Chính sách tiền tệ đang bị đẩy vào 'cửa tử'

“Nếu để cho các ngân hàng và doanh nghiệp tự xử lý nợ xấu, phải mất từ 7-10 năm, thời gian rất dài đủ để giết chết nền kinh tế. Nếu Chính phủ không nhảy vào thì có thể quên đi thập kỷ này của nền kinh tế Việt Nam”.

Đó là ý kiến của Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa xung quanh vấn đề giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam tại Hội thảo “Rủi ro tín dụng & kinh nghiệm xử lý nợ xấu” mới diễn ra. Theo đó, địa dư điều hành chính tiền tệ ngày càng co hẹp khi nợ xấu đè nặng lại đang bị khống chế bởi nguy cơ lạm phát.

Trả giá tăng trưởng dựa vào đầu tư

Điểm qua bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 dẫn tới những tác động lên thị trường tiền tệ, ngân hàng, ông Lê Xuân Nghĩa chỉ ra thực tế là trong 3 khu vực của kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng bằng năm ngoái, dịch vụ có tốc độ tăng xấp xỉ, trong khi đó thì công nghiệp suy giảm rất là mạnh.

Cụ thể, đỉnh của công nhiệp là 6,61 thì bây giờ còn có 4,36. Điều này giải thích là toàn bộ ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, của chúng ta bị suy giảm rất mạnh trong năm nay.

Và kinh tế của Việt Nam tăng trưởng mạnh hay yếu phụ thuộc rất lớn vào tỷ lệ đầu tư so với GDP của Việt Nam. Tỷ lệ đầu tư của Việt Nam đã tăng lên đỉnh của năm 2007 và bắt đầu suy giảm tương đối nhanh, đặc biệt giảm rất mạnh vào năm 2011 và năm 2012. Tỷ lệ vốn đầu tư của ngân sách trong tổng đầu tư toàn xã hội cũng suy giảm, vào khoảng 25% từ những năm 2000, 2001 xuống khoảng 11% năm 2011-2012.

Chỉ số hàng tồn kho tăng mạnh từ năm 2011 và “đỉnh” của tồn kho năm 2012 là tháng 3, tháng tư bắt đầu dần suy giảm cho đến tháng 8, 9, 10. Nói là suy giảm năm 2012 nhưng hàng tồn kho vẫn bằng năm ngoái. Lớn nhất của hàng tồn kho vẫn là bất động sản, thép và khoáng sản. Bất động sản là một loại tồn kho rất khó xử lý, để xử lý có thể mất khoảng vài ba năm, thậm chí có thể dài hơn.

Chính sách tiền tệ đang bị đẩy vào 'cửa tử' - 1

"Nếu để cho các ngân hàng và doanh nghiệp tự xử lý nợ xấu, phải mất từ 7-10 năm".

Về lạm phát, các chuyên gia kinh tế đánh giá rất cao khi VN điều hành chính sách khi “giúp giảm lạm phát cũng rất nhanh giống như khi để lạm phát tăng nhanh vậy (!).

Sau khi trừ giá lương thực thực phẩm và giá xăng dầu thì thấy rằng, lạm phát lõi so với cùng kỳ vẫn ở mức khá cao, so với tháng trước (đặc biệt tháng 8, 9, 10) có xu hướng tăng lên. Điều này cho thấy dư địa về mặt chính sách để giảm lãi suất là không còn. Vì lạm phát đang có xu hướng tăng lên rất nhanh.

Điều này cho thấy việc nới lỏng tín dụng là vô cùng cần thiết để cứu doanh nghiệp và xử lý nợ xấu, tuy nhiên dư địa rất hạn chế. Nói cách khác, chính sách tiền tệ đang rơi vào tình trạng “điểm chết”. Tăng trưởng tín dụng 10 tháng chỉ đạt 2,8-3%, điều này cho thấy VN đang rơi vào tình trạng đóng băng tín dụng thực sự. Quan hệ tín dụng của các NHTM lớn với các NHTM nhỏ và toàn bộ các NHTM với doanh nghiệp suy giảm lòng tin nghiêm trọng.

Nợ xấu cản bước tín dụng

Còn nợ xấu thì theo báo cáo của các NHTM thì đến tháng 6/2012 ở mức 4,5% và thời điểm này cũng tương đương cỡ đó. Con số này thấp xa so với con số thông báo của NHNN (8,6-10%). Như vậy nợ xấu có tốc độ tăng tương đối nhanh. Đi ngược với tình trạng nợ xấu ngày càng tăng lên thì tình trạng lãi ròng trên vốn tự có bắt đầu suy giảm. Đặc biệt 2012 suy giảm rất nhanh. Điều nay cho thấy đằng sau câu chuyện lãi ròng trên vốn tự có là tình trạng của nợ xấu.

Góp phần truy nguyên nguồn gốc của nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại nói chung trên thế giới và của Việt Nam hiện nay, ông N.C.Raghava, chuyên gia quốc tế về tư vấn và đào tạo rủi ro tín dụng, cho rằng các khoản vay xấu không phải mới xuất hiện gần đây mà nó thường được thực hiện trong những thời kỳ “đẹp” của hệ thống NHTM Việt Nam.

Nghĩa là nợ xấu đã nảy mầm ngay trong thời kỳ cực thịnh của hệ thống NHTM khi tín dụng đang tăng trưởng cực nóng và khả năng thanh khoản của hệ thống có vẻ như đang dư thừa. Một trong những nguyên nhân cơ bản tạo ra nợ xấu tại các NHTM Việt Nam hiện nay được chuyên gia này chỉ ra là xuất phát từ hiện tượng “ô nhiễm tín dụng” xuất phát ngay từ các nhân viên ngân hàng khi họ đã: tạo ra sự cạnh tranh quá mức, theo đuổi những thị phần không hợp lý, hạ chuẩn tín dụng xuống thấp…

Tuy đã chỉ ra một loạt các nguyên tắc kinh điển trong quản trị nợ xấu của hệ thống NHTM nói chung nhưng trung thành với triết lý kinh điển trong quản trị nợ xấu, chuyên gia Raghava cho rằng “phòng bệnh, hơn chữa bệnh”, việc phát hiện nợ xấu phải được thực thi từ lâu và được kiểm soát một cách chặt chẽ nhất ngay trong thời kỳ các NHTM đang phát triển thịnh vượng nhất, chứ khi đã phát bệnh thì dẫu có tìm ra biện pháp khắc phục thì thiệt hại cũng là rất nặng nề.

Đi vào chi tiết hơn với tình hình nợ xấu tại Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra nhận định: “Tôi cho rằng 7-10 năm nữa mới xử lý được nợ xấu nếu để cho các ngân hàng và doanh nghiệp tự xử lý nợ xấu. Nợ xấu là con số rất lớn, nếu để họ tự xử lý sẽ cần một thời gian rất dài đủ để giết chết nền kinh tế. Nếu Chính phủ không nhảy vào thì có thể quên đi thập kỷ này của nền kinh tế VN”.

Theo chuyên gia này, có thể trong năm 2013, Việt Nam sẽ bắt tay vào xử lý nợ xấu, sẽ phát hành trái phiếu (trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc…) khi có nhiều loại trái phiếu sẽ đẩy mặt bằng lãi suất đi lên. Trong giai đoạn đầu xử lý nợ xấu này, các NHTM nhỏ sẽ gặp khó khăn ngay lập tức, sẽ gặp khủng hoảng trong thanh khoản. Các ngân hàng không còn đủ khả năng thanh toán nợ tồn đọng cho các ngân hàng lớn, lan sang các ngân hàng trung bình và lan sang các ngân hàng lớn.

Chính vì vậy, trong giai đoạn đầu xử lý nợ xấu sẽ gặp phải những rủi ro nhất định. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Thời (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN