Chặng đường tái cơ cấu ngân hàng đã tới đâu?
Việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, “cục máu đông” nợ xấu ngân hàng đang dần tan, song cũng chưa thể giải quyết dứt điểm.
Diện mạo mới của hệ thống ngân hàng
Sau 4 năm thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay 17 TCTD yếu kém được xử lý bằng việc thông qua các biện pháp như: sáp nhập, hợp nhất, mua cổ phần bắt buộc. Một số phương án xử lý mạnh tay từ phía NHNN, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, về cơ bản đã khiến hệ thống ngân hàng vốn cồng kềnh trước đây, nay gọn nhẹ và bắt đầu đi vào “ngăn nắp”, an toàn, có kỷ luật, kỷ cương.
Thống kê được đưa ra trong Hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu” do Báo Lao Động phối hợp với NHNN tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua cho thấy: Trong giai đoạn 2012-2013, 8 ngân hàng yếu kém đã từng bước thực hiện phương án tái cơ cấu (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất - Ficombank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa - TinNghiaBank, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội - Habubank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TienPhongBank, Ngân hàng TMCP Nam Việt - Navibank, Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank và Ngân hàng TMCP Phương Tây - Western Bank).
Các giải pháp được thông qua bao gồm: sáp nhập, hợp nhất hoặc tự tái cơ cấu bằng chính nguồn lực của ngân hàng, cổ đông hiện hữu, trong đó tập trung vào việc củng cố hoạt động kinh doanh.
Hệ thống ngân hàng đang dần trở nên “gọn nhẹ” hơn nhờ các thương vụM&A (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).
Giai đoạn năm 2013-2014, hệ thống ngân hàng giảm 5 TCTD thông qua mua bán và sáp nhập (M&A), giải thể, rút giấy phép 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cổ phần hóa 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và mở đầu cho làn sóng M&A ngân hàng trong năm 2015.
Năm nay, tiếp tục có thêm những thương vụ “kết hôn” giữa các TCTD như: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) - Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) - Ngân hàng TMCP Petrolimex (PGBank) và mới đây nhất là thương vụ sáp nhập giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank). Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng được xem là một trong những nền tảng phát triển kinh tế quan trọng giai đoạn 5 năm tới 2016-2020.
Việc thành lập và hoạt động có hiệu quả Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cũng như biện pháp mạnh tay của NHNN khi mua lại một số ngân hàng TMCP với giá 0 đồng, có thể coi là những điểm sáng trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Ít nhiều thì những diễn biến mới của ngành ngân hàng trong năm 2015 cũng khôi phục được niềm tin của người dân đối với các TCTD và giúp cho việc quản lý hoạt động hệ thống ngân hàng được rõ ràng và có hiệu quả.
Nợ xấu vẫn... xấu
Thống kê đến thời điểm hiện tại có 15 ngân hàng công bố minh bạch về con số nợ xấu tại báo cáo tài chính quý III/2015. Tỉ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng này giảm từ 2,24% cuối năm trước xuống còn 1,89% trong năm nay. Tuy nhiên, số nợ tuyệt đối lại tăng thêm 7,15% lên 42.519 tỉ đồng. Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, thực chất nợ xấu ngành ngân hàng chỉ giảm về tỉ lệ, còn con số nợ xấu thực tế không hề giảm, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) còn tăng mạnh.
Nguyên nhân của việc giảm tỉ lệ nợ xấu là do các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhất là sau khi NHNN cho phép nới rộng tín dụng của 18 ngân hàng và chi nhánh trong năm 2015. Những NHTM có tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ nhất phải kể đến: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), BIDV…
Nợ có khả năng mất vốn được thống kê trên 15 ngân hàng nói trên, tính đến hết quý III/2015 đã tăng tới gần 25.000 tỉ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng trên là do lỗi nằm ở việc cho vay tín dụng khá dễ dãi của các TCTD. Một tính toán đưa ra khiến nhiều người không khỏi giật mình, tỉ lệ nợ xấu trong 9 tháng đầu năm 2015 của ba “ông lớn” ngành ngân hàng Vietcombank, Vietinbank và BIDV lên tới con số 23.825 tỉ đồng, bằng vốn của 8 ngân hàng khác cộng lại. Theo thống kê mới nhất, từ cuối 2013 đến nay, VAMC mới chỉ xử lý được 7,2% nợ xấu, tương đương khoảng 16.270 tỉ đồng. Bài toán giải quyết nợ xấu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù tỉ lệ nợ xấu của 15 ngân hàng đã đưa về mức dưới 3%. Điều này đồng nghĩa với việc nợ xấu vẫn… rất xấu.
Theo phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình trạng sở hữu chéo tại các TCTD đã được xử lý và kiểm soát, các TCTD đẩy mạnh hoạt động M&A. Tính đến nay, thị trường đã giảm 17 TCTD và 2 chi nhánh nước ngoài. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng thực hiện quyết liệt xử lý nợ xấu, phát huy vai trò của VAMC. Các tổ chức tín nhiệm quốc tế đánh giá tích cực về xếp hạng tín nhiệm các TCTD Việt Nam. Đến cuối tháng 9.2015, tỉ lệ nợ xấu còn 2,93%. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu một số NHTM còn khó khăn, vẫn tồn tại một số hoạt động vi phạm, việc tiếp cận vốn tín dụng còn nhiều trở ngại, năng lực quản trị và dịch vụ ngân hàng cần cải thiện trong quá trình hội nhập. |