định giới hạn người nước ngoài chỉ được mua không quá 49% số căn hộ tại một dự án.
“Theo tôi, khi Nhà nước ban hành chính sách về vấn đề cho phép người nước ngoài mua bán nhà cần lưu ý đến 2 yếu tố quan trọng là an ninh quốc gia và bản sắc văn hóa dân tộc. Chính sách dù mở cũng vẫn phải có quy định hạn chế, cụ thể cần quy định rõ phạm vi bán kính ở gần những khu vực: biên giới, bờ biển, căn cứ quân sự… thì không được mua”, ông Liêm nhấn mạnh.
Vấn đề khác mà ông Liêm lưu ý, đó là không nên để những người nước ngoài mua nhà tụ họp quá đông tại một khu phố, dự án nào đó sẽ làm mất đi bản sắc dân tộc vì khi họ sinh sống sẽ hình thành khu phố riêng, mang đặc trưng văn hóa khác.
Vị Phó Tổng hội này cũng đưa ra dẫn chứng, tại Thái Lan dù mở cửa cho người nước ngoài mua nhà nhưng họ cũng có quy định giới hạn chỉ được mua không quá 49% số căn hộ tại một dự án nên theo ông nước ta cũng nên áp dụng điều này.
Tại Singapore, người nước ngoài được mua nhà thương mại không hạn chế, chỉ không được mua nhà xã hội. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang khủng hoảng, Singapore mở rộng luật về sở hữu BĐS cho người nước ngoài và cho phép người nước ngoài được mua cả biệt thự gắn liền với đất ở những khu vực được quy hoạch (biệt thự đất nền tại đảo Sentosa), nhắm đến những nhà đầu tư nước ngoài. Người nước ngoài mua nhà bị đánh thuế hàng năm tùy theo giá trị căn nhà. Nhờ đó, thị trường BĐS càng phát triển và nhà nước thu được nhiều thuế.
Hay như Malaysia, BĐS của nước này đã trải qua một thời gian tăng trưởng rất ổn định trong nhiều năm một phần nhờ nhà đầu tư nước ngoài đóng góp đặc biệt cho các dự án BĐS cao cấp. Malaysia chỉ có quy định về giá tối thiểu của căn hộ mà người nước ngoài có thể mua mà không hề có hạn chế loại hình BĐS mà người nước ngoài có thể mua. Vì thế, nước này thu hút được nhiều đối tượng mua nhà đến từ các nước cả châu Á lẫn châu Âu.
Một nước khác như Nhật Bản, bất cứ cá nhân quốc tịch nước ngoài nào đều có thể mua hợp pháp BĐS ở Nhật Bản mà không bị hạn chế gì. Nước này không có bất kỳ yêu cầu nào về tình trạng thường trú. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu rất đơn giản và không bị phụ thuộc gì cả. Điều này đã hút được nhiều nhà đầu t ư nước ngoài đến tham gia vào thị trường vì chính sách mở.
Theo một số chuyên gia về thị trường bất động sản, mặc dù việc “nới” điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam bây giờ mới được đề xuất là hơi chậm nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng vì có thể chính sách này sẽ mở thêm nguồn cầu mới cho thị trường BĐS đang đóng băng như hiện nay.
Song, theo ông Liêm, nếu đề xuất được chấp thuận thì cũng không nên đặt quá nhiều hy vọng sẽ “phá băng” được thị trường BĐS vì còn phải tùy vào lực cầu đến đâu mới biết được tác động của chính sách này. Tuy nhiên, dù không là yếu tố chính làm đòn bẩy cho thị trường thì đây cũng là điều thúc đẩy thêm cho thị trường, đặc biệt là phân khúc cao cấp đang ế ẩm hiện nay.