Chi 4,6 tỷ USD để mua Sabeco, đại gia Thái lách luật thế nào?
Trong thương vụ mua cổ phần của Sabeco, đại gia Thái Lan có thể được mua tới 51% cổ phần.
Tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tổng lượng nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với một doanh nghiệp Việt là 49%. Nhưng trong thương vụ của Sabeco, đại gia Thái Lan có thể được mua tới 51% cổ phần.
Vì sao Vietnam Beverage được mua tới 51%?
Theo thông tin từ Bộ Công thương, đến thời điểm chót đăng ký tham gia đấu giá cạnh tranh cổ phần của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB), tức 18h ngày 11/12/2017, chỉ có một nhà đầu tư duy nhất là Công ty TNHH Vietnam Beverage đăng ký mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco. Theo quy định hiện hành, tổng số cổ phần mà các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tại Sabeco là 49%. Tại Sabeco, hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) đã là 9,92% cổ phần Sabeco, trong đó riêng Heineken sở hữu 5%. Do đó, các nhà đầu tư ngoại còn lại chỉ còn được sở hữu tối đa 39,08% số cổ phần.
Ngày 18/12, Nhà nước sẽ chính thức đấu giá hơn 343 triệu cổ phần Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phần. Là cơ quan chủ quản, Bộ Công thương đang đại diện sở hữu 89% vốn điều lệ tại công ty này. Với giá khởi điểm trên, tạm tính đợt thoái vốn lần này thu về cho Sabeco gần 110 nghìn tỷ đồng.
Bộ Công thương cho biết, theo quy định, tỷ lệ room ngoại giới hạn với tổ chức do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn trở lên có quyền biểu quyết. Hiểu một cách đơn giản thì Công ty A do nhà đầu tư ngoại nắm giữ 51% vốn thì chỉ được mua tối đa 49% vốn của Sabeco.
Tuy nhiên, ở đây Tập đoàn Thái Beverage chỉ sở hữu 49% công ty mẹ của Công ty TNHH Vietnam Beverage. Vì thế, Vietnam Beverage không chịu trói buộc của quy định room 49% nói trên. “Trường hợp Công ty Vietnam Beverage có vốn của nước ngoài nắm giữ 49% thì không thuộc đối tượng áp dụng của quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài nói trên. Điều này có nghĩa, Vietnam Beverage được phép mua với tỷ lệ tối đa 51%”, Bộ Công thương khẳng định.
Trước đó, Bộ Công thương cho biết, Vietnam Beverage đã đăng ký mua 327 triệu cổ phần Sabeco, tương đương 51% lượng cổ phiếu lưu hành trong đợt đấu giá diễn ra vào ngày 18/12 tới. Theo giá khởi điểm được Bộ Công thương công bố là 320.000 đồng/cổ phần, ước tính, Vietnam Beverage sẽ phải chi khoảng 105 nghìn tỷ đồng (4,6 tỷ USD) để sở hữu 51% cổ phần Sabeco.
Thai Beverage đã kiên trì theo đuổi Sabeco suốt thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc lách quy định room 49% của tỷ phú Thái là nhằm sở hữu luôn tỷ lệ cổ phần chi phối tại doanh nghiệp bia lớn nhất thị phần Việt Nam (40,9% thị phần).
Ba lần ngỏ ý
Công ty TNHH Vietnam Beverage vừa được thành lập hồi đầu tháng 10/2017 với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng. Chủ sở hữu khi thành lập của Vietnam Beverage là Công ty CP Đầu tư Nga Sơn. Đáng chú ý, Công ty CP Đầu tư Nga Sơn cũng mới được thành lập ngày 27/9/2017, trước Vietnam Beverage vài ngày. Công ty CP Đầu tư Nga Sơn do bà Trần Kim Nga làm Tổng giám đốc. Ngay sau đó, ngày 7/12, Vietnam Beverage đã tăng vốn điều lệ lên 681,6 tỷ đồng; đồng thời chuyển sở hữu sang cho Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam. Sở hữu 49% F&B Alliance Việt Nam là Beerco Limited - một công ty do Thai Beverage sở hữu 100%. Thai Beverage là tập đoàn đồ uống Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi. Như vậy, sau một loạt các sở hữu vòng vèo nhưng gốc rễ của Vietnam Beverage là Thai Beverage của tỷ phú lừng danh.
Ít người để ý, trước khi tham gia đợt chào bán cạnh tranh này của SAB, Thai Beverage đã hai lần ngỏ ý muốn mua lại cổ phần của Sabeco vào năm 2014 và 2015 ngay khi có thông tin tái cấu trúc vốn Nhà nước tại đây. Thời điểm đó, Thai Beverage đã muốn sở hữu luôn 40% cổ phần của Sabeco với giá 1 tỷ USD nhưng không thành. Trong đợt đấu giá cạnh tranh công khai lần này, nhiều dự đoán cho rằng sẽ là cuộc đua của hai đối thủ Thai Beverage và Heineken bởi Heineken đang sở hữu 5% cổ phần của Sabeco nên việc nâng tỷ lệ sở hữu lên cao hơn là điều dễ hiểu để kiểm soát thị trường tiêu thụ bia lớn thứ 3 châu Á là Việt Nam. Với vị thế đó, những tưởng Vietnam Beverage sẽ sớm hoàn thành các thủ tục để giành chiến thắng vào ngày 18/12 tới. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, Vietnam Beverage vẫn chưa hoàn tất bước cuối cùng là nộp tiền đặt cọc. Theo quy định đấu giá hiện nay, kể cả trong trường hợp đã đặt cọc thì nhà đầu tư vẫn có thể rút lui vào phút cuối nếu thấy giá cả không hợp lý. Trong trường hợp của Vietnam Beverage, một số nhận định cho rằng, đó chỉ là cách “làm màu” tỷ phú Thái trước một món hàng rất muốn sở hữu. Liệu Vietnam Beverage có tham gia đặt cọc, đăng ký phiên chào bán cạnh tranh vào ngày 18/12 này hay không sẽ có kết quả sau 16h ngày 17/12/2017.
Vietnam Beverage là một công ty mới thành lập tại Việt Nam và được nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do ThaiBev...