Chính phủ không bảo lãnh các tập đoàn đang mắc nợ

Không cấp bảo lãnh Chính phủ đối với các Tập đoàn, Tổng công ty có khó khăn tài chính, có nợ với Quỹ Tích lũy hoặc đang trong quá trình phải xử lý nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hoặc nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Đó là một trong những đề nghị của Bộ Tài chính về việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các năm tiếp theo vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Theo đó, duy trì yêu cầu về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (3 lần) khi xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ; chủ yếu bảo lãnh các khoản vay trong nước cho các dự án cấp bách, đã vay một phần nước ngoài có bảo lãnh Chính phủ; giảm dần việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay trong nước riêng lẻ.

Hạn chế áp dụng cơ chế đặc thù khi xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án, đặc biệt là việc chấp thuận tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư dự án.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý không cấp bảo lãnh Chính phủ đối với các Tập đoàn, Tổng công ty có khó khăn tài chính, có nợ với Quỹ Tích lũy hoặc đang trong quá trình phải xử lý nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hoặc nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Chính phủ không bảo lãnh các tập đoàn đang mắc nợ - 1

Ảnh minh họa

Không cấp bảo lãnh Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020 cho một chủ đầu tư để thực hiện nhiều dự án trong một năm kế hoạch với trị giá cấp bảo lãnh vượt quá 500 triệu USD/dự án.

Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát để sửa đổi hoặc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05/01/2011 về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính hướng dẫn, tổng hợp các chương trình đầu tư trung hạn 3 năm và kế hoạch điều chỉnh từng năm theo đăng ký của các chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn được Chính phủ bảo lãnh để xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ hạn mức bảo lãnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo và có chính sách ưu tiên, khuyến khích thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng nhất là trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP, BOT để tăng cường thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, giảm sức ép huy động vốn do Chính phủ bảo lãnh.

Đề cao trách nhiệm và sự chủ động trong phối hợp với các Bộ chuyên ngành, nâng cao chất lượng thẩm định phương án đầu tư tổng thể (nhất là về công nghệ, năng lực tài chính, quản lý dự án của chủ đầu tư, cơ sở pháp lý trong việc huy động vốn đề nghị Chính phủ bảo lãnh) trước khi quyết định đầu tư.

Các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo, hướng dẫn các Tập đoàn, Tổng công ty báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu tài chính đối với các dự án đang gặp khó khăn; thực hiện các giải pháp tái cấu trúc tài chính để bảo đảm vốn chủ sở hữu theo quy định, nâng cao năng lực tài chính, khả năng trả nợ và hiệu quả hoạt động; giám sát chặt chẽ tình hình tài chính của các Tập đoàn, Tổng công ty, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần xử lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Nguyễn (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN