Chấp nhận rủi ro thì đầu tư vào bitcoin
Hơn 6.000 USD - đỉnh cao mới được thiết lập của đồng tiền kỹ thuật số bitcoin đã khiến cho thị trường tài chính xôn xao. Có nên đầu tư kiếm lời hay không, là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Báo CAND đã có trao đổi với chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.
PV: Thưa TS. Nguyễn Trí Hiếu, mốc kỳ vọng 10.000 USD/bitcoin có vẻ đang ngày càng trở thành hiện thực. Liệu giá trị của đồng tiền này có tăng lên đến mốc đó, và đó đã phải là điểm dừng cuối cùng hay chưa?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Rất khó để có thể khẳng định bitcoin có đạt được đến mốc 10.000 USD như dự đoán và kỳ vọng của giới đầu tư, và liệu đấy đã phải là điểm dừng của đồng giá đồng tiền này hay chưa, nhưng tôi chắc chắn rằng trong thời gian tới, đồng tiền này sẽ còn tiếp tục tăng. Trong tháng vừa rồi, nó đã tăng kinh khủng và nó sẽ tiếp tục tăng, chưa có điểm dừng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu
PV: Điều gì khiến nó tăng giá, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Vì giới đầu tư trên thế giới đổ tiền vào. Vì một số nền kinh tế chấp nhận nó trở thành đồng tiền thanh toán. Vì nó là đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên, đến giờ vẫn chưa tìm ra “cha đẻ” chính thức. Và vì nó được cho là chỉ có một số lượng nhất định, và đang ngày càng khan hiếm. Thực tế, có nhiều đồng tiền ảo ra đời sau và cũng đang song song tồn tại, nhưng thị trường hầu như chỉ có bitcoin “làm mưa làm gió”.
PV: Tăng giá chóng mặt- đồng tiền này đang sinh lời một cách kinh khủng. Vậy có nên đầu tư vào nó không, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cái này tùy lựa chọn của từng người. Nếu hỏi tôi, thì câu trả lời là tôi sẽ không đầu tư. Nếu bạn hỏi có nên đầu tư không, câu trả lời của tôi cũng vẫn là không. Nhưng nếu bạn xin lời khuyên thì theo tôi ai dám chấp nhận rủi ro kiểu “có gan làm giàu” thì có thể đầu tư, nhưng không nên đổ quá nhiều tiền vào đó.
PV: Vâng, rủi ro cao, nhưng lợi nhuận cũng sẽ cao, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Vấn đề là ở nước ta, bitcoin không được chấp nhận như đồng tiền thanh toán. Cho đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa có xác nhận gì rõ ràng: chấp nhận hay không chấp nhận, kể cả coi bitcoin là hàng hóa cũng chưa có văn bản nào quy định. Những vấn đề này đều đang để trống. Khi tính pháp lý chưa có thì rủi ro sẽ rất cao. Đặc biệt, nếu khi Chính phủ có quy định, mà quy định đó là không chấp nhận thì người nắm giữ sẽ chịu thiệt hại lớn.
Rủi ro thứ 2 là về thị trường. Đây là đồng tiền điện toán, được hình thành từ hệ thống chuỗi blockchain, không có cơ quan nào quản lý, thị trường là toàn cầu nên rủi ro thị trường rất cao.
PV: Nghe ông phân tích thì đầu tư quả không dễ. Đúng là không phải cứ “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Bởi vậy, đối với những nhà đầu tư Việt Nam, nếu chấp nhận được cả hai rủi ro: rủi ro pháp lý và rủi ro thị trường như trên thì có thể đầu tư, nhưng không nên đầu tư quá nhiều tiền, mà chỉ góp một phần nhỏ. Và điều quan trọng là phải biết mua như thế nào, bán như thế nào và bán cho ai. Cần phải tìm hiểu rồi mới đầu tư. Có 2 cách đầu tư, nhưng với phần lớn những người không hiểu gì về điện toán, thì không nên mua máy đào, mà có thể liên lạc với môi giới. Nhưng người này sẽ giúp bạn mở 1 chiếc ví điện tử để giao dịch. Dĩ nhiên qua trung gian thì bạn sẽ bị chia bớt lợi nhuận, chấp nhận “ăn non”. Tóm lại, đầu tư hay không đầu tư tùy thuộc vào quyết định của khách hàng, vì nó có rủi ro nhưng có lợi nhuận. Với những người “lướt sóng”, “ăn xổi” vẫn có thể đầu tư được.
PV: Vậy, nếu trong trường hợp không thể đầu tư vào bitcoin, theo ông nên bỏ tiền vào đâu để sinh lãi?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nếu khách hàng chỉ có từ vài chục đến vài trăm triệu, theo tôi gửi ngân hàng vẫn là kênh an toàn và có lãi thực dương. Nếu có nhiều tiền hơn, có thể đầu tư hoặc hợp tác đầu tư vào bất động sản. Với các kênh khác: vàng cũng rủi ro cao, ngoại tệ thì không sinh lãi vì tỷ giá ổn định, còn chứng khoán muốn đầu tư thì phải hiểu, có kiến thức nên cũng kén khách.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!