Chỉ có ở Việt Nam: "1 thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép"
Nhận xét về cải cách thủ tục hành chính của nước ta thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, còn chậm và chưa đủ mạnh, vẫn còn những chuyện cười ra nước mắt, chỉ có ở Việt Nam, như “1 thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép” hay “thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà”...
Đánh giá cao công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, ông Lộc cho biết: Tốc độ tăng trưởng đã đạt mức trung bình 6,5%/năm, cải thiện đáng kể so với mức 5,9% của giai đoạn 2011-2015. Xuất khẩu cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao và nền kinh tế đã xuất siêu trở lại.
Tuy nhiên, theo ông Lộc những kết quả đạt được nói trên mới chỉ là thành công ban đầu và chủ yếu nhờ vào các giải pháp mang tính ngắn hạn cộng với sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ. Nhiều vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế mới chỉ được nhận diện mà chưa có phương án giải quyết một cách căn cơ.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, có lẽ, chúng ta là một trong những quốc gia nói nhiều nhất về “cách mạng 4.0”, nhưng nếu các chính sách về giáo dục, khoa học và công nghệ .v.v. không có những thay đổi căn bản thì lấy đâu ra nguồn nhân lực và phát minh, sáng chế để khởi nghiệp, để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI)
Ngân sách: Thu từ bán tài sản công cạn kiệt chuyển sang tăng thu từ thuế
Về tài khóa, trong những năm qua, chúng ta cố gắng cân bằng ngân sách, khống chế nợ công bằng các khoản thu một lần như bán đất, bán tài sản công hay thu từ cổ tức của các Doanh nghiệp nhà nước. Khi các nguồn này dần cạn kiệt chúng ta lại chuyển sang tăng thu từ thuế. Giải pháp này sẽ tạo nên một sự dịch chuyển nguồn lực từ khu vực tư đang hoạt động hiệu quả sang khu vực công hoạt động kém hiệu quả hơn. Điều này không có lợi cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Thêm vào đó, có một nghịch lý là, trong khi Bộ Tài chính ra sức tìm giải pháp để tăng huy động vốn, thì tốc độ giải ngân đầu tư công lại ngày càng chậm. Trong khi đó vấn đề tinh giản bộ máy, giảm chi thường xuyên để lấy nguồn cho đầu tư, mặc dù đã được mở đường bằng các nghị quyết của Trung ương, nhưng lại chưa được tập trung triển khai có hiệu quả trên thực tế, và do vậy cũng chưa đạt được kết quả gì đáng kể.
Về cải cách về thể chế, theo ông Lộc đã thấy những kết quả bước đầu, nhưng còn rất khiêm tốn. Vẫn còn những câu chuyện cười ra nước mắt, chỉ có ở Việt Nam, như “1 thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép” hay chuyện “thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà” vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi...
Theo đó, một số bộ ngành mới chỉ thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực chịu sức ép lớn từ Chính phủ và từ dư luận xã hội, theo kiểu chạy theo vụ việc, thiếu bài bản, đối phó. Không ít tư lệnh ngành còn lơ là nhiệm vụ làm thể chế. Đến nay, ít nhất có tới 4 bộ ngành còn chưa rà xét và xây dựng phương án đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, 4 bộ ngành khác còn chưa xây dựng được dự thảo nghị định.
Một kế hoạch cải cách tổng thể nhằm giải quyết gốc gác của vấn đề là cơ chế xin - cho hiện vẫn còn chưa được phác thảo. Nếu các bộ luật vẫn được thiết kế theo kiểu “luật ống, luật khung” và vẫn cần phải có các nghị định, thông tư của các bộ ngành hướng dẫn thì tình trạng giấy phép con, cháu và các thủ tục hành chính rườm rà sẽ có nguy cơ không biến mất, mà lại biến tướng, phục hồi, chuyển từ hình thái này sang hình thái khác, và vẫn đè nặng lên doanh nghiệp.
Theo ông Lộc nhận định: Đây là kỳ họp đầu tiên trong nhiều năm, Quốc hội chỉ họp trong 20 ngày, và một nguyên nhân qua trọng là do, Chính phủ đã không trình được các dự thảo luật theo đúng hẹn với chất lượng được bảo đảm. "Điều này cho thấy các bộ ngành đã ôm đồm quá nhiều công việc và không còn thời gian để thực hiện chức năng chính yếu của mình là xây dựng thể chế và hoạch định chính sách".
Cuối cùng, ông Lộc nhấn mạnh: Ông cha ta có câu “một người lo bằng một kho người làm”, “Cải cách thể chế là khâu đột phá”. Để đạt được những thành tựu xa hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, các bộ ngành phải thực sự là “kiến trúc sư trưởng” trong cải cách thể chế ở từng lĩnh vực chứ không chỉ hành xử như những “đốc công”.