Chênh lệch giá vàng, ai đang hưởng lợi?
Khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng đặt mục tiêu kéo sát giá vàng trong nước và thế giới. Nhưng hiện giờ, giá vẫn chênh lệch từ 6-7 triệu đồng/lượng. Vậy ai đang hưởng lợi?
Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013, chiều tối 26/4 diễn ra với kịch bản khá bất ngờ. Một thời lượng lớn cuộc họp báo dành để Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trao đổi với PV các vấn đề xung quanh thị trường vàng. Tại đây, câu chuyện chênh lệch giá vàng được nhiều PV quan tâm.
Vì sao giá chênh lệch
Ngày 26/4, giá vàng trong nước mua vào 42,7 triệu đồng/lượng, giá bán ra 43 triệu đồng/lượng. Mức giá này cao hơn giá vàng thế giới 6 – 7 triệu đồng/lượng.
Tại cuộc họp báo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng lý giải vì sao qua 12 phiên đấu thầu vẫn chưa kéo được giá vàng trong nước sát với thế giới.
Ông Hưng cho biết, Việt Nam là nước không sản xuất được vàng, do đó tất cả các nhu cầu vàng đều phải nhập khẩu. Tuy nhiên, trong gần hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Lý do, phục vụ mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá...
Mặt khác, gần đây giá vàng quốc tế có sự sụt giảm rất mạnh, giảm mạnh nhất trong 30 năm qua. Đây là các yếu tố khiến giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch.
Theo ông Hưng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu vàng góp phần tăng cung, giảm áp lực cầu. Nếu không tham gia bình ổn, trong bối cảnh không cho phép nhập khẩu, thị trường sẽ biến động rất mạnh, đặc biệt là về giá.
Theo Phó Thống đốc Lê Minh Hưng, khi tham gia bình ổn thị trường vàng thông qua việc đấu thầu vàng thì Ngân hàng Nhà nước đã công bố rất rõ đây là hoạt động bình ổn thị trường, không bình ổn giá.
Thông qua việc đấu thầu không nhằm mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức cân bằng với giá vàng thế giới mà chủ yếu thực hiện việc tăng cung ra thị trường để qua đó giải quyết vấn đề nhu cầu vàng.
Nhìn chung, Phó thống đốc khẳng định, chênh lệch giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có việc không cho phép mặt khẩu, do nhu cầu vàng trong nước vẫn có và giá vàng quốc tế giảm rất mạnh... Ông Hưng cũng cho rằng, về tổng thể, sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước vào bình ổn thị trường vàng đạt được mục tiêu đề ra và đã thành công.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng
Ai hưởng lợi?
Tại cuộc họp, PV đặt vấn đề: Chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn rất nhiều so với thế giới, liệu có xảy ra tình trạng buôn lậu vàng hay không?
Vị Phó Thống đốc cho rằng, đây là một trong những lý do để Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định 24: Nhà nước độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Bởi trước đây, nhiều doanh nghiệp được cấp phép để làm việc này, khi thị trường có chênh lệch giữa trong nước và quốc tế thì xảy ra hiện tượng nhu cầu ngoại tệ số lượng lớn để nhập khẩu vàng sản xuất vàng miếng, ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá và gây áp lực lên lạm phát.
Trước lo ngại “với quy mô doanh nghiệp hiện tại, số vốn không lớn, doanh nghiệp thắng thầu trong đấu thầu vàng chủ yếu là ngân hàng, vậy có lợi ích nhóm ở đây hay không?”. Phó Thống đốc khẳng định, vàng miếng là mặt hàng không khuyến khích mua bán, không phải mặt hàng thiết yếu, không đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Nhà nước cho phép mua bán nhưng phải có điều kiện kinh doanh, trong đó có điều kiện vốn.
Theo ông Hưng, có thể nhận thấy rõ thời gian qua, thị trường vàng có biến động nhưng không xảy ra những cơn sốt vàng. Đặc biệt, không xảy ra biến động hay tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng. Còn toàn bộ khoản chênh lệch giá vàng thu được từ việc đấu thầu vàng là nguồn thu của ngân sách Nhà nước.