Chính phủ: Quản lý chặt chẽ nợ công

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm trong giới hạn cho phép.

Ngày 3/11, Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2014. Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2014 có bước chuyển biến tích cực. Kinh tế tiếp tục đà phục hồi trên tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp; cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định.

Thu hút đầu tư nước ngoài chuyển biến tích cực. Thu ngân sách nhà nước đạt cao hơn cùng kỳ các năm trước, nhất là thu nội địa; chi theo dự toán và các nhu cầu phát sinh được bảo đảm. Nợ công trong giới hạn cho phép.

Chính phủ: Quản lý chặt chẽ nợ công - 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2014. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về tình hình nợ công, Chính phủ thống nhất đánh giá, thời gian qua, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, thu ngân sách bị ảnh hưởng lớn.

Tuy nhiên, vẫn phải giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi nhu cầu chi tăng mạnh để thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, cải cách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời phải tăng cường huy động nguồn lực thực hiện đột phá chiến lược phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Do đó, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014.

Mặt khác, nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần.

Cho nên nước ta chuyển sang vay trong nước theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tỷ trọng vay trong nước tăng lên, chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ ngắn hạn dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn. Các chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.

Nợ công là nguồn vốn quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước cho chi đầu tư (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%).

Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều công trình mới.

Góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, qua đó sẽ tăng thu ngân sách và bảo đảm được nguồn trả nợ.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới (gồm vay của Chính phủ, vay được Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương), bảo đảm trong giới hạn cho phép; sử dụng để đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu theo quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả và theo đúng quy định.

Khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nhanh tỷ trọng vay dài hạn với lãi suất thấp. Kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu đủ nợ đối với các khoản vay về cho vay lại.

Bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước trong giới hạn theo quy định và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ đúng hạn.

Rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Chiến lược và Chương trình quản lý nợ công trung hạn. Kiểm soát giảm dần các chỉ tiêu nợ công trong giai đoạn 2016 - 2020 và bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D. Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN