Chênh lệch giá vàng chưa có dấu hiệu giảm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, đang diễn ra hôm nay (27/6/2013).

Sáng nay, 27/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013 với sự tham dự của các địa phương theo hình thức truyền hình trực tuyến.

GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 4,9%

Mở đầu phiên họp thường kỳ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu nhìn lại tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm.

Bộ trưởng cho biết, Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 4,9%, bằng xấp xỉ mức tăng cùng kỳ năm trước (đạt 4,93%). Trong đó khu vực tăng cao nhất là dịch vụ tăng 5,92%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,18%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,07%.

Tốc độ tăng GDP Quý II ước đạt 5%, cao hơn mức tăng 4,76% của Quý I/2013.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tuy tốc độ tăng trưởng GDP Quý II và 6 tháng đầu năm không cao như mong đợi nhưng là mức tăng khá hợp lý. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong một thời gian khá dài.

Tuy nhiên, diễn biến nền kinh tế trong Quý II cho thấy nền kinh tế đang dần hồi phục, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các ngành, lĩnh vực khác đều đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng.

Chênh lệch giá vàng chưa có dấu hiệu giảm - 1

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, diễn biến chỉ số giá trong 6 tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và có khả năng kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau 7 tháng tăng liên tiếp đã có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể từ tháng 3/2013 đến nay. So với tháng 12/2012, CPI tháng 6/2013 tăng 2,4%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.

Nguyên nhân, bên cạnh sự điều hành của Chính phủ, một phần do mặt bằng giá thế giới giảm. Mặt khác, tổng cầu thấp, sức mua yếu trong khi sản xuất trong nước tiêu thụ chậm và phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, nhất là nhập từ thị trường Trung Quốc... cũng gây áp lực giảm giá trong nước.

“Trong 6 tháng cuối năm vẫn còn có những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước, đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ các chính sách và các cân đối lớn, giá các yếu tố đầu vào quan trọng, như: điện, xăng dầu, phân bón,... và giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay.

Chênh lệch giá vàng chưa có dấu hiệu giảm

Báo cáo do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cắt giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ông Bùi Quang Vinh, lãi suất tuy có giảm nhưng chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay vẫn chưa giảm nhiều, việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại. Tín dụng đối với nền kinh tế có cải thiện song tốc độ tăng vẫn ở mức thấp so với nhu cầu phát triển.

Nhận định về thị trường vàng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, kinh doanh vàng đang dần đi vào hoạt động ổn định hơn so với trước.

“Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách bình ổn thị trường vàng vẫn còn hạn chế, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao (khoảng 5-6 triệu đồng/lượng) và chưa có dấu hiệu giảm”, Bộ trưởng nói.

Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, kiểm soát chặt chẽ tỷ giá, thị trường vàng theo mục tiêu, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Thúc đẩy hoạt động của Công ty quản lý tài sản (VAMC), góp phần xử lý nợ xấu, khai thông dòng vốn tín dụng; tăng cường công khai thông tin về giá và Quỹ bình ổn giá xăng dầu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN