Chỉ có ba đại gia Việt có thể vươn mạnh ra toàn cầu?

Trong một nghiên cứu, Tập đoàn Tư vấn chiến lược BCG (Boston Consulting Group, Mỹ) cho biết chỉ có ba doanh nghiệp (DN) của Việt Nam là Vinamilk, Viettel và FPT có khả năng dẫn đầu, có hành động, đủ khả năng để vươn ra nước ngoài.

Lấy thị trường nội địa làm bàn đạp

. Phóng viên: Dựa trên những tiêu chí, cơ sở nào BCG đưa ra kết luận này, thưa ông?

+ Ông Douglas Jackson: Mục đích của báo cáo là làm nổi bật những công ty tiên phong đã sớm thực hiện thành công những bước đầu tiên để trở thành công ty toàn cầu.

Chỉ có ba đại gia Việt có thể vươn mạnh ra toàn cầu? - 1

 Ông Douglas Jackson, Tổng giám đốc BCG tại Việt Nam

Tiêu chí là DN đó hội đủ một số điều kiện: Có trụ sở tại Đông Nam Á, mức độ tăng trưởng, doanh thu hàng năm tối thiểu 500 triệu USD. Có khát vọng vươn ra thế giới và truyền đạt được điều đó…

Ví dụ Vinamilk có tham vọng trở thành top 50 DN sản xuất sữa hàng đầu thế giới năm 2020, họ nói rất rõ ràng và thực hiện tham vọng đó. Công ty này cũng đạt tỉ số TSR (tỉ số tổng lợi nhuận đem lại cho cổ đông) trong năm năm là 32%, đưa họ vào danh sách 25% công ty sản xuất sản phẩm từ sữa tốt nhất thế giới.

Ngoài ra hệ thống phân phối của công ty được xây dựng riêng cho Việt Nam.

. Theo ông, Việt Nam có hàng trăm ngàn DN nhưng tại sao chỉ có ba DN có đủ khả năng vươn ra toàn cầu?

+ Đằng sau sự thành công của các công ty trên có rất nhiều yếu tố. Mỗi công ty có chiến lược riêng nên khó đánh giá, song có thể thấy điểm chung của là họ xây dựng nền tảng kinh doanh vững mạnh trong thị trường nội địa trước khi tấn công ra thị trường quốc tế.

Điều này rất quan trọng vì khi kinh doanh ở nước ngoài thì những nhà quản lý sẽ lơ là với thị trường nội địa và tạo lợi thế cho các đối thủ.

Thứ hai, mỗi công ty đều chọn tham gia những thị trường mà trước đó họ đã đạt được từ thị trường nội địa sẽ tạo lợi thế cho họ trên thị trường quốc tế. Tập đoàn Viettel đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông ở một thị trường khó khăn giống như Việt Nam trước đây và đang áp dụng những thế mạnh này vào những đất nước khó khăn, kém phát triển nhất như Haiti và Timor Lieste.

Khó khăn nhưng đừng sợ hãi

. Nghiên cứu của BCG cũng chỉ ra các DN Thái, công ty đa quốc gia xem Việt Nam là thị trường tiềm năng để đầu tư khi hội nhập. Vậy xin ông cho biết DN  Việt nên làm gì để có thể trụ vững và phát triển?

+ Đúng là các DN Thái Lan, những tập đoàn đa quốc gia có kỳ vọng nhiều nhất vào thị trường Việt Nam. Với Thái Lan do hàng Thái có khẩu vị tương đồng với Việt Nam nên được người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận.

Tuy vậy, không phải DN Thái nào cũng thành công vì họ gặp khó khăn như về hành lang pháp lý, việc mua đất đai đòi hỏi nhiều chi phí...

Tôi cho rằng không có giải pháp chung nào cho tất cả các DN cả. Nhưng một trong các giải pháp là hãy tìm kiếm những cơ hội để hợp tác với những công ty mới ở nước ngoài, những tập đoàn đa quốc gia và các công ty nước ngoài.

. Xin ông cho biết nhận xét của mình về sức cạnh tranh của các DN Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh khốc liệt hiện nay?

+ Chủ tịch BCG đã từng nhận định phần lớn những DN Việt có lợi thế sân nhà và lợi thế này không phải là ngẫu nhiên. Vì DN đã tồn tại kinh doanh lâu, hiểu điều kiện kinh tế địa phương mà các công ty nước ngoài khó có thể hiểu được.

Chẳng hạn, hành lang pháp lý chưa rõ ràng khi chính sách từ Nhà nước ban hành xuống, các cơ quan quản lý mỗi nơi hiểu mỗi kiểu nên những công ty nước ngoài không hiểu được chính sách đó. Như BCG dù mô hình kinh doanh rất đơn giản, không phải xây nhà máy, ảnh hưởng môi trường… nhưng quá trình xin giấy phép ở Việt Nam mất sáu tháng.

Ngoài ra, các công ty địa phương hiểu việc chính sách tác động đến họ như thế nào và biết cách ứng phó, còn công ty nước ngoài mới vào không biết.

. So với các đối thủ đến từ Thái Lan, Singapore, DN Việt có những lợi thế và hạn chế nào, thưa ông?

+ Mỗi nước đều có lợi thế sân nhà của mình. Tuy nhiên, chắc chắn một lợi thế giúp các công ty Singapore, Thái Lan và Malaysia chiếm ưu thế hơn các công ty Việt Nam là sự phát triển họ đã đạt được trong các giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế và họ gặt hái được nhiều thành công.

Không phải DN Việt Nam không làm được như vậy mà đòi hỏi cần có nhiều thời gian mới tích lũy kinh nghiệm, không thể đi tắt. DN Việt cần phải lo lắng về sự cạnh tranh sắp tới nhưng không nên sợ hãi.

. Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN