Chính sách tiền tệ 2016: Giảm kỳ vọng găm giữ ngoại tệ

Sáng nay 24/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo tổng kết hoạt động ngành. Trong năm 2015, NHNN duy trì ổn định lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động bằng VND, kết hợp điều chỉnh giảm trần lãi suất USD, đảm bảo duy trì chênh lệch hợp lý giữa lãi suất VND và USD, tại buổi họp báo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Theo NHNN, thời gian qua, lượng tiền cung ứng tiếp tục được điều hành phù hợp theo mục tiêu hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, kiểm soát lạm phát nhưng vẫn đảm bảo hài hòa với các mục tiêu giảm suất, tăng tín dụng hợp lý, hỗ trợ các TCTD đầu tư Trái phiếu Chính phủ và xử lý nợ xấu.

Tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21/12/2015 tăng 13,55% so với cuối năm trước, phù hợp với kinh tế vĩ mô, tiền tệ và các giải pháp điều hành của NHNN. Mặt bằng lãi suất giảm nhưng huy động vốn vẫn tăng.  Đến ngày 21/12/2015, huy động vốn tăng 13,59% so với cuối năm trước, tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ 2016: Giảm kỳ vọng găm giữ ngoại tệ - 1

Ảnh minh họa

Năm 2016 - Thách thức tỷ giá, lãi suất

Ngân hàng Nhà nước thấy thách thức và khó khăn gì trong  điều hành chính sách tiền tệ năm  2016, thưa Phó Thống đốc?

Trên cơ sở tổng hợp, phân tích diễn biến dự báo của các tổ chức quốc tế năm 2016 cần có một số lưu ý trong điều hành.  Đó là thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục phải chịu thách thức và áp lực của đồng vốn cho hoạt động kinh doanh. Hệ thống mới chỉ đáp ứng được nhu cầu vốn ngắn hạn rất khó ở thời điểm này, cơ cấu giải pháp cho thị trường tài chính vẫn đang triển khai.

Bên cạnh đó, tình trạng đô la hóa đã  được quán triệt, tỷ lệ giảm xuống nhưng ta vẫn thấy thị trường thời gian qua vẫn chịu tác động lớn, nếu không  có giải pháp linh hoạt kịp thời để giải  tỏa kỳ vọng của thị trường sẽ gây khó khăn điều hành. Hiện các NHTM vẫn huy động và cho vay ngoại tệ nên việc điều hành sẽ có nhiều thách thức.

Cùng đó, đối với tình hình thị trường tài chính hiện nay, ngân hàng vẫn là hệ thống nắm giữ trái phiếu chính phủ lớn. Với yêu cầu phát hành trái phiếu chính phủ cao trong năm 2016 thì đây cũng là áp lực cho ngành ngân hàng.

Còn dư địa hạ lãi suất tiếp tục cho DN năm nay có hay không?

Năm 2016 chúng ta không thể chủ quan với lạm phát dù năm nay lạm phát thấp. NHNN có tổng hợp thông tin từ các tổ chức quốc tế cho thấy xu hướng giảm lạm phát của nhiều quốc gia không có nghĩa giảm phát. IMF cho rằng cần có ứng xử phù hợp về vấn đề này.

Chúng ta thấy lạm phát 2015 có tác động bởi yếu tố giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới giảm, nhất là giá dầu. Năm 2016 chúng ta thực hiện lộ trình điều chỉnh giá nhiều mặt hàng nhà nước quản lý… những điều chỉnh này tác động tới lạm phát nên điều hành nếu không có sự chặt chẽ, hợp lý với tài khóa thì lạm phát sẽ không thể duy trì thấp như năm 2015. Vì thế điều hành lãi suất 2016 cũng là khó khăn và thách thức.

Tuy nhiên so với các nước trong khu vực, lãi suất ở Việt Nam vẫn bị xem là cao?

Nhìn vào DN thì lãi suất chỉ là một trong những yếu tố, ngoài ra còn nhiều yếu tố khác như cạnh tranh. Theo báo cáo của NHNN thì lãi suất đã được giảm nhiều…. Đây là mức lãi suất tương đương với mức lãi suất năm 2005-2006. Có được điều này là do NHNN đã điều hành để giảm được lãi và lạm phát. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng còn miễn giảm lãi suất.

Có thể lạm phát của nước ta so với các nước cũng tương tự nhưng có sự khác biệt so với các nước là phải vừa điều hành cs tiền tệ và vừa phải điều hành các TCTD, nên khả năng giảm lãi suất xuống nữa là khó khăn

Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định giai đoạn qua là một trong những điểm sáng, nâng cao vị thế xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Định hướng điều hành tỷ giá trong năm 2016 sẽ thế nào?

Giai đoạn qua lãi suất USD điều chỉnh liên tục, từ 5,2% của 2011 giảm xuống còn 0% như hiện nay. Đây là chủ trương xuyên suốt. Thời gian thị trường ngoại tệ chịu tác động lớn của  tâm lý trong nước và quốc tế,  nên 2016  NHNN đang hoàn thiện tiến tới cách thức điều hành linh hoạt hơn, cân nhắc cả những yếu tốt trong nước vD quốc tế để giảm kỳ vọng, không có xu hướng cho việc nắm ngoại tệ, tâm lý găm giữ ngoại tệ gây ra khó khăn cho điều hành.

Chính sách tiền tệ 2016: Giảm kỳ vọng găm giữ ngoại tệ - 2

Tiếp tục quán triệt tín dụng và nợ xấu

Còn về định hướng tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn tới, thưa bà?

Trong quá khứ chúng ta để tăng tín dụng ở mức cao, có giai đoạn thường xuyên trên 30%/năm, đây là nguyên nhân đến hệ lụy nợ xấu tăng, việc cân đối vốn cho các tctd khó khăn, nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Từ năm 2011 đến nay NHNN xác định tăng hợp lý. Năm 2016, dự kiến định hướng trên cơ sở GDP, lạm phát sẽ đưa ra điều hành từ 18-20%.

NHNN tiếp tục đánh giá các định tăng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trong đó tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Những lĩnh vực bất động sản, đầu tư chứng khoán sẽ được theo dõi sát để có những điều hành nhanh nhạy kịp thời để đảm bảo tín dụng điều hành phù hợp. Phối hợp với các bộ ngành liên quan để điều hành tốt, với lãnh đạo đạo các địa phương để hướng dòng tín dụng phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế, đóng góp vào tái cơ cấu nền kinh tế.

Câu chuyện nợ xấu được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Tới đây, chúng ta sẽ giám sát cho vay tránh nợ xấu phát sinh như thế nào?

Câu chuyện xử lý nợ xấu thời gian qua cho thấy đây là một trong những trọng tâm của NHNN năm qua cũng như giai đoạn qua. Đây là điểm quan trọng trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Xử lý nợ xấu đã có đề án riêng, đã giảm từ tháng 9/12 là 17,5%  đến tháng 10 vừa qua xuống còn 2,93% và cuối tháng 11 còn 2,72%.

Chỉ tiêu đưa nợ xấu xuống dưới 3% là đạt được. Xử lý nợ xấu được thực hiện qua nhiều kênh, các văn bản chỉ đạo của NHNN cũng yêu cầu hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Các TCTD đã triển khai chặt chẽ nên nợ xấu cũ giảm, nợ xấu mới hạn chế.

Cảm ơn Phó Thống đốc!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN