Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc: Bài toán xuất khẩu và kịch bản tỷ giá

Cuộc chiến tranh thương mại đã khởi động khi Mỹ chính thức áp thuế với 34 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và kinh tế thế giới được dự báo có nhiều đêm “mất ngủ", Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sự nổi sóng của tỷ giá USD/VND, làn sóng tháo chạy của nhà đầu tư… phần nào dự báo nửa cuối năm không còn yên bình của kinh tế Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "bắn đi phát súng mạnh nhất" trong cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu khi chính thức áp dụng thuế quan lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, vào 0h01p sáng ngày 6.7 theo giờ Washington, hải quan Mỹ sẽ bắt đầu thu thuế 25% đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từ những chiếc máy cày cho đến chip bán dẫn và linh kiện máy bay.

Ngoài ra, với mức thuế bổ sung 16 tỷ USD dự kiến sẽ có hiệu lực sau hai tuần nữa. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra đề xuất xác định thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Tỷ giá nổi sóng, nhà đầu tư tháo chạy

Một tác động khá rõ, đó là giá USD liên tục nhảy múa, lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác trong những ngày đầu tháng 7, đặc biệt, ngày 6.7, cặp tỷ giá USD/VND đã vượt qua mức 23.000 đồng/USD. Tuy nhiên, nếu xét về xét về con số tương đối thì tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng khoảng 0,93% so với đầu năm còn USD tại ngân hàng thương mại cũng mới tăng 1,2 - 1,4%.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc: Bài toán xuất khẩu và kịch bản tỷ giá - 1

Nhiều chuyên gia cho rằng mức biến động 1,2 – 1,4% so với đầu năm vẫn chưa phải là điều gì nghiêm trọng và cần lưu ý, bởi lẽ tỷ giá tăng là theo xu hướng chung của thị trường thế giới, và rằng khi nào biến động trên 2% mới phải quan ngại. Một vài ý kiến khác cho rằng phải sống chung với đồng USD biến động mạnh để chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh.

Phó tổng giám đốc của một NHTM cổ phần có mảng kinh doanh ngoại hối khá lớn cũng cho rằng với biến động của tỷ giá trung tâm hiện nay so với đầu năm chưa phải điều gì ghê gớm. Việc đồng USD mạnh lên là bởi tác động của thị trường quốc tế, bao gồm việc FED tăng lãi suất và hứa hẹn tăng lãi suất tiếp.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc: Bài toán xuất khẩu và kịch bản tỷ giá - 2

“Hơn nữa với chính sách bảo hộ của chính phủ Mỹ sẽ tạo áp lực lớn lên xuất khẩu của hàng loạt các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Bắc Mỹ, EU, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cho nên các nước phải bảo vệ xuất khẩu, phải tính đến tỷ giá để làm sao thuận lợi nhất cho xuất khẩu. Chẳng ai dại gì tăng giá trị của đồng nội tệ lên để làm bất lợi cho xuất khẩu. Giải pháp tốt nhất là giữ nguyên, còn không thì cũng chỉ điều chỉnh nhẹ để tăng lợi thế cho xuất khẩu. Cũng không loại trừ có những dòng vốn sẽ điều chỉnh chảy về Mỹ, qua đó tạo áp lực lên các đồng tiền của các nước tham chiếu với USD”, vị này phân tích.

Không chỉ tỷ giá USD/VND nổi sóng, thị trường chứng khoán cũng đã phản ứng khá mạnh trước thông tin này khi toàn cầu bao trùm sắc đỏ, chỉ số VN index cũng ngấp nghé xuyên thủng ngưỡng kháng cự 900 điểm.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc: Bài toán xuất khẩu và kịch bản tỷ giá - 3

Thị trường chứng khoán ngày 3.7.2018 ngập trong sắc đỏ

Về vấn đề này, ông Linh thừa nhận dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài đang chảy ra khỏi các thị trường mới nổi và tại Việt Nam xu hướng này đã và đang thể hiện rất rõ nét.

“Sự bán tháo cổ phiếu để rút ra khỏi thị trường Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đã làm thị trường lao dốc trong những phiên gần đây. Có thể do nhà đầu tư nước ngoài lo sợ chiến tranh thương mại và các đồng tiền mất giá nên bán tháo cổ phiếu”, ông Linh cho hay.

Ông Linh cho biết thêm, xét trong dài hạn, nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục chịu tác động, tuy nhiên sẽ không tạo cú sốc cho thị trường trừ khi nhà điều hành không kìm cương được đồng nội tệ. Dù vậy, rất khó đoán trước được kịch bản của thị trường chứng khoán trong thời gian tới” ông Linh nhấn mạnh.

Bà Phạm Hoàng Anh, Viện trưởng viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng (NHNN), thì cho rằng tâm lý “thiếu vững vàng” chính là điểm khiến cho thị trường chứng khoán “mất điểm” nhiều như trong thời gian vừa qua.

“Tâm lý của nhà đầu tư trong nước cứ nhắc đến chiến tranh là sợ rồi, có khi còn không biết chiến tranh ở đâu, như thế nào? Chính cái tâm lý ấy đã “bóp chết” thị trường chứng khoán của chúng ta”, bà Anh bình luận.

Bài toán xuất khẩu và kịch bản tỷ giá

Điều đáng lo ngại nhất, đó là sức ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như tác động khi chiến tranh thương mại Mỹ - Eu leo thang. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc là rủi ro cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2018 cũng như năm 2019. Nguyên do một phần kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác (nhưng là gián tiếp) và sau đó lại xuất sang thị trường Mỹ.

“Nếu chiến tranh thương mại leo thang, hàng hóa từ Trung Quốc, EU hay các nước Đông Bắc Á… sang Hoa Kỳ suy giảm và sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam”, ông Thành phân tích.

Ngược lại, nếu như hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ chịu thuế suất cao, nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ tăng đơn đặt hàng ở Việt Nam để bù đắp. Tuy  nhiên, đi liền với cơ hội này cũng có những thách thức.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc: Bài toán xuất khẩu và kịch bản tỷ giá - 4

“Thách thức là nguy cơ hàng Trung Quốc chuyển sang Việt Nam và gắn nhãn mác “made in Việt Nam”. Nếu điều này xảy ra và bị phát hiện thì Việt Nam cũng có thể sẽ bị trừng phạt khi chiến tranh thương mại leo thang”, ông Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCK SSI, cũng nhìn nhận chiến tranh thương mại leo thang ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

“Tuy nhiên, kịch bản mà tôi nhìn thấy thì ảnh hưởng tiêu cực sẽ lớn hơn những mặt tích cực, trong đó, thương mại của Việt Nam bị tác động là đương nhiên, tăng trưởng kinh tế cũng khó tránh khởi những thách thức đến từ cuộc chiến này”, ông Linh bình luận.

Câu hỏi đặt ra, nhà điều hành Việt Nam nên làm gì để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu? Ông Linh cho rằng rất khó để Trung Quốc sẽ phá giá đồng NDT khi chiến tranh thương mại leo thang trong thời gian tới. 

“Dù là chiến tranh thương mại leo thang nhưng tôi không cho rằng đồng NDT sẽ phá giá, bởi vì Trung Quốc cũng là quốc gia điều hành tỷ giá như Việt Nam. Nếu như họ phá giá thì sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng, đặc biệt là vấn đề liên quan đến nợ nước ngoài. Thêm vào đó, dữ trữ ngoại hối của họ đang duy trì ở mức 2 năm nhập khẩu nên họ có điều kiện để can thiệp thị trường”, ông Linh phân tích.

Ông Linh phân tích thêm, nếu giả định trong trường hợp xấu, Trung Quốc phá giá đồng NDT thì nhà điều hành chính sách của Việt Nam đừng chạy theo chính sách này.

“Bài học năm 2015, khi trung Quốc phá giá đồng NDT, Việt Nam cũng giảm giá tiền đồng tới 4 -5%, đó là 1 sai lầm và lần này tôi nghĩ rằng nhà điều hành Việt Nam không chạy vào vết xe đổ này nữa. Cho dù, nếu không phá giá tiền đồng có thể hàng hóa Việt Nam cũng sẽ mất đi phần nào sức cạnh tranh”, ông Linh phân tích.

Bà Phạm Hoàng Anh, Viện trưởng viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng (NHNN), cho rằng áp lực đối với tỷ giá thời gian tới là rất lớn. Điều này xuất phát từ sự lo lắng “quá” của thị trường.

“Tuy nhiên, nếu quản lý không tốt tỷ giá mất giá mạnh thì tâm lý này sẽ lây lan và đương nhiên thị trường ngoại hối và chứng khoán chịu ảnh hưởng. Theo tôi kịch bản này khó xảy ra vì cung – cầu ngoại tệ hiện nay của Việt Nam tương tối ổn định”, bà Anh bình luận.

Tuy vậy, NHNN cần tiếp tục theo dõi sát tỷ giá để có biện pháp điều hành phù hợp vì chẳng ai đoán chắc được Mỹ sẽ có chính sách gì về thương mại. Ví như gần nhất Mỹ nói sẽ rút khỏi WTO, nếu điều này là thật thì sẽ ảnh hưởng đến mậu dịch toàn cầu và khi ấy không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia cũng đều phải phòng vệ ở hai lĩnh vực là rào cản hàng hóa thuế quan và tỷ giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thúy ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN